Lĩnh án 10 năm tù vì vận chuyển động vật hoang dã trái phép

Ngày 19/9, Tòa án nhân dân huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) đã đưa ra xét xử và tuyên phạt đối tượng Cao Xuân Nai 10 năm tù giam vì tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm.”
Lĩnh án 10 năm tù vì vận chuyển động vật hoang dã trái phép ảnh 1Rùa đầu to. (Ảnh: ENV cung cấp)

Thông tin từ Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên cho biết, hôm nay (19/9), Tòa án nhân dân huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên đã đưa ra xét xử và tuyên phạt đối tượng Cao Xuân Nai 10 năm tù giam vì tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” theo quy định tại điểm b Khoản 3 Điều 244 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Trước đó, ngày 2/4, tại quốc lộ 279, gần cửa khẩu Tây Trang, huyện Điện Biên, cơ quan chức năng huyện Điện Biên đã phát hiện và bắt giữ Cao Xuân Nai khi đối tượng này đang trên đường vận chuyển trái phép 27 cá thể rùa đầu to (tổng khối lượng 10,5kg) và 4 chân/tay gấu ngựa (tổng khối lượng 13kg).

Vụ bắt giữ diễn ra sau hơn ba tháng kể từ khi Bộ luật hình sự 2015 có hiệu lực (từ ngày 1/1/2018), nâng mức hình phạt cho các hành vi vi phạm về động vật hoang dã lên đến 15 năm hoặc 2 tỷ đồng đối với cá nhân, và phạt tiền đến 15 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động từ 6 tháng đến 3 năm hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn đối với pháp nhân.

[Phát hiện trang trại nuôi không phép 11 con hổ ở Thanh Hóa]

Chia sẻ từ góc độ bảo tồn, bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên cho rằng Bộ luật hình sự 2015 đang bắt đầu cho thấy những ý nghĩa to lớn trong công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm về động vật hoang dã.

“Chúng tôi hi vọng hình phạt này sẽ là bài học đắt giá đối với Nai cũng như góp phần răn đe những đối tượng đã và đang có ý định thu lợi bất chính từ động vật hoang dã,” bà Hà nhấn mạnh./.

Rùa đầu to (Platysternon megacephalum) và gấu ngựa (Ursus thibetanus) là những loài động vật nguy cấp, quý, hiếm được bảo vệ ở cấp độ cao nhất theo pháp luật Việt Nam và quốc tế.

Theo quy định tại Điều 244 Bộ luật hình sự, hành vi săn bắt, giết, nuôi nhốt, vận chuyển, buôn bán loài nguy cấp, quý, hiếm (thuộc một trong các Danh mục được liệt kê tại Điều 244 Bộ luật hình sự 2015) hoặc tàng trữ, vận chuyện, buôn bán cá thể, sản phẩm, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của các loài này có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục