Nguy cơ lây nhiễm HIV từ quan hệ đồng giới đang ngày càng gia tăng

Trong 9 tháng đầu năm 2019, cả nước xét nghiệm phát hiện mới 7.779 trường hợp nhiễm HIV, số bệnh nhân chuyển sang giai đoạn AIDS 2.984, số bệnh nhân tử vong 1.428 trường hợp.
Nguy cơ lây nhiễm HIV từ quan hệ đồng giới đang ngày càng gia tăng ảnh 1Nhân viên y tế làm thủ tục khám bệnh cho người dân. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Hiện nay, mục tiêu quan trọng cả thế giới quan tâm và Việt Nam đã cam kết kết thúc dịch AIDS. Liên Hiệp quốc cũng đã khuyến cáo các quốc gia kết thúc dịch AIDS vào năm 2030.

Nhân ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS (1/12), phóng viên đã có cuộc trao đổi với phó giáo sư Nguyễn Hoàng Long - Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Dịch HIV tập trung chủ yếu ở nam giới

- Xin Cục trưởng cho biết diễn biến tình hình dịch HIV/AIDS tại Việt Nam hiện nay như thế nào?

Phó giáo sư Nguyễn Hoàng Long: Trong 9 tháng của năm 2019, cả nước xét nghiệm phát hiện mới 7.779 trường hợp nhiễm HIV, số bệnh nhân chuyển sang giai đoạn AIDS 2.984, số bệnh nhân tử vong 1.428 trường hợp.

Đáng lưu ý, số người mới phát hiện nhiễm HIV tập trung chủ yếu ở độ tuổi 16-29 (39%) và 30-39 (34%). Đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (65%) và qua đường máu (17%), mẹ sang con 2%, còn lại không có thông tin về đường lây truyền (16%).

[Mỗi năm có hơn 14.000 người mắc mới bệnh ung thư đại trực tràng]

Tính đến hết 30/9/2019, cả nước có 215.661 người nhiễm HIV được các tỉnh báo cáo đang còn sống và 103.616 người nhiễm HIV đã tử vong. Tuy nhiên, trong số 215.661 người đang báo cáo nhiễm HIV được phát hiện, có khoảng 10% người nhiễm HIV trùng lặp hoặc đã tử vong nhưng chưa được ghi nhận.

Nguy cơ lây nhiễm HIV từ quan hệ đồng giới đang ngày càng gia tăng ảnh 2

- Tình hình dịch HIV trong nhóm nào hiện nay nhiều nguy cơ cao và đáng lưu ý nhất thưa ông?

Phó giáo sư Nguyễn Hoàng Long: Kết quả giám sát trọng điểm HIV năm 2018 trên nhóm phụ nữ bán dâm tại 13 tỉnh và nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) ở 8 tỉnh cho thấy tỷ lệ nhiễm HIV nhóm phụ nữ bán dâm là 3,58% và nhóm MSM là 10,78%.

Kết quả so sánh với nhiều năm gần đây, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm phụ nữ bán dâm thay đổi không đáng kể so với năm 2017 và tăng hơn 1% so với năm 2016, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm MSM có xu hướng giảm so với năm 2017 (12,19%). Số liệu phát hiện nhiễm mới nhìn chung không có nhiều thay đổi so với năm 2018. Dịch HIV tập trung chủ yếu ở nam giới (chiếm 75%) và đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây.

Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy đang có xu hướng giảm, thay vào đó tỷ lệ này nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới đang ngày càng gia tăng và có khả năng sẽ trở thành nhóm chính trong lây nhiễm HIV.

Ngoài ra, các nhóm có nguy cơ thấp như nhóm vợ, chồng, bạn tình người nhiễm HIV vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm lây truyền HIV do khó tiếp cận với các dịch vụ tư vấn xét nghiệm và can thiệp dự phòng.

Nguy cơ lây nhiễm HIV từ quan hệ đồng giới đang ngày càng gia tăng ảnh 3

Phát hiện gần 10.000 trường hợp nhiễm HIV mới

- Ông có thể cho biết các kết quả nổi bật về phòng, chống HIV/AIDS năm 2019 là gì?

Phó giáo sư Nguyễn Hoàng Long: Năm 2019,dịch HIV/AIDS trong cộng đồng tiếp tục thuyên giảm, mức 0,24%, nhưng diễn biến phức tạp, gia tăng ở một số nhóm nguy cơ cao (MSM, nghiện chích ma tuý) và còn xa so với mục tiêu chấm dứt đại dịch AIDS (10.000 với 1.000/người/năm).

Trong năm qua, ngành y tế đã mở rộng và đa dạng dịch vụ xét nghiệm HIV, phát hiện gần 10.000 trường hợp nhiễm HIV mới qua các giải pháp xét nghiệm mới như: Xét nghiệm tại các cơ sở y tế, xét nghiệm dựa vào cộng đồng, tự xét nghiệm, sử dụng sinh phẩm mới để phát hiện sớm nhiễm HIV...

Công tác điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện tiếp tục được duy trì và đổi mới. Hiện có gần 53.000 bệnh nhân đang điều trị bằng Methadone thường xuyên, hiệu quả cao. Buprenorphine được triển khai ở 7 tỉnh và chuẩn bị thí điểm cấp phát cho bệnh nhân được về nhà. Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn xử trí nghiện ma túy tổng hợp.

Điều trị bằng thuốc kháng HIV (thuốc ARV) tiếp tục được mở rộng. Hiện có 140.000 bệnh nhân đang điều trị ARV, tỷ lệ tuân thủ sau 12 tháng đạt 88%, tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế đạt 95%, dưới ngưỡng phát hiện đạt 92%. Phác đồ điều rị liên tục được cập nhật; thuốc mới được cấp phép, mở rộng điều trị trong ngày, cấp phát thuốc nhiều tháng...

Thời gian qua, ngành y tế chuyển đổi thành công điều trị ARV từ viện trợ sang bảo hiểm y tế. Nhiều hoạt động đã được triển khai đồng bộ, như truyền thông, kiện toàn hơn 400 cơ sở điều trị, đấu thầu thuốc ARV tập trung, mở rộng bảo hiểm y tế và hỗ trợ đồng chi trả; điều phối thuốc ARV... Hiện có 40.000 bệnh nhân đang nhận thuốc ARV qua bảo hiểm y tế.

Tuy nhiên, công tác phòng, chống HIV/AIDS vẫn đang gặp nhiều khó khăn và thách thức.

Nguy cơ lây nhiễm HIV từ quan hệ đồng giới đang ngày càng gia tăng ảnh 4Phó giáo sư Nguyễn Hoàng Long – Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tiềm ẩn những nguy cơ bùng phát

- Ông có thể nói rõ hơn về những khó khăn thách thức này?

Phó giáo sư Nguyễn Hoàng Long: HIV/AIDS hiện là vấn đề sức khỏe công cộng quan trọng, là một trong những nguyên nhân gây gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam. Mỗi năm vẫn có 10.000 HIV+ mới và 2.000-3.000 trường hợp tử vong do HIV/AIDS, gây tác động rất lớn về sức khỏe, kinh tế - xã hội. Hơn nữa, nhóm người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV vẫn ở mức cao.

Mặc dù dịch HIV/AIDS ở Việt Nam tiếp tục có xu hướng giảm, tuy nhiên vẫn chưa đảm bảm tính bền vững và vẫn tiềm ẩn những nguy cơ bùng phát nếu chúng ta không tiếp tục có những biện pháp can thiệp mạnh mẽ và hiệu quả.

Đáng chú ý là có sự đan xen giữa các hành vi của nhóm người nghiện chích ma túy và nhóm phụ nữ bán dâm, nhóm nam có quan hệ tình dục với nam, chuyển giới... trong khi mức độ bao phủ của các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS còn rất hạn chế.

Đặc biệt, hiện nay kinh phí cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS chủ yếu phụ thuộc vào viện trợ quốc tế đang cắt giảm nhanh, trong khi các nguồn tài chính trong nước gồm ngân sách nhà nước và bảo hiểm y tế chưa kịp bù đắp thiếu hụt tài chính. Do đó các địa phương không có dự án viện trợ quốc tế, hoạt động phòng, chống HIV/AIDS gặp nhiều khó khăn.

Nguồn ngân sách địa phương dành cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS rất hạn chế, nguồn kinh phí địa phương chỉ cung cấp đủ cho duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan phòng, chống HIV/AIDS địa phương.
Về công tác tổ chức, chủ trương sáp nhập Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tuyến tỉnh để thành lập Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) khiến cho nhân lực phòng, chống HIV/AIDS thường xuyên thay đổi trong khi các kỹ năng, phương pháp tiếp cận hiệu quả có tính đặc thù.

- Để khắc phục những khó khăn và hạn chế trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, ngành y tế có những phương hướng khắc phục ra sao trong những năm tiếp theo?

Phó giáo sư Nguyễn Hoàng Long: Theo tôi, cần đổi mới và mở rộng, nâng cao chất lượng công tác truyền thông, giáo dục về phòng, chống HIV/AIDS.

Triển khai dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV cho người có nguy cơ cao nhiễm HIV, chú trọng điều trị cho vợ, chồng, bạn tình của người nhiễm, MSM, người chuyển giới ở khu vực có nguy cơ lây nhiễm HIV...

Nguy cơ lây nhiễm HIV từ quan hệ đồng giới đang ngày càng gia tăng ảnh 5Dịch HIV hiện nay tập trung chủ yếu ở nam giới. (Ảnh: PV/Vietnam+)

- Chủ đề của Tháng hành động Quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS năm nay là “Cùng hành động để kết thúc dịch AIDS” có ý nghĩa như thế nào thưa ông?

Phó giáo sư Nguyễn Hoàng Long: Năm 2019, Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy mại dâm chọn chủ đề cho Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS với chủ đề “Cùng hành động để kết thúc dịch AIDS” mang nhiều ý nghĩa.

Chủ đề này nhấn mạnh vai trò của cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS. Mặc dù nhiễm HIV là nhiễm bệnh truyền nhiễm mãn tính, tuy nhiên các giải pháp để kiểm soát dịch HIV không chỉ là các giải pháp y tế mà mang tính xã hội tức cần có sự tham gia của tất cả lãnh đạo các cấp, ngành y tế, các ban ngành đoàn thể và cả cộng đồng.

Khác với nhiều bệnh khác, khi một người mắc bệnh có thể đến các cơ sở y tế để khám, phát hiện và điều trị. Tuy nhiên với HIV là đại dịch xảy ra trên tất cả các quốc gia và châu lục trên thế giới nên ở bình diện rộng cần sự chung tay của cả cộng đồng thế giới phòng, chống HIV/AIDS. Cộng đồng các quốc gia nếu không chung tay sẽ không thể bảo vệ được quốc gia mình khỏi HIV/AIDS.

Hơn nữa, các giải pháp kiểm soát dịch ngoài việc lấy ngành y tế là chủ đạo thì cần sự chung tay của cả cộng đồng, từ việc lãnh đạo chỉ đạo chương trình đến dự phòng lây nhiễm HIV, điều trị, chăm sóc HIV/AIDS, chống kỳ thị và phân biệt đối xử. Bởi nếu chỉ ngành y tế thực hiện sẽ không thể thành công.

Vì vậy, vai trò của cộng đồng ở đây đó là sự tham gia của các tổ chức xã hội, các mạng lưới, cộng đồng người dễ bị tổn thương bởi HIV như người nghiện ma túy, người quan hệ tình dục đồng giới, người hoạt động mại dâm, người nhiễm HIV... Họ không chỉ là đối tượng của chương trình mà còn phải tham gia như đối tác của chương trình.

Thứ hai, tôi muốn nhấn mạnh đến mục tiêu quan trọng mà cả thế giới quan tâm và Việt Nam đã cam kết đó là kết thúc dịch AIDS. Kết thúc dịch AIDS là mục tiêu cao nhất hiện nay để AIDS không còn là vấn đề sức khỏe cộng đồng của bất cứ quốc gia nào trên thế giới.

Thực tế Việt Nam năm 2018 kết quả của ba mục tiêu này là 80-70-95. Như vậy, trừ mục tiêu thứ 3 chúng ta đã đạt được, còn hai mục tiêu đầu nhất là mục tiêu thứ 2 còn khá xa so với đích đạt ra trong khi chúng ta chỉ còn có một năm để thực hiện.

Do vậy, nếu không có sự chung tay hành động của cả cộng đồng thì có thể chúng ta cũng sẽ không đạt được các mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020 và tiến tới kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục