Khơi dậy tình yêu di sản với học sinh

Ngày 12/12, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương phối hợp với UBND huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương tổng kết chương trình giáo dục di sản văn hóa tại trường Tiểu học xã Nghĩa An, huyện Ninh Giang và sơ kết 5 năm thực hiện chương trình giai đoạn 2015 – 2019.

Theo đánh giá, chương trình giáo dục di sản văn hóa trong nhà trường đã được triển khai tới hơn 2.000 học sinh các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, khơi dậy tình yêu di sản cho học sinh trên chính quê hương mình. 

Chú thích ảnh
Trưng bày tranh vẽ về di tích lịch sử của các em học sinh trường tiểu học xã Nghĩa An, huyện Ninh Giang. 

Từ tháng 10/2019 đến nay, hơn 900 học sinh trường Tiểu học xã Nghĩa An được tham gia chương trình giáo dục di sản văn hóa trong nhà trường. Cô giáo Hà Thị Lừng, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trong quá trình học tập và trải nghiệm, học sinh được tìm hiểu về các di tích lịch sử tại địa phương gồm: Đền thờ Khúc Thừa Dụ (xã Kiến Quốc) và đình Trịnh Xuyên (xã Nghĩa An). Đây là các di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu của huyện Ninh Giang thờ danh nhân lịch sử của đất nước, là những “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, truyền thống yêu nước cho cán bộ và nhân dân trong tỉnh.

Sau mỗi lần tham quan, học sinh được hướng dẫn thảo luận theo nhóm, viết bài thu hoạch, vẽ tranh, kể chuyện… Bên cạnh đó, nhà trường cũng đã tích hợp các nội dung giảng dạy về giáo dục di sản trong các môn học phù hợp với từng độ tuổi, môn học, chương trình học. Hàng tuần, mỗi lớp học đều được tham gia một buổi sinh hoạt ngoại khóa về nội dung giáo dục kỹ năng sống, giáo dục di sản, tổ chức trò chơi dân gian... Đây thực sự là những giờ học vui đối và được các em học sinh hào hứng tham gia.

Em Nguyễn Khánh Linh, học sinh lớp 5A trường Tiểu học xã Nghĩa An cho biết: Sau khi thăm các di tích lịch sử, được các cô giáo giảng về những di tích này, em càng thêm yêu và tự hào về quê hương. Em sẽ cố gắng học tập thật tốt, giới thiệu đến bạn bè ở các nơi khác cùng biết để đến thăm quê hương em.

Tại buổi tổng kết, các đại biểu được tham quan nhiều tranh vẽ về di tích, nhân vật được thờ tại di tích do học sinh của trường thực hiện.

Theo ông Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương, nhận thức được tầm quan trọng của việc đưa giáo dục di sản văn hóa vào trong nhà trường tại tỉnh Hải Dương, từ năm 2015 đến nay, Sở đã phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố: Chí Linh, Kinh Môn, Thanh Miện, Ninh Giang triển khai chương trình giáo dục di sản văn hóa trong nhà trường tại các trường Tiểu học Văn An, An Sinh, Thượng Quận, Chi Lăng Nam, Kiến Quốc và Nghĩa An. Đây đều là những trường có nhiều thành tích xuất sắc trong giảng dạy và học tập. Tính đến năm 2019, đã có 6 trường tiểu học trên địa bàn tỉnh được tổ chức giáo dục di sản văn hóa với hơn 2.000 học sinh được hướng dẫn, giảng dạy, học tập và trải nghiệm về di sản văn hóa.

Những di sản văn hóa được lựa chọn để giáo dục trực quan là các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, kiến trúc nghệ thuật độc đáo tiêu biểu của tỉnh gắn liền với các danh nhân có vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc. Đó là khu di tích đền Cao An Phụ, chùa Nhẫm Dương và động Kính Chủ (thị xã Kinh Môn); đền thờ Nhà giáo Chu Văn An (thành phố Chí Linh); đền thờ Khúc Thừa Dụ (huyện Ninh Giang); danh lam thắng cảnh đảo Cò (huyện Thanh Miện), nơi có cảnh quan thiên nhiên và hệ sinh thái đặc thù của tỉnh cùng nhiều di tích tiêu biểu khác.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương đã hỗ trợ cung cấp học liệu, đặc biệt là các sách vở, băng đĩa và tranh, ảnh, bản đồ về các di tích lịch sử văn hóa tại từng địa phương để các thầy cô giáo có thêm thông tin giảng dạy. Ban chủ nhiệm chương trình giáo dục di sản trong nhà trường cũng tổ chức tập huấn cho các giáo viên những trường có triển khai chương trình về phương pháp tích hợp giáo dục di sản với các môn học.

Chú thích ảnh
Các học sinh lớp 5 trường Tiểu học xã Nghĩa An, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương thuyết minh tranh về ngôi đền Khúc Thừa Dụ. 

Không riêng Ban Giám hiệu các trường được lựa chọn triển khai chương trình mà đại diện lãnh đạo các địa phương đều nhận định sau một thời gian triển khai, các giá trị di sản văn hóa được tích hợp trong các tiết học và các buổi học tập trực quan tại di tích đã giúp học sinh hiểu về những giá trị lịch sử văn hóa, về mảnh đất, con người quê hương mình. Qua đó trau dồi kỹ năng, trang bị kiến thức, khơi dậy hứng thú và tình yêu đối với những di sản văn hóa, có những ứng xử đúng đắn trong việc bảo vệ các di tích, di sản văn hóa. Đồng thời, chương trình cũng góp phần đổi mới phương pháp dạy và học, tạo cho học sinh tính chủ động, phát huy tính tích cực, sáng tạo trong quá trình học tập.

Chương trình giáo dục di sản đã cho thấy hiệu quả rõ nét đối với công tác giáo dục toàn diện cho học sinh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương Nguyễn Thành Trung khẳng định: Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương, ngành giáo dục triển khai đưa các giá trị di sản văn hóa vào trong nhà trường các cấp để chương trình được nhân rộng và đạt hiệu quả tốt nhất, góp phần phát triển giáo dục toàn diện cho học sinh.

Tin, ảnh: Mạnh Minh (TTXVN)
HĐND TP Hồ Chí Minh bàn giải pháp bảo tồn các di sản văn hóa
HĐND TP Hồ Chí Minh bàn giải pháp bảo tồn các di sản văn hóa

Chiều 8/12, kỳ họp thứ 17 HĐND TP Hồ Chí Minh khóa IX bước vào phiên thảo luận tại hội trường để tìm ra giải pháp bảo tồn các di sản văn hóa và cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN