Brazil đe dọa “ngôi vương” về xuất khẩu đậu tương của Mỹ

Số đậu tương dự kiến được thu hoạch trong mùa vụ Xuân năm 2020 của Brazil là 121,1 triệu tấn, cao hơn 25% so với mức 96,6 triệu tấn đậu tương vừa được thu hoạch trong mùa vụ Đông của Mỹ.
Brazil đe dọa “ngôi vương” về xuất khẩu đậu tương của Mỹ ảnh 1Nông dân thu hoạch đậu tương tại trang trại. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo Financial Times, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung vẫn chưa có hồi kết và các điều kiện thời tiết khắc nghiệt đang gây ra nhiều khó khăn cho ngành nông nghiệp Mỹ, “ngôi vương” về sản xuất đậu tương của nước này đang đứng trước nguy cơ bị thay thế bởi “á quân” Brazil.

Theo dữ liệu thống kê từ Sở nông nghiệp Brazil Conab, số đậu tương dự kiến được thu hoạch trong mùa vụ Xuân năm 2020 của Brazil là 121,1 triệu tấn, cao hơn 25% so với mức 96,6 triệu tấn đậu tương vừa được thu hoạch trong mùa vụ Đông của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Trước số liệu này, Giám đốc điều hành Hội đồng xuất khẩu đậu tương Mỹ Jim Sutter cho biết, đây là lần đầu tiên sản lượng đậu tương của Mỹ rơi xuống mức thấp hơn của Brazil.

Lý giải về hiện tượng trên, bên cạnh những yếu tố về thiên nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng sự chuyển động về tương quan giữa hai đồng tiền tệ real của Brazil và đồng USD của Mỹ đã phần nào gây ảnh hưởng đến sản lượng đậu tương của hai nền kinh tế.

Trong năm 2019, đồng real của Brazil đã giảm khoảng 7% so với đồng USD, khiến hoạt động xuất khẩu đậu tương của nền kinh tế Mỹ Latinh trở nên sôi động hơn.

Theo Giám đốc điều hành Jim Sutter, việc đồng USD mạnh lên thực sự là một “cơn gió ngược” đối với các nhà sản xuất Mỹ, trong khi lại là tín hiệu để các nhà sản xuất khác (ngoài Mỹ) trên thế giới tăng cường sản lượng, bởi điều này sẽ mang lại cho họ mức giá tốt hơn.

Tổng thống Donald Trump tuần trước đã đe dọa sẽ áp thuế đối với các sản phẩm thép và nhôm từ Brazil và Argentina để đối phó với những bất lợi trên thị trường tiền tệ mà ông cho là không có lợi cho người nông dân.

Sau Mỹ và Brazil, Argentina hiện là nhà sản xuất đậu tương lớn thứ ba thế giới.

Nông dân Mỹ dự định dành ra khoảng 84,6 triệu mẫu Anh (34,2 triệu ha) đất để trồng đậu tương vào mùa Xuân năm 2019, giảm 5% so với hồi năm 2018.

[Brazil và Đức hợp tác sản xuất bền vững tại vùng rừng nhiệt đới Amazon]

Tuy nhiên, sau khi đón nhận những cơn mưa không ngừng khiến các thiết bị gieo hạt không thể hoạt động hết công suất, con số này đã giảm sâu hơn, xuống chỉ còn 76,7 triệu mẫu, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ.

Trong khi đó, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung cũng đang gây ra nhiều ảnh hưởng đến lượng tiêu thụ đậu tương của Trung Quốc - nước nhập khẩu chủ yếu các loại hạt có dầu.

Bắc Kinh áp thuế đối với các sản phẩm canh tác của Mỹ trong thời gian hai bên vẫn đang đàm phán các điều khoản mới về chính sách thương mại và công nghiệp.

Theo Bộ trưởng Nông nghiệp Brazil Tereza Cristina da Costa, động thái này đã mang lại cơ hội tạm thời cho Brazil.

Nông dân Mỹ đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, nhất là sau khi ngành xuất khẩu đậu tương của nước này suy sụp hồi năm ngoái và xóa sạch các thị trường mà nông dân Mỹ đã phải mất nhiều năm tạo dựng.

Báo cáo nghiên cứu của Liên đoàn Công nghiệp Quốc gia Brazil (CNI) cho hay trong bối cảnh Bắc Kinh tăng thuế đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ, giá trị xuất khẩu hàng hóa của Brazil sang thị trường Trung Quốc trong năm 2018 đã tăng 30% so với năm 2017, trong đó đậu tương là mặt hàng xuất khẩu mạnh nhất với kim ngạch tăng hơn 7 tỷ USD.

Trong khi đó, tại Brazil và Mỹ, đậu tương được chế biến thành thức ăn chăn nuôi và dầu thực vật.

Hai nước này có hai vụ mùa khác nhau, phản ánh thời điểm thu hoạch khác nhau ở hai khu vực Bán cầu Bắc và Bán cầu Nam. Chính vì vậy, sự thay đổi gần đây có thể dẫn đến sự thay đổi về thời điểm gieo vụ ở từng nơi.

Tuy nhiên, nghiên cứu viên cao cấp Joseph Glauber tại Viện nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế, cho biết việc thay đổi vĩnh viễn mô hình này để đối phó với cuộc chiến thương mại sẽ rất tốn kém.

Ông Glauber nói: “Tôi nghĩ rằng chúng ta đã phát triển một hệ thống hoạt động rất hiệu quả, với việc sản xuất diễn ra 6 tháng một lần”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục