TP Hồ Chí Minh xây dựng hệ sinh thái AI - Bài cuối: Tạo tiền đề phát triển

TP Hồ Chí Minh đang xây dựng kế hoạch nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó hướng tới hình thành hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo.

Để thực hiện mục tiêu này, các đơn vị của TP Hồ Chí Minh phải triển khai đồng bộ, có kế hoạch cụ thể, đồng thời có chuẩn bị về công nghệ, nhân sự để đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, ứng dụng.

Phát triển mô hình “đại học chia sẻ”

Chú thích ảnh
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội thảo quốc tế “Kinh nghiệm quốc tế và trong nước về nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) - Khuyến cáo cho TP Hồ Chí Minh”. Ảnh: Tiến Lực/TTXVN

Tại hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế và trong nước về nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) - Khuyến cáo cho TP Hồ Chí Minh” gần đây, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đề nghị UBND Thành phố phải xây dựng mô hình hệ sinh thái, phải tự “nuôi dưỡng” được mình, đào tạo nhân lực tại chỗ, có cơ sở nghiên cứu giải quyết nhiệm vụ; cung cấp giải pháp thương mại hóa ngay tại thành phố, phục vụ người dân và chính quyền. Đó là sự xoay vòng, đầu tư vào con người, doanh nghiệp để mang lại nguồn thu cho doanh nghiệp và Thành phố.

Theo Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, hệ sinh thái của Thành phố phải kết nối với chức năng tương tự của cả nước; tham gia vào hệ sinh thái toàn cầu, tận dụng khả năng đào tạo, nghiên cứu quốc tế giúp cho mình. Do vậy, xây dựng hệ sinh thái  trí tuệ nhân tạo của TP Hồ Chí Minh là cái lõi, góp phần xây dựng và phát huy hệ sinh trí tuệ nhân tạo của Việt Nam và thế giới.

Dù vậy, hiện nguồn nhân lực cho lĩnh vực trí tuệ nhân tạo của Việt Nam cũng như TP Hồ Chí Minh còn hạn chế. Để phát triển nguồn nhân lực này, cần có một lộ trình dài hơi, với sự tham gia của nhiều thành phần trong xã hội. Ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết, Thành phố sẽ cụ thể hóa cấu phần đào tạo nhân lực cho trí tuệ nhân tạo, bên cạnh kết hợp với các nơi khác, tổ chức trình độ đại học ngay từ đầu tại Thành phố theo phương châm “đại học chia sẻ”. Đó là các phòng thí nghiệm, các khoa trí tuệ nhân tạo phối hợp lại làm chương trình đào tạo về trí tuệ nhân tạo; chương trình bổ túc về trí tuệ nhân tạo; chương trình đào tạo phổ cập cho cán bộ. Cùng với đó là xây dựng chương trình đào tạo mở để có thể tự học, cập nhật trí tuệ nhân tạo.

Cùng quan điểm và định hướng này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đề xuất, Thành phố cần tạo điều kiện thuận lợi cho Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh xây dựng và triển khai các chương trình theo mô hình “đại học chia sẻ”, giúp lan tỏa và nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại TP Hồ Chí Minh. Về đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng nền tảng liên kết ba nhà gồm Nhà trường, Nhà tuyển dụng và Nhà nước. Trong đó, nhà trường tập trung phát triển hạ tầng, đội ngũ chuyên gia, quan hệ hợp tác trong và ngoài nước, tăng chỉ tiêu đào tạo; nhà tuyển dụng mở rộng chế độ ưu đãi, mở kênh đối thoại, đầu tư vào giáo dục trí tuệ nhân tạo; Nhà nước sẽ định hướng chiến lược, chỉ tiêu, hoạch định chính sách, hành lang pháp lý, hỗ trợ ngân sách.

“Trước tiên, đối với công tác nghiên cứu và đào tạo, cần đầu tư vào mảng trí tuệ nhân tạo thông qua các quỹ nghiên cứu và hỗ trợ, liên kết chặt chẽ với các đối tác trong và ngoài nước để tập trung được nhiều thế mạnh từ các góc độ và khía cạnh khác nhau vì một trường đại học hay viện nghiên cứu đơn lẻ không thể gánh vác hết. Ý tưởng về “đại học chia sẻ” có thể được triển khai, trong đó tập trung cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, cán bộ nghiên cứu từ nhiều nguồn khác nhau để từ đó tận dụng được ưu điểm, thế mạnh của tất cả các đơn vị”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân chia sẻ.

Để thực hiện điều đó, các chuyên gia cho rằng, Thành phố và các đơn vị liên quan cần nhận dạng thực trạng và các tiền đề quan trọng về nguồn lực khoa học công nghệ, nhu cầu thị trường cũng như khả năng triển khai ứng dụng sau nghiên cứu và chủ động đặt vấn đề phát triển đô thị thông minh, trong đó tăng cường tập trung ươm mầm tiềm năng trí tuệ nhân tạo quốc gia, tác động lên các dây chuyền kinh tế xã hội, phát triển nhân tài và từng bước hoàn chỉnh hệ sinh trí tuệ nhân tạo đã đề ra.

Chuẩn bị nguồn nhân lực

Chú thích ảnh
Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển Phần mềm Quang Trung giới thiệu phân hệ giám sát giao thông thông minh tại QTSC. Ảnh: Tiến Lực/TTXVN

Theo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, mặc dù Thành phố đạt được những kết quả tích cực nhưng nhìn chung việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào sản xuất và đời sống còn chậm, thậm chí còn kém so với các đô thị trên thế giới. Điều này có nhiều nguyên nhân, trong đó nguồn nhân lực chưa sẵn sàng để đón nhận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là một trong những điểm nghẽn, kìm hãm việc nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trên địa bàn Thành phố.

Cùng nhận định này, Giám đốc Khoa học tại Ban Công nghệ Đặng Hoàng Vũ, nguồn nhân lực chất lượng cao đã bắt đầu trở thành hạn chế cho việc phát triển của thị trường này. Giữa nguồn nhân lực mới do các trường đại học, các đơn vị đào tạo công nghệ thông tin cung cấp và nhu cầu của các đơn vị doanh nghiệp đang hình thành khoảng cách về cả số lượng và chất lượng.

Trước thực tế này, TP Hồ Chí Minh nên có chính sách phát triển nguồn lực công nghệ nói chung và trí tuệ nhân tạo nói riêng để duy trì đà phát triển của nên kinh tế công nghệ cao, giữ vững vị trí đầu tàu trong cả nước và vươn ra khu vực. Thành phố cần đẩy mạnh hoạt động giáo dục đào tạo về công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, tại các đại học và học viện công nghệ. Do nhu cầu tăng vọt của thị trường, các đơn vị đào tạo công và tư đều đang hoạt động mạnh để đáp ứng về mặt số lượng, Thành phố nên có cơ chế khuyến khích kết hợp kiểm soát để đảm bảo mặt bằng chất lượng được giữ vững và nâng cao, tránh tình trạng đào tạo tràn lan nhưng không đáp ứng được nhu cầu chuyên môn.

Việc “lệch pha” trong đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực cũng là thực trạng chung diễn ra thời gian qua. Thực tế, các đơn vị, doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường mới là nơi thực sự thẩm định được chất lượng nguồn lực cũng như phát triển nguồn nhân lực cao cấp về  trí tuệ nhân tạo và các công nghệ liên quan. TP Hồ Chí Minh nên đưa ra các ưu đãi tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp xúc với nguồn nhân lực mới, tạo môi trường chung cho cộng đồng công nghệ tham gia trao đổi, bồi dưỡng lẫn nhau.

Theo các chuyên gia, trước mắt, Thành phố tài trợ hợp tác quốc tế để mời chuyên gia đầu ngành trí tuệ nhân tạo về làm việc ngắn hạn - dài hạn tại TP Hồ Chí Minh, tư vấn cho phát triển và ứng dụng  trí tuệ nhân tạo đặc thù của Thành phố. Đối với đào tạo và định hướng AI, có thể đưa môn lập trình vào giáo dục phổ thông, đưa trí tuệ nhân tạo vào trường phổ thông chuyên, phát triển chương trình đào tạo tiên tiến về  trí tuệ nhân tạo, phát triển các chương trình đào tạo về trí tuệ nhân tạo ngắn hạn cho công nghiệp.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Minh Triết, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên cho biết, hiện nay, môn Trí tuệ nhân tạo là một bắt buộc chung cho tất cả sinh viên của mọi ngành/chuyên ngành của trường (mỗi khóa tuyển 900 - 1.000 sinh viên), trong đó khoảng 30 - 35% sinh viên học tiếp và nghiên cứu chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo. Trường cũng đầu tư cho việc phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, có uy tín trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo; đồng thời từng bước triển khai các nội dung đào tạo về trí tuệ nhân tạo cho các học sinh xuất sắc, đặc biệt là tại các trường Trung học Phổ thông Chuyên tại Thành phố.

Theo ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Phát triển phần mềm Quang Trung (QTSC), ở góc độ Chính phủ cần đưa ra chiến lược quốc gia về  trí tuệ nhân tạo sớm nhằm quy tụ nhân lực và nguồn lực vào một số ứng dụng quan trọng đối với sự phát triển của đất nước liên quan đến an ninh, quốc phòng, nông nghiệp... và những lĩnh vực mà Việt Nam đang có thế mạnh. Cần tập trung một số chính sách nhằm ưu tiên các công ty công nghệ dựa trên trí tuệ nhân tạo, xem trí tuệ nhân tạo như là một trong những điều kiện các dự án hay một điều kiện khuyến khích khi tham gia đấu thầu các dự án công nghệ có sử dụng nguồn ngân sách nhà nước.

“Thực tiễn yêu cầu Chính phủ cần nhanh chóng đưa ra các chính sách hỗ trợ khuyến khích các doanh nghiệp, đặc biệt là các Hội công nghệ tham gia vào quá trình đào tạo. Nhà nước cần đầu tư và tạo ra một số Lab nghiên cứu trọng điểm, thực hiện theo chính sách nhà nước đầu tư ban đầu hoặc hình thức công - tư để đảm bảo tính bền vững của các phòng Lab. Các Lab này nên đặt tại một số trường đại học hoặc những khu công nghệ lớn để quy tụ, thúc đẩy các doanh nghiệp công nghệ cùng tham gia chia sẻ kết quả nghiên cứu”, ông Lâm Nguyễn Hải Long đề xuất.

Với sự chung tay, quan tâm đầu tư thực chất của chính quyền địa phương, các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp và nhà khoa học sẽ tạo đà cho sự phát triển và áp dụng trí tuệ nhân tạo trong thực tiễn, góp phần xây dựng, phát triển một xã hội văn minh, an toàn. Phát triển và ứng dụng hiệu quả trí tuệ nhân tạo trong cuộc sống sẽ là nền tảng, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư của Thành phố, là hạt nhân quan trọng cho sự thành công xây dựng Đề án đô thị thông minh.     

Tiến Lực - Xuân Khu (TTXVN)
TP Hồ Chí Minh xây dựng hệ sinh thái AI - Bài 2: Tiên phong ứng dụng vào thực tiễn
TP Hồ Chí Minh xây dựng hệ sinh thái AI - Bài 2: Tiên phong ứng dụng vào thực tiễn

Cùng với làn sóng của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, TP Hồ Chí Minh cũng đã nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào phát triển kinh tế - xã hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN