Căng thẳng thương mại EU-Indonesia gia tăng do vấn đề dầu cọ

Indonesia vừa khiếu nại lên WTO về việc EU áp dụng các biện pháp hạn chế nhiên liệu sinh học từ dầu cọ dành cho ôtô, việc này có thể làm leo thang hơn tranh chấp thương mại Indonesia và EU.
Công nhân thu hoạch hạt cọ dầu tại Pelalawan, tỉnh Riau của Indonesia. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Công nhân thu hoạch hạt cọ dầu tại Pelalawan, tỉnh Riau của Indonesia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bộ Thương mại Indonesia ngày 15/12 cho biết nước này đã khiếu nại lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về việc Liên minh châu Âu (EU) áp dụng các biện pháp hạn chế nhiên liệu sinh học từ dầu cọ dành cho xe ôtô.

Động thái trên có thể làm leo thang hơn nữa tranh chấp thương mại giữa Indonesia - nhà sản xuất dầu cọ hàng đầu thế giới và EU.

Hồi đầu năm nay, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố chỉ thị về năng lượng tái tạo (RED II), trong đó kết luận rằng việc trồng cọ lấy dầu khiến tình trạng phá rừng nghiêm trọng hơn và cần loại bỏ việc sử dụng loại nhiên liệu vận tải này ở EU trước năm 2030.

Trước đó, EU cũng đã áp thuế lên dầu diesel sinh học nhập khẩu từ Indonesia, viện dẫn rằng họ cần phải “cân bằng” sân chơi cho các nhà sản xuất của mình.

Đáp lại những gì được gọi là chính sách "phân biệt đối xử" đối với hoạt động xuất khẩu dầu cọ chính của nước mình, Bộ Thương mại Indonesia cho biết đã gửi yêu cầu tham vấn tới EU vào hôm 9/12 vừa qua, kích hoạt giai đoạn đầu của tiến trình khiếu nại.

[Indonesia sẽ kiện EU trước những lo ngại về ngành công nghiệp dầu cọ]

Bộ trưởng Thương mại Indonesia Agus Suparmanto cho biết quyết định trên được đưa ra sau khi bộ này đánh giá các nghiên cứu khoa học và họp với các hiệp hội và các doanh nghiệp trong lĩnh vực dầu cọ.

Ông Suparmanto nhấn mạnh Indonesia hy vọng EU sẽ sửa đổi RED II.

Tổng giám đốc Cơ quan Ngoại thương Indonesia Indrasari Wisnu Wardhana cho rằng chính sách của EU không chỉ ảnh hưởng đến xuất khẩu dầu cọ của Indonesia sang châu Âu mà còn ảnh hưởng tới hình ảnh của các sản phẩm dầu cọ trên toàn thế giới.

Ngoài Indonesia, nước láng giềng Malaysia và cũng là nhà sản xuất dầu cọ lớn thứ 2 thế giới, đã đe dọa có hành động tương tự trước WTO đối với EU.

Bà Teresa Kok, vị Bộ trưởng giám sát ngành dầu cọ của Malaysia, mới đây cho biết rằng bà sẽ tới châu Âu vào tháng 3/2020 và nước này sẽ chưa đệ trình khiếu nại lên WTO cho đến sau cuộc công du đó./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục