Giá dầu thế giới tăng hơn 1% do khả năng OPEC chưa nâng sản lượng

Giá dầu thế giới tăng hơn 1% trong phiên ngày 18/9 do có nhiều tín hiệu cho thấy (OPEC) sẽ không có kế hoạch tăng sản lượng để giải quyết tình hình nguồn cung sụt giảm từ Iran.
Giá dầu thế giới tăng hơn 1% do khả năng OPEC chưa nâng sản lượng ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: thewire.in)

Giá dầu thế giới tăng hơn 1% trong phiên ngày 18/9 do có nhiều tín hiệu cho thấy Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) sẽ không có kế hoạch tăng sản lượng để giải quyết tình hình nguồn cung sụt giảm từ Iran.

Cuối phiên này, tại thị trường New York (Mỹ), giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn tăng 98 xu Mỹ (1,3%) lên 79,03 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 94 xu Mỹ lên 69,85 USD/thùng, tăng 1,4%.

Giá dầu đã giảm nhẹ trong phiên giao dịch trước theo sau số liệu từ Viện Xăng dầu Mỹ (API) cho thấy dự trữ dầu thô tại nước này đã tăng 1,2 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 14/9 lên 397,1 triệu thùng, so với dự báo giảm 2,7 triệu thùng mà các nhà phân tích dự báo. Số liệu chính thức từ Bộ Năng lượng Mỹ sẽ được công bố vào cuối ngày 19/9.

Các bộ trưởng trong và ngoài OPEC sẽ nhóm họp trong ngày 23/9 để thảo luận về mức độ tuân thủ chính sách sản lượng.

Hãng tin Reuters dẫn một nguồn tin OPEC cho hay hiện chưa có kế hoạch hành động nào và các nhà sản xuất dầu thô sẽ thảo luận cách làm thế nào để chia sẻ mức tăng sản lượng đã nhất trí trước đó.


[Lo ngại nhu cầu toàn cầu sụt giảm, giá dầu châu Á tiếp tục hạ]

Trong khi đó, hãng tin Bloomberg ngày 18/9 dẫn một nguồn tin giấu tên từ Saudi Arabia cho hay quốc gia này hiện hài lòng với mức giá trên 80 USD/thùng, ít nhất là trong ngắn hạn.

Theo Bloomberg, mặc dù Riyadh không có tham vọng đẩy giá lên cao hơn 80 USD/thùng, nhưng việc giá dầu chạm mốc này sẽ không còn xa bởi lệnh trừng phạt của Mỹ áp lên lĩnh vực dầu mỏ của Iran dự kiến sẽ có hiệu từ ngày 4/11 tới.

Trước đó, hãng tin Reuters đưa tin Saudi Arabia muốn giá dầu giữ ở mức 70-80 USD/thùng trong bối cảnh nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới này đang nỗ lực cân bằng giữa việc tối đa hóa doanh thu với kiềm chế đà tăng của giá dầu cho đến ngày bầu cử Quốc hội Mỹ.

Tuy vậy, Bộ trường Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết giá dầu khoảng 70-80 USD/thùng chỉ là tạm thời và do tác ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt của Mỹ, còn mức giá trong dài hạn sẽ vào khoảng 50 USD/thùng.

Ngoài ra, triển vọng dài hạn của giá dầu cũng bị ảnh hưởng do căng thẳng gia tăng trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung “phủ mây đen” lên triển vọng nhu cầu.

Ngày 18/9, Trung Quốc, một trong những nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, đã thông báo áp thuế đối với hàng hóa trị giá 60 tỷ USD nhập từ Mỹ nhằm đáp trả quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế 10% (giai đoạn 1) đối với hàng hóa nhập khẩu 200 tỷ USD từ Trung Quốc.

Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết mức thuế 5-10% sẽ có hiệu lực đối với khoảng 5.200 sản phẩm và hàng hoá Mỹ từ ngày 24/9, cùng ngày với mức thuế mà Mỹ áp đặt lên hàng hóa Trung Quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục