Chủ tịch EC hối thúc Nghị viện ủng hộ chiến lược tăng trưởng 'xanh'

"Thỏa thuận xanh" nêu lên các đề xuất về pháp lý, các công cụ tài chính và các kế hoạch hành động trong nhiều lĩnh vực.
Chủ tịch EC hối thúc Nghị viện ủng hộ chiến lược tăng trưởng 'xanh' ảnh 1Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen. (Nguồn: euractiv)

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ngày 11/12 đã trình bày "Thỏa thuận xanh" mới của Liên minh châu Âu (EU) tại Nghị viện châu Âu, cho đây là chiến lược vì tăng trưởng kinh tế và việc làm, không chỉ là để cắt giảm khí thải.

Thành tố chính của kế hoạch trên là một quy định yêu cầu các nước thành viên xây dựng một nền kinh tế trung tính về khí thải (lượng thải và lượng hấp thu là cân bằng) vào năm 2050, nhưng trước tiên kế hoạch này cần được Nghị viện châu Âu và các lãnh đạo EU thông qua.

"Thỏa thuận xanh" nêu lên các đề xuất về pháp lý, các công cụ tài chính và các kế hoạch hành động trong nhiều lĩnh vực.

Mục tiêu chính là để kết hợp giữa công nghệ sạch và các phương pháp hấp thụ khí thải để châu Âu trở thành nền kinh tế trung tính về khí thải đầu tiên vào năm 2050.

[Tân chủ tịch EC:Một châu Âu xanh để EU mạnh mẽ hơn trên trường quốc tế]

Bà von der Leyen cho biết kế hoạch trên vẫn chưa nhận được tất cả các câu trả lời nhưng giờ mới là khởi đầu của một hành trình.

Bà cam kết rằng việc thực hiện chiến lược tăng trưởng mới sẽ được nhiều hơn mất, với mục tiêu huy động khoảng 100 tỷ euro để tài trợ cho các dự án năng lượng sạch.

Theo bà, cần phải đảm bảo rằng chiến lược này sẽ không để một ai bị bỏ lại phía sau. Bà cho biết, một số nước cho rằng chi phí cho việc chuyển đổi là quá cao và điều này cho thấy cần chú ý đến các khoản đầu tư không hiệu quả.

Sau khi được trình bày tại Nghị viện châu Âu, kế hoạch trên sẽ được đưa ra Hội nghị thượng đỉnh của EU vào ngày 12/12 và sau đó sẽ được bà von der Leyen trình bày tại Hội nghị lần thứ 25 của các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc tại Madrid, Tây Ban Nha trong tuần này.

Theo Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, có dấu hiệu cho thấy các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ ủng hộ kế hoạch.

Ba nước vẫn phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là than đá, vẫn phản đối kế hoạch trên là Ba Lan, Hungary và Cộng hòa Séc.

Để thuyết phục các nước này, EC dự kiến sẽ thiết lập một cơ chế chuyển đổi với 100 tỷ euro để hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo.

EC muốn đặt mục tiêu giảm lượng khí thải 50%, hay thậm chí là 55%, vào năm 2030, tăng từ mức 40%. Tuy nhiên, một số nhóm bảo vệ môi trường vẫn cho rằng mức này là chưa đủ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục