Nâng cao năng lực Ngành Đo đạc, Bản đồ đáp ứng yêu cầu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Ngày 14/12, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày truyền thống Ngành Đo đạc, Bản đồ và 60 năm thành lập Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam (14/12/1959-14/12/2019) với sự tham dự của nhiều thế hệ cán bộ, lãnh đạo, các nhà khoa học và chuyên gia trong lĩnh vực đo đạc, bản đồ. 

Tại Lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Thị Hà đã trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì cho Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam.

Đóng góp quan trọng trong bảo vệ và phát triển đất nước

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa đánh giá cao và chúc mừng những thành công của Ngành Đo đạc, Bản đồ nói chung và Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam nói riêng. Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết: Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, những người làm công tác đo đạc và bản đồ Việt Nam đã nỗ lực không ngừng nhằm sản xuất và cung cấp kịp thời bản đồ cho chiến trường; cung cấp số liệu đo đạc, bản đồ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý tài nguyên và môi trường, phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao dân trí.

Trong những năm gần đây, các kết quả đo đạc và bản đồ còn là nguồn tư liệu, đóng góp vào việc phát triển “kinh tế xanh”. Các kết quả đo đạc và bản đồ là dữ liệu cơ bản giúp cho Ngành Tài nguyên và Môi trường triển khai các nhiệm vụ quan trọng của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành, địa phương trên cả nước. Đặc biệt, công tác đo đạc và bản đồ biên giới đã phục vụ đắc lực cho việc phân định ranh giới quốc gia trên đất liền, trên biển với các nước láng giềng, góp phần giữ vững chủ quyền thiêng liêng của đất nước, ổn định chính trị trong khu vực.

Cùng với sự phát triển của đất nước, Ngành đo đạc, bản đồ Việt Nam ngày càng phát triển cả về tổ chức, lực lượng và tiềm lực khoa học – kỹ thuật. Việc Quốc hội Khóa XIV thông qua Luật Đo đạc và Bản đồ năm 2018 giúp ngành có cơ sở pháp lý cao để quản lý thống nhất công tác đo đạc bản đồ trên cả nước, mở ra chương mới trong hoạt động đo đạc, bản đồ, thúc đẩy triển khai các ứng dụng trong kỷ nguyên của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước và khoa học, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa yêu cầu Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam nhanh chóng hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đối với lĩnh vực đo đạc và bản đồ; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành địa phương và các đơn vị có liên quan sớm hoàn thành Dự thảo Chiến lược phát triển Ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam, Hạ tầng không gian địa lý quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 trình Chính phủ phê duyệt trong quý III năm 2020; hiện đại hóa hạ tầng đo đạc, nâng cao chất lượng sản phẩm phục vụ quản lý, giám sát tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu… 

Đồng thời, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam cũng cần xây dựng và phát triển đội ngũ chuyên gia, cán bộ khoa học và công nghệ có trình độ chuyên môn cao để đáp ứng các nhiệm vụ của ngành, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương có liên quan để đảm bảo công tác kỹ thuật phục vụ đàm phán, giúp đẩy nhanh tiến độ hoàn thành phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam – Campuchia; chuẩn bị nhân lực, kỹ thuật phục vụ phân định ranh giới trên biển với các quốc gia trong khu vực.

Nỗ lực đáp ứng yêu cầu phát triển thời đại mới 

Tiến sỹ Hoàng Ngọc Lâm - Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam tự hào khẳng định, từ khi hình thành cơ quan bản đồ đầu tiên, Ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao, đáp ứng yêu cầu bảo vệ và phát triển đất nước.

Mười năm trở lại đây, từ năm 2009 đến 2019, Ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đã phát triển toàn diện về xây dựng thể chế quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ, xây dựng Cơ sở dữ liệu hạ tầng thông tin địa lý quốc gia. Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam đã xây dựng và cơ bản hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ. Trong đó, nổi bật nhất là việc đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chủ trì xây dựng và trình Luật Đo đạc và Bản đồ được Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 14/6/2018 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Đồng thời, Cục đã tập trung triển khai và cơ bản hoàn thành các đề án, dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Chiến lược phát triển Ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đến năm 2020. Trong đó, tiêu biểu là việc hoàn thành 2 dự án quan trọng liên quan đến thành lập Cơ sở dữ liệu nền thông tin địa lý tỷ lệ 1/10.000 gắn với mô hình số độ cao phủ trùm cả nước và Cơ sở dữ liệu nền thông tin địa lý tỷ lệ 1/2.000, 1/5.000 các khu vực đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm. Sản phẩm của 2 dự án này đã chuyển giao cho các địa phương sử dụng phục vụ cho việc quy hoạch và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; đã hoàn tất việc xây dựng hệ thống thông tin địa danh của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; hoàn tất việc rà soát hệ thống địa danh, tên gọi các đảo, bãi cạn trên các vùng biển Việt Nam phục vụ công tác lập bản đồ và khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển.

Bên cạnh đó, Cục đã cùng với Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ hoàn thiện mạng lưới trọng lực quốc gia phục vụ cho đo đạc trọng lực chi tiết, phục vụ công tác thăm dò, điều tra tìm kiếm khoáng sản; chính xác hóa mô hình GEOID địa phương trên lãnh thổ Việt Nam góp phần thúc đẩy việc ứng dụng xác định độ cao bằng công nghệ định vị vệ tinh (GNSS). Cục cùng với Tổng công ty Tài nguyên Môi trường Việt Nam tổ chức triển khai và cơ bản hoàn thành Dự án xây dựng mô hình số độ chính xác cao khu vực ven biển phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; xây dựng và đưa vào sử dụng mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia VNGEONET với số lượng 65 điểm trong giai đoạn đầu để làm khung tham chiếu cho hệ tọa độ động quốc gia, cung cấp dịch vụ xác định tọa độ, độ cao phủ kín toàn quốc. 

Cục trưởng Hoàng Ngọc Lâm cho rằng, thời gian tới, để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ngoài sự nỗ lực, cố gắng không ngừng của đội ngũ những người làm đo đạc và bản đồ, đơn vị mong tiếp tục nhận được sự quan tâm của Chính phủ, sự chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, sự ủng hộ và phối hợp chặt chẽ của các cơ quan có liên quan đối với Ngành và Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam.

Với những thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước, Ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh (năm 2009), Huân chương Độc lập hạng Nhất (năm 2004), Huân chương Độc lập hạng Nhì (năm 1994, 2019), Huân chương Độc lập hạng Ba (năm 1989); được nhận Huân chương Hữu nghị Việt – Lào, Huân chương Lao động hạng Nhất của Lào (năm 2018). Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã khen thưởng nhiều tập thể và cá nhân trong Ngành. Đặc biệt, nhiều công trình, tập thể, cá nhân thuộc Ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam được Đảng và Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cùng nhiều danh hiệu cao quý khác, thể hiện sự đánh giá cao của Đảng và Nhà nước đối với cống hiến của các đơn vị, cá nhân tiêu biểu của Ngành trong suốt 60 năm qua.

Hoàng Nam (TTXVN)
Phát triển công nghệ đo đạc bản đồ trong thu nhận dữ liệu địa không gian
Phát triển công nghệ đo đạc bản đồ trong thu nhận dữ liệu địa không gian

Ngày 9/7, tại Hà Nội, Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã tổ chức Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập (9/7/1994-9/7/2019) và Hội thảo khoa học “Phát triển công nghệ đo đạc bản đồ trong thu nhận dữ liệu địa không gian”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN