Trung Quốc có những "con bài" nào để trả đũa thuế quan của Mỹ?

Với việc ông Trump lên kế hoạch đánh thuế mới với hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ, Bắc Kinh đang phải đối mặt với khó khăn trong việc tìm kiếm các biện pháp trả đũa tương xứng.
Trung Quốc có những "con bài" nào để trả đũa thuế quan của Mỹ? ảnh 1Sản phẩm nhôm hợp kim xuất khẩu tại một nhà máy ở Hoài Bắc, tỉnh An Huy, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Với việc Tổng thống Donald Trump lên kế hoạch đánh thuế mới lên gần một nửa lượng hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sang thị trường Mỹ, Bắc Kinh đang phải đối mặt với khó khăn trong việc tìm kiếm các biện pháp trả đũa tương xứng khi nước này nhập khẩu lượng hàng hóa ít hơn từ Mỹ.

Tuy không thể “đôi co” với Mỹ về thuế quan, có vẻ Bắc Kinh vẫn còn có những biện pháp khác để đối phó với động thái áp thuế của Washington.

Ngày 17/9 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo sẽ áp mức thuế 10% lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ ngày 24/9 tới.

Trước đó vào tháng Bảy và Tám vừa qua, Washington đã áp thuế 50 tỷ USD tổng cộng lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Trung Quốc cho đến nay cũng đã áp đặt thuế trả đũa đối với 50 tỷ USD hàng hóa của Mỹ và mới thông báo sẽ đưa lượng hàng hóa trị giá 60 tỷ USD nữa từ Mỹ vào tầm ngắm. Nhưng quốc gia châu Á này đang "cạn dần" các mục tiêu có thể tấn công: Trung Quốc chỉ nhập khoảng 130 tỷ USD hàng hóa của Mỹ năm ngoái, trong khi con số theo chiều ngược lại của Mỹ là khoảng 500 tỷ USD.

[Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo tiếp tục trả đũa Trung Quốc]

Mặc dù vậy, Trung Quốc cũng từng cảnh báo rằng họ sẽ phản ứng và ứng phó theo số lượng hoặc chất lượng, cho thấy rằng Bắc Kinh cũng có những “vũ khí” phi thuế quan trong tay.

Các công ty Mỹ-Đối tượng được chú ý

Chính quyền Trung Quốc hoàn toàn có thể khiến hoạt động làm ăn của các công ty Mỹ trở nên khó khăn hơn.

Một số chuyên gia chỉ ra một tiền lệ liên quan tới tập đoàn Lotte của Hàn Quốc. Hồi năm 2017, Lotte đã khiến Bắc Kinh tức giận khi tập đoàn này bàn giao một sân golf cho Chính phủ Hàn Quốc để lắp đặt Hệ thống Phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ.

Sau sự kiện này, Lotte đã chịu thua lỗ khá nặng nề khi hàng loạt cửa hàng của họ phải đóng cửa tại Trung Quốc với lý do an toàn. Và sang năm nay, Lotte buộc phải bán đi nhiều cơ sở bán hàng của họ đặt tại nước này.

Bắc Kinh có thể ít khả năng làm khó dễ các nhà sản xuất Mỹ như McDonald, General Motors, hay Ford, nơi những công ty Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước nắm giữ lượng cổ phần đáng kể. Nhưng những mục tiêu như Apple, Starbucks hoặc Nike, dễ dàng hơn và có thể hạn chế được những tác động lên chính kinh tế Trung Quốc.

Ngay trong mùa Hè vừa qua, "đại gia" công nghệ Apple Inc đã hứng chịu một đợt công kích mang tính điều tra từ truyền thông Trung Quốc về các ứng dụng và hệ thống iMessage của họ.

Một ví dụ khác cho thấy các công ty Mỹ đang ở trong “tầm ngắm” của Bắc Kinh là việc “người khổng lồ” ngành bán dẫn thế giới Qualcomm đã phải từ bỏ thỏa thuận trị giá 44 tỷ USD mua đối thủ Hà Lan là NXP, sau khi cơ quan chống độc quyền của Trung Quốc cho rằng những hồ sơ đệ trình của Qualcomm không đạt yêu cầu.

Dù Bắc Kinh cho biết vụ việc này không hề liên quan tới mối quan hệ thương mại căng thẳng với Washington, nó vẫn cho thấy một thị trường lớn như Trung Quốc đủ sức ảnh hưởng tới quyết định số phận của các vụ mua bán và sáp nhập (M&A) quốc tế.

Theo một cuộc khảo sát mới đây của Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc, các công ty Mỹ đã ghi nhận sự giám sát ngày càng gia tăng. Khoảng 27% công ty cho biết có thêm nhiều hoạt động kiểm tra hơn, 19% cảm thấy hoạt động quản lý siết chặt hơn và 23% cho biết thủ tục hải quan được giải quyết chậm hơn.

Trung Quốc có những "con bài" nào để trả đũa thuế quan của Mỹ? ảnh 2Hàng hóa Trung Quốc được xếp tại cảng Long Beach,bang Los Angeles thuộc Mỹ ngày 23/8 tới. (Ảnh: THX/TTXVN)

Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc, ông William Zarit cho biết Nhà Trắng tin rằng Trung Quốc sẽ “vẫy cờ trắng” sau đợt áp thuế quan tiếp theo. Nhưng ông cho rằng kịch bản đó đã đánh giá thấp khả năng “lấy lửa trị lửa” của Trung Quốc.

Những “lá bài” chưa được tung ra

Hiện mỗi năm có khoảng 350.000 du học sinh Trung Quốc sang học tại Mỹ, khiến đây trở thành một nguồn thu cực kỳ quan trọng đối với nhiều trường đại học Mỹ.

Theo ông Wu Baiyi, người đứng đầu Viện Nghiên cứu nước Mỹ tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, các phụ huynh Trung Quốc đã sẵn sàng gửi con đi du học tại Mỹ, nhưng nếu căng thẳng tiếp tục gia tăng, họ có thể gửi con cái đến học tại nước Anh, Đức, thậm chí Brazil hoặc Ấn Độ.

Ngoài các du học sinh, hàng trăm ngàn khách du lịch người Trung Quốc cũng tới Mỹ mỗi năm và chi tiêu khá hào phóng tại những nơi vui chơi mua sắm nổi tiếng như đường Rodeo Drive hay thành phố Las Vegas.

Nhìn lại thời kỳ căng thẳng ngoại giao với Hàn Quốc, không khó để nhận ra Bắc Kinh có thể chặn dòng chảy khách du lịch của nước này nhanh chóng thế nào.

Với việc du khách Trung Quốc đã dừng bay sang Hàn Quốc ngay sau khi Bắc Kinh cấm các tour du lịch theo nhóm, ngành du lịch Hàn Quốc đã trải qua một giai đoạn tồi tệ với doanh số sụt giảm khá mạnh.

Một vũ khí phi thuế quan khác mà Trung Quốc có thể sử dụng chính là lượng trái phiếu chính phủ của Mỹ mà nước này nắm giữ trị giá khoảng 1.200 tỷ USD. Song một số nhà phân tích chỉ ra rằng nếu Trung Quốc bán ra một phần trong khoản trái phiếu trên, nước này cũng phải đối mặt với một số tổn thất về kinh tế.

Tương tự với đồng nhân dân tệ. Trong khi sự mất giá của đồng nội tệ Trung Quốc có thể bù đắp ảnh hưởng của các biện pháp thuế quan của Mỹ, giới phân tích cho rằng các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc sẽ không muốn mạo hiểm đối mặt với tình trạng thoái vốn ồ ạt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục