Quân đội Mỹ chuẩn bị thế nào cho kịch bản xấu nhất tại Trung Đông

Các đơn vị quân sự Mỹ đóng tại Iraq và Syria đang sẵn sàng ứng phó với những cuộc tấn công bất kể từ Iran hay lực lượng do Tehran hậu thuẫn sau vụ Tổng thống Donald Trump ra lệnh không kích một tướng cấp cao của Iran. 

Chú thích ảnh
Binh sĩ trang bị đầy đủ vũ khí cần thiết chờ lên máy bay vận tải sang Trung Đông. Ảnh: AP

Tờ New York Times nhận định chưa rõ Iran sẽ lên kế hoạch trả đũa thế nào sau cái chết của Thiếu tướng Qassem Soleimani, Chỉ huy đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) hôm 3/1. Thế nhưng, các lực lượng Mỹ tại Trung Đông đang củng cố tiền đồn, căn cứ và sân bay ở khu vực này. Lầu Năm Góc đã điều động thêm gần 4.500 lính tiếp viện đến Trung Đông bổ sung vào quân số 50.000 lính tại đây. 

Điều quân đến Iraq và Kuwait

Sự đổ bộ đến Iraq và Kuwait đã được thúc đẩy bởi một số sự kiện: cái chết của một nhà thầu Mỹ tại Iraq trong cuộc tấn công bằng tên lửa ngày 27/12 do các dân quân được Iran hỗ trợ thực hiện; các cuộc biểu tình xung quanh Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad; và cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào ông Soleimani cùng với ông Abu Mahdi al-Muhandis, Phó Chỉ huy Lực lượng bán quân sự Hashed al-Shaabi ở Iraq.

Các binh đoàn mới sẽ hoạt động chủ yếu như lực lượng phòng thủ nhằm củng cố các căn cứ và khu phức hợp của Mỹ trong khu vực, đồng thời đáp trả một cuộc tấn công có thể xảy ra.

Những đơn vị nào đang được triển khai

Gần 4.000 binh sĩ Sư đoàn Không quân số 82 tại Fort Bragg, Bắc Carolina bắt đầu di chuyển đến Kuwait. Họ thuộc lực lượng phản ứng toàn cầu của sư đoàn trên phụ trách các chiến dịch khẩn cấp đặc biệt. Một sĩ quan quân đội Mỹ cấp cao cho biết việc triển khai lính dù cùng các lực lượng trên bộ khác là để phòng vệ. Họ có thể nhanh chóng được triển khai để bảo vệ hoặc củng cố các đại sứ quán, lãnh sự quán và căn cứ quân sự của Mỹ. 

Tờ Stars and Stripes dẫn lời một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết gần 100 lính dù khác thuộc Đội chiến đấu của Lữ đoàn Không quân số 173 đóng quân ở Vicenza, Italy, cũng sẽ đến Trung Đông. Nhân vật trên lưu ý rằng kế hoạch cho bất kỳ cuộc xung đột lớn hơn nào với Iran không giống như cuộc đổ bộ quy mô lớn thời Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991 hay Chiến tranh Iraq năm 2003. Thay vào đó, bất kỳ cuộc xung đột kéo dài nào sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào lực lượng không quân và hải quân cũng như các cuộc tấn công mạng để đánh vào các mục tiêu của Iran.

Những đơn vị khác trong đó có cả 100 lính thủy đánh bộ từ Tiểu đoàn số 2, Trung đoàn Thủy quân lục chiến số 7. Đội ngũ này được điều động đến Kuwait làm nhiệm vụ của lực lượng đặc nhiệm đối phó với các tình huống khẩn cấp ở Trung Đông. Thủy quân lục chiến - vừa ra quân hỗ trợ binh sĩ Mỹ rút khỏi Đông Bắc Syria - đang tăng cường hàng chục sĩ nhân viên an ninh tại Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad. Khu phức hợp này rộng hơn 40ha, có trụ bảo vệ, khu vực sinh hoạt, phòng ăn và cửa hàng nhỏ.

Bên cạnh đó, Đơn vị viễn chinh Thủy quân lục chiến số 26 gồm xấp xỉ 2.200 lính và thủy thủ cùng các máy bay chiến đấu đã lên tàu Hải quân và hướng về Trung Đông. Đơn vị này từ lâu đảm nhiệm vai trò của lực lượng phản ứng toàn cầu. Họ thường được điều động đến Vịnh Ba Tư để hỗ trợ các chiến dịch của Mỹ tại Iraq, Syria và Afghanistan.

Số binh sĩ đang hoạt động tại Trung Đông

Có khoảng 45.000 – 65.000 lính Mỹ - số lượng có thể thay đổi từng ngày – hiện được triển khai tại Saudi Arabia và các nước Vùng Vịnh khác, trong đó có gần 5.500 binh sĩ tại Iraq và 600 binh sĩ tại Syria. 

Đáp lại các động thái khiêu khích của Iran từ hồi tháng 5/2019, Lầu Năm Góc đã đưa thêm 14.000 lính đến Vùng Vịnh. Khí tài quân sự mà lực lượng trên đem theo bao gồm máy bay cảnh báo sớm, máy bay tuần tra biển, các khẩu đội Patriot, máy bay ném bom B-52, một đội tàu tấn công, máy bay không người lái Reaper. 

Chú thích ảnh
"Thần Sấm" A-10 của Mỹ đỗ tại căn cứ Incirlik, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters

Khoảng 2.000 lính Mỹ đang ở Thổ Nhĩ Kỳ, chủ yếu đóng tại căn cứ không quân Incirlik. Bất chấp căng thẳng gần đây với nước đồng minh Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) này, Mỹ tiếp tục sử dụng căn cứ Incirlik. Máy bay Mỹ đã tiến hành hàng trăm nhiệm vụ chiến đấu từ đây trong thời kỳ đỉnh điểm của cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) năm 2016 – 2017. 

Bahrain hiện là nơi đóng trụ sở của Hạm đội số 5 Hải quân Mỹ, chỉ huy tàu chiến tuần tra Vịnh Ba Tư. Tại Qatar, căn cứ Al Udeid cũng có khoảng 10.000 binh sĩ. Đây là nơi điều hành các chiến dịch trên không của Mỹ tại khu vực cũng như là bãi đậu của phi đội máy bay tiếp liệu trên không cùng với máy bay ném bom và máy bay trinh sát. 

Nhiệm vụ của họ là gì

Tại bất kỳ thời điểm nào, các lực lượng Mỹ ở Trung Đông đều hoạt động giống như hệ thống thần kinh trung ương cho các cuộc chiến lâu dài của Washington kể từ sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/ 2001.

Binh sĩ, thủy thủ, lính thủy đánh bộ, lính không quân điều hành những cơ sở trọng yếu. Họ cung cấp lại gần 12.000 – 13.000 binh sĩ tại Afghanistan và triển khai hành trăm sứ mệnh trinh sát khắp khu vực. Họ huấn luyện các lực lượng bản địa. 

Và, cho đến hôm 5/1, khi liên quân do Mỹ dẫn đầu tại Iraq và Syria tạm dừng chiến dịch tiêu diệt IS để tập trung bảo vệ lực lượng khỏi nguy cơ tấn công, lực lượng này đã đánh đuổi IS đến gần kết cục sụp đổ hoàn toàn. Các nước đồng minh, chẳng hạn như Canada, cũng dừng chiến dịch, khiến nhóm khủng bố có cơ hội để tấn công hoặc ít nhất là hồi phục. 

Số lượng binh sĩ ở Trung Đông thay đổi đáng kể tùy thuộc vào sự hiện diện của một nhóm tàu tấn công (hiện do tàu sân bay USS Harry S. Truman chỉ huy), và liệu một nhóm lớn Thủy quân lục chiến có hoạt động trong vùng biển đó hay không. Đơn vị viễn chinh Thủy quân lục chiến số 26 khả năng sẽ sớm đi qua Địa Trung Hải và tiến về Biển Đỏ.

Hàng không mẫu hạm USS Harry Truman sẽ hiện diện tại đây cho đến tháng 2 hoặc tháng 3 tới, chờ tàu USS Dwight D. Eisenhower đến thay thế hoặc hỗ trợ. Các phi công trên tàu Eisenhower đã nhận được thông báo về khả năng triển khai những sứ mệnh ném bom tầm xa. 

Hoàng Trang/Báo Tin tức
Bất ổn gia tăng ở Trung Đông đẩy giá vàng thế giới chạm 'đỉnh' của 7 năm
Bất ổn gia tăng ở Trung Đông đẩy giá vàng thế giới chạm 'đỉnh' của 7 năm

Giá vàng thế giới trong ngày 6/1 đã tăng lên xấp xỉ mức cao nhất của 7 năm qua khi căng thẳng giữa Mỹ và Iran gia tăng thúc đẩy nhu cầu đối với các tài sản an toàn như vàng trong khi các thị trường chứng khoán trên thế giới giảm điểm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN