Hà Nam: Tăng cường bảo đảm an toàn dịch vụ ôtô đưa đón học sinh

Từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam đã kiểm tra các xe hợp đồng đưa, đón học sinh và đã phát hiện và xử phạt 11 xe, chủ yếu là xe đưa đón, tự phát không đúng quy định.
Hà Nam: Tăng cường bảo đảm an toàn dịch vụ ôtô đưa đón học sinh ảnh 1Cô giáo và Ban giám hiệu trường Nguyễn Tất Thành (Hà Nam) kiểm tra số lượng học sinh sử dụng dịch vụ xe đưa đón. (Ảnh: Đại Nghĩa/TTXVN)

Sau khi xảy sự việc đáng tiếc liên quan đến xe đưa đón học sinh ở một số tỉnh, thành trên toàn quốc, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Nam có Công văn số 2414/SGDĐT-CTTT ngày 18/12/2019 về việc rà soát, thống kê phương tiện xe ôtô đưa đón học sinh, đảm bảo an toàn tại các trường học trên địa bàn tỉnh.

Trước đó, ngày 21/8/2019, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có công văn số 1596/SGDĐT-CTTT yêu cầu các Phòng Giáo dục và Đào tạo rà soát, thống kê số phương tiện, biển kiểm soát, loại xe phục vụ đưa, đón học sinh tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn; yêu cầu ghi rõ xe sở hữu của nhà trường hoặc nhà trường thuê.

Các cơ sở giáo dục có tổ chức đưa, đón học sinh đến trường bằng xe ôtô phải lựa chọn đơn vị kinh doanh vận tải đủ điều kiện theo quy định; ghi rõ trong hợp đồng những yêu cầu, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan về an toàn giao thông, bảo vệ sức khỏe cho học sinh; phải có người chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra danh sách học sinh, duy trì trật tự, vệ sinh, hướng dẫn, nhắc nhở học sinh thực hiện quy định, kỹ năng an toàn khi ngồi trên xe, khi lên, xuống xe ôtô.

Tuy nhiên, đến ngày 20/12/2019, các trường trên toàn tỉnh vẫn chưa thực hiện xong việc đăng ký theo quy định.

Tại Trường Tiểu học Tiên Tân (thành phố Phủ Lý) vẫn còn tình trạng phụ huynh tự hợp đồng với nhà xe để đưa đón học sinh bằng xe hết hạn đăng kiểm, không đảm bảo an toàn giao thông.

Ở đây, hằng ngày các em nhỏ được đón đưa bằng xe ôtô đã được cải tiến lại thùng xe, chở khoảng 15-20 em.

[Bộ Giáo dục yêu cầu siết chặt dịch vụ đưa đón học sinh bằng xe ôtô]

Việc đưa đón học sinh được phụ huynh tự hợp đồng với nhà xe ở địa phương mà không đăng ký với nhà trường, vì thế công tác quản lý để phó mặc cho phụ huynh và nhà xe.

Lý giải về việc tự lựa chọn xe đưa, đón học sinh, anh Trần Văn Tuyên (thành phố Phủ Lý, Hà Nam, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Tiên Tân) cho biết cả vợ chồng đều làm công nhân ở khu công nghiệp, không thể đưa, đón con hàng ngày được nên phải thuê dịch vụ xe đưa đón học sinh. Biết là xe đưa, đón của các cháu không đẹp, không an toàn nhưng anh không có lựa chọn khác.

Tại cổng Trường Tiểu học Bạch Thượng (huyện Duy Tiên), 8 xe ôtô loại từ 16-24 chỗ ngồi thường xuyên đưa, đón học sinh đi về 4 lượt trong ngày.

Dịch vụ xe đưa, đón học sinh mang lại nhiều tiện ích nhưng cũng bộc lộ một số tồn tại. Bạch Thượng là xã có dân số đông, những năm gần đây, số lao động làm việc trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp chiếm tỷ lệ cao.

Do đặc thù công việc, nhiều gia đình không thể đưa, đón con hằng ngày nên nhu cầu thuê xe ôtô đưa, đón con đi học của người dân ở xã Bạch Thượng tăng mạnh.

Với kinh phí 250.000-350.000 đồng/tháng/cháu, các gia đình gửi gắm con em cho chủ xe ôtô đưa, đón con đến trường hằng ngày mà gần như không bận tâm đến những vấn đề về đảm bảo an toàn khi sử dụng dịch vụ đưa, đón bằng ôtô.

Năm học 2019-2020, Hà Nam có 20 trường Tiểu học và Trung học Cơ sở có dịch vụ đưa, đón học sinh bằng xe ôtô. Tuy nhiên, đến thời điểm cuối học kỳ 1, chỉ có Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Nguyễn Tất Thành (thành phố Phủ Lý) có hợp đồng đưa, đón học sinh với đơn vị vận tải và đăng ký với cơ quan chức năng.

Để thực hiện tốt việc đưa đón học sinh, Ban Giám hiệu nhà trường đã đi tham quan mô hình của các trường tương tự trong cả nước. Sau đó, trường hợp đồng với công ty vận tải có chất lượng để thuê 9 xe đưa đón học sinh. Lịch trình đưa đón học sinh được thống nhất với phụ huynh và quản lý bằng sổ sách hằng ngày.

Thầy Đinh Hữu Thắng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Nguyễn Tất Thành cho biết đảm bảo an toàn chất lượng đưa đón học sinh là nhiệm vụ hàng đầu, nhà trường luôn giám sát hoạt động xe đưa đón trên sổ sách và kiểm tra thực tế vận hành. Vì thế suốt 2 năm qua, việc đưa đón học sinh của trường đảm bảo an toàn.

Để ngăn chặn tình trạng sử dụng xe ôtô hết niên hạn sử dụng, hết hạn đăng ký, đăng kiểm để đưa đón học sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nam đề nghị các đơn vị phải ký kết hợp đồng với nhà trường, Ban đại diện cha mẹ học sinh hoặc với các nhóm phụ huynh.

Các cơ sở giáo dục báo cáo chính quyền địa phương, phối hợp với cơ quan chức năng rà soát, tuyệt đối không ký hợp đồng vận chuyển với các đơn vị, cá nhân dùng xe hết niên hạn sử dụng; đồng thời tuyên truyền để người dân và con em của họ không tham gia giao thông trên các phương tiện này.

Theo bà Đinh Thị Lụa, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Nam, trước mắt các cơ sở giáo dục cần tuyên truyền đến cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và cha mẹ học sinh có nhu cầu đi lại trên các tuyến nên lựa chọn phương tiện có gắn phù hiệu do Sở Giao thông Vận tải cấp gồm phù hiệu xe chạy tuyến cố định, xe hợp đồng, xe buýt, xe taxi. Nếu phương tiện không có phù hiệu đều không đủ điều kiện đảm bảo an toàn để vận chuyển hành khách trên các tuyến.

Từ đầu năm, các cơ quan chức năng đã kiểm tra các xe hợp đồng đưa, đón ở một số địa phương. Qua kiểm tra đã phát hiện và xử phạt 11 xe chủ yếu là xe đưa đón tự phát không đúng quy định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục