Ngành dệt may: Cần có con người 4.0 để phát huy công nghệ mới

Theo Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan Thành phố Hồ Chí Minh, điều quan trọng đối với doanh nghiệp dệt may là phải xây dựng lực lượng lao động và con người 4.0 nhằm phát huy được công nghệ mới.
Ngành dệt may: Cần có con người 4.0 để phát huy công nghệ mới ảnh 1Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra nhiều thay đổi trong việc tăng năng suất lao động. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra cú hích mạnh mẽ cho nhiều lĩnh vực và ngành nghề nhờ những đột phá về năng suất lao động trong việc ứng dụng công nghệ mới và tự động hóa.

Với ngành dệt may Việt Nam, theo các chuyên gia, tác động tích cực của công nghiệp 4.0 là tạo cơ hội thay thế công việc lặp đi lặp lại không cần kỹ năng, kinh nghiệm, công việc độc hại, dễ gây tai nạn... bằng máy móc công nghệ mới.

Quan trọng hơn, cuộc cách mạng này sẽ giúp giải quyết những khâu yếu trong chuỗi cung ứng dệt may của Việt Nam, giúp nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm...

Tuy vậy, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng sẽ tạo áp lực lên vấn đề lao động của ngành, có thể khiến nhiều công nhân phải thất nghiệp do thay thế dần bằng công nghệ.

Để hiểu rõ hơn, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan Thành phố Hồ Chí Minh (AGTEK) nhằm đánh giá những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với ngành Dệt may Việt Nam.

[Dự báo kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 35 tỷ USD trong năm 2018]

- Thưa ông, vai trò của công nghệ có tầm quan trọng như thế nào đối với ngành dệt may?

Ông Phạm Xuân Hồng: Hiện nay cạnh tranh trong ngành dệt may rất gay gắt, để đáp ứng, các doanh nghiệp phải nghiên cứu áp dụng công nghệ mới mà ở đây chính là các công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Muốn làm điều đó, phải nghiên cứu từng chủng loại thiết bị phù hợp với từng doanh nghiệp và tiếp tục đầu tư cho công nghệ mới đối với lĩnh vực này.

- Vậy trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã đáp ứng được gì, cũng như những khó khăn ra sao, thưa ông?

Ông Phạm Xuân Hồng: Có hai vấn đề, một là đầu tư công nghệ 4.0 cần phải có tài chính nhưng điều quan trọng nữa là phải xây dựng lực lượng lao động và đội ngũ 4.0, tức là cần có con người 4.0 để phát huy được công nghệ mới.

Tôi đơn cử ở thành phố Hồ Chí Minh đã có doanh nghiệp dệt đã đầu tư áp dụng phần mềm và phát triển mẫu mã mới và chỉ cần một lực lượng lao động nhất định để tạo ra sản phẩm rất nhanh và chuẩn, đây cũng là một bước sẵn sàng cho ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất.

Ở một góc độ khác, có thể thấy, đối với doanh nghiệp dệt may, hiện nay vấn đề lao động đang khó khăn, tức là vừa thiếu nhưng lại phải cạnh tranh với các lĩnh vực khác để thu hút lao động.

Do vậy, việc các doanh nghiệp dệt may đầu tư thiết bị mới vào nhiều khâu của quá trình sản xuất nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, có như vậy mới cạnh tranh được. Theo tôi đây cũng là xu hướng chung của các doanh nghiệp dệt may trong giai đoạn hiện nay.

- Ông vừa nhắc tới vấn đề nguồn nhân lực, theo ông để bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, lực lượng lao động trong lĩnh vực dệt may cần đáp ứng những yếu tố nào?

Ông Phạm Xuân Hồng: Người lao động cũng như nhân viên của Việt Nam lâu nay được đánh giá là có sáng kiến và năng lực, điều này cũng được phía các Công ty nước ngoài nhìn nhận và đánh giá cao, song theo tôi vấn đề đào tạo còn chưa đáp ứng được.

Chính vì vậy, thời gian tới, song song với quá trình đầu tư công nghệ mới, các doanh nghiệp cần chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực thì mới khai thác được tốt các cơ hội thị trường cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Ngành dệt may: Cần có con người 4.0 để phát huy công nghệ mới ảnh 2Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu Đan Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

- Về phía Hiệp hội đã có hỗ trợ gì đối với các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn thành phố?

Ông Phạm Xuân Hồng: Hiện nay Hội Dệt May Thêu Đan Thành phố Hồ Chí Minh đã kết hợp với Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến Thương mại thành phố cùng với Trung tâm đào tạo của đối tác Singapore để mở các lớp huấn luyện cho lực lượng quản lý, nhân viên kỹ thuật trong lĩnh vực này.

Thông qua các lớp đạo tạo giúp doanh nghiệp và người lao động có thể áp dụng và vận hành công nghệ mới kể cả việc huấn luyện người lao động nhằm nâng cao kỹ năng đối với các lĩnh vực đang đầu tư.

- Vậy ông có kỳ vọng và đánh giá như thế nào về ngành dệt may Việt Nam trong thời gian tới?

Ông Phạm Xuân Hồng: Có thể thấy, tình hình chung, ngành dệt may Việt Nam đang có nhiều chiều hướng phát triển tốt và tích cực. Đơn cử việc các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán đều có tín hiệu rất tốt đang là điều kỳ vọng của cả doanh nghiệp lẫn nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, với tình hình khả quan như hiện nay, tôi tin rằng chỉ tiêu xuất khẩu 35 tỷ USD trong năm 2018 chắc chắn sẽ đạt và vượt mức đề ra.

- Xin cảm ơn ông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục