Chia sẻ kinh nghiệm thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế

Sáng 19/9, tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), Hội nghị Ban Chấp hành Hiệp hội An sinh xã hội ASEAN lần thứ 35 tiếp tục diễn ra các phiên thảo luận chuyên đề: Chia sẻ thực tiễn hiệu quả của thành viên Hiệp hội An sinh xã hội ASEAN (ASSA) liên quan đến chính sách bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế.

Chú thích ảnh
Quang cảnh diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm về Bảo hiểm y tế. Ảnh: TTXVN

Tại các phiên thảo luận, nhiều quốc gia thành viên như Indonesia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Philippines, Việt Nam… đã có những bài tham luận nhằm chia sẻ những kinh nghiệm quý báu liên quan đến vấn đề thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế.

Tại phiên chuyên đề về bảo hiểm xã hội, đại diện Quỹ Bảo hiểm xã hội Quốc gia Lào chia sẻ kinh nghiệm cải thiện phương thức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện. Cụ thể đối tượng đủ điều kiện tham gia là công dân Lào với độ tuổi từ 18 đến 60, có đủ sức khỏe tham gia vào thị trường lao động. Tỷ lệ đóng góp là 9% mức lương và do hoàn toàn do người lao động tham gia đóng góp. Trong đó 1,5% dành cho quỹ Bảo hiểm y tế; 2,5% cho chế độ ngắn hạn; 5% cho chế độ dài hạn. Việc đóng góp được thực hiện thông qua các ứng dụng ngân hàng hoặc trực tiếp tại cơ quan bảo hiểm. Đặc biệt khác với Việt Nam, các chế độ được hưởng của người lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng rất đa dạng như: Bảo hiểm y tế, chế độ thai sản, trợ cấp tuất một lần, hưu trí, chế đôn người tàn tật, chế độ tử tuất…

Đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều nước thành viên ASSA đã ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cải cách thủ tục an sinh xã hội. Ví dụ như Thái Lan với liên kết ứng dụng trên nền tảng điện thoại cho phép người dung lựa chọn và thay đổi bệnh viện, quản lý hồ sơ đóng hưởng. Hiệu quả của việc này là tiết kiệm thời gian, tiền bạc, và giảm thiểu quy trình đối với người tham gia bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế.

Tại phiên chuyên đề bảo hiểm y tế, riêng Việt Nam được các thành viên ASSA đánh giá cao về hiệu quả trong việc phát triển hệ thống giám định bảo hiểm y tế và thanh toán đa tuyến. Hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế được Bảo hiểm xã hội Việt Nam đưa vào sử dụng từ năm 2016 đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Quỹ Bảo hiểm y tế, phòng ngừa các biểu hiện gian lận, trục lợi Quỹ Bảo hiểm y tế. Hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế nối tất cả các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế với cơ quan Bảo hiểm xã hội qua internet. Như vậy, ngành Bảo hiểm xã hội đang có bộ dữ liệu “khổng lồ” về số người tham gia bảo hiểm y tế với trên 81 triệu người và hàng trăm triệu hồ sơ bệnh án cần giám định mỗi năm và những con số này vẫn đang tiếp tục gia tăng mạnh... 

Tuy nhiên, không chỉ ở Việt Nam, nhiều quốc gia đang phát triển như Lào, Campuchia cũng gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển và mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Ví dụ như tại Campuchia, cũng có tình trạng doanh nghiệp trì hoãn đăng kí cho người lao động; không đóng góp cho quỹ bảo hiểm… hay không thông báo cho Quỹ An sinh xã hội quốc gia về số lao động mới hoặc đã nghỉ việc để làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội. Thậm chí một số cơ sở y tế còn không hiểu rõ về các thủ tục để cung cấp dịch vụ cho người tham gia và không kê đầy đủ đơn thuốc.

Hoàng Ánh - Kim Nhung (TTXVN)
Bài toán giảm bội chi quỹ bảo hiểm y tế
Bài toán giảm bội chi quỹ bảo hiểm y tế

Trong bối cảnh nhu cầu khám chữa bệnh (KCB) của người dân ngày càng tăng cả về số lượng cũng như chất lượng, quỹ BHYT đang đứng trước thách thức về khả năng mất cân bằng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN