Hà Nội phát huy hiệu quả điều trị cai nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone

Sau 10 năm triển khai điều trị cai nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone, đến nay, thành phố Hà Nội đã có 18 cơ sở điều trị methadone với tổng số bệnh nhân đang điều trị là 4.741 người.

Chú thích ảnh
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh phát biểu tại hội nghị.

Trước khi Hà Nội thực hiện thu phí một số dịch vụ điều trị methadone từ năm 2018, giai đoạn từ năm 2009 đến hết năm 2017, 100% người tham gia điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện được sử dụng thuốc thay thế miễn phí do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi phí bao gồm: thuốc, khám sức khỏe và chi phí điều trị.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, Lã Thị Lan, chương trình đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp bệnh nhan thay đổi hành vi nhận thức; giảm sử dụng heroin; điều trị an toàn; giảm đáng kể chi phí cho gia đình người nghiện…

Trước khi điều trị methadone, tỷ lệ bệnh nhân dùng chung bơm kim tiêm khá cao (22.0%). Tỷ lệ này giảm xuống nhanh và sau1năm điều trị đã không còn bệnh nhân nào sử dụng chung bơm kim tiêm. Tỷ lệ sử dụng bao cao su trong quan hệ tình dục trước khi điều trị là 50% nhưng sau1năm tăng lên 93.2% và sau 3 năm đạt 96,7%. Bệnh nhân sử dụng bao cao su trong quan hệ tình dục giúp tăng thể trạng sức khoẻ, dự phòng lây nhiễm HIV.

Số lượng bệnh nhân sử dụng heroin cũng giảm đáng kể, từ 100% bệnh nhân sử dụng khi bắt đầu điều trị đã giảm xuống chỉ còn 1,9% sau 3 năm điều trị, tần xuất và số lượng cũng giảm nhiều và hầu hết rơi vào những bệnh nhân nghiện lâu năm, có tiền sử sử dụng heroin với tần suất và liều lượng cao và một số bệnh nhân đồng nhiễm HIV, lao và đang điều trị Lao, ARV có tương tác thuốc.

Tất cả các bệnh nhân điều trị cai nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone đều an toàn, không có bệnh nhân tử vong do quá liều hoặc do tác dụng phụ không mong muốn của thuốc gây ra. Sức khỏe của hầu hết các bệnh nhân đã ổn định, nhân cách phục hồi, bệnh nhân biết quan tâm đến bản thân và gia đình, chất lượng cuộc sống của bệnh nhân sau 12 tháng điều trị methadone chuyển biến rất nhanh. Tỷ lệ bệnh nhân có việc làm tương đối cao, sau điều trị từ 12 - 24 tháng tỷ lệ bệnh nhân có việc làm là 73% còn từ 24-36 tháng tỷ lệ này là 79%.

Bệnh nhân điều trị bằng methadone đã sớm ổn định về sức khoẻ, kiềm chế nghiện tăng liều, có thể làm việc, sinh hoạt bình thường, không bị xuất hiện hội chứng cai. Nếu việc điều trị được kết hợp với các biện pháp khác như: Giáo dục, trị liệu, quản lý và hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm ổn định lâu dài sẽ có hiệu quả rất tốt. Các bệnh nhân duy trì điều trị lâu dài đều có tiến triển về sức khoẻ, tinh thần, và ngoại hình thể chất, nhiều người đã tìm được công ăn việc làm giúp đỡ gia đình, bước đầu ổn định cuộc sống. Bệnh nhân còn cắt đứt được các mối liên hệ với những người buôn bán ma tuý và không bị thao túng bởi các loại tội phạm khác vì mục đích có ma tuý để sử dụng, từ đó góp phần tích cực vào việc ổn định trật tự xã hội.

Chi phí của các gia đình có người nghiện cũng giảm đáng kể. Họ không mất tiền để mua ma tuý, để cai nghiện, để điều trị các bệnh tật liên quan đến sử dụng, tiêm chích ma tuý và không còn ám ảnh bởi việc tìm kiếm ma tuý, không phải chịu tác động của các triệu chứng đói thuốc nên nhiều người đã tập trung tâm trí để làm việc. Việc triển khai điều trị methadone làm giảm chi phí rất lớn cho Nhà nước cho việc khắc phục các hậu quả khác của ma tuý.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Hoàng Đức Hạnh, tính đến nửa đầu năm 2018, thành phố Hà Nội có gần 20.000 người nhiễm HIV/AIDS còn sống, đứng thứ 2 toàn quốc, chiếm khoảng 10% tổng số người nhiễm HIV/AIDS cả nước. Gần 6.000 người đã chết do HIV/AIDS. Tất cả các quận, huyện của thành phố Hà Nội đều có nhiều người nhiễm HIV, 554/584 xã, phường, thị trấn đã phát hiện người nhiễm HIV, chiếm 94,9%. Đa số người nhiễm HIV được phát hiện trong độ tuổi trẻ, số người nhiễm HIV từ 25-49 tuổi, chiếm 70%. Tỷ lệ nam giới nhiễm HIV mới được phát hiện là 70,6%, cao gấp 2,4 lần nữ giới (29,4%). Khó khăn nhất hiện nay là tình trạng lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục gia tăng mạnh, cộng thêm tính chất di biến động dân cư của Thủ đô làm cho dịch khó kiểm soát và khó phát hiện.

Tuy nhiên, công tác phòng chống HIV hiện nay đang gặp khó khăn, thách thức do nguồn lực dành cho phòng, chống HIV/AIDS liên tục cắt giảm, bao gồm cả ngân sách nhà nước và vốn viện trợ quốc tế, ảnh hưởng đến việc triển khai mở rộng các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, trong đó có điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng methadone.

Việc tuyên truyền về điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng methadone chưa thực sự sâu rộng. Người nghiện ma túy còn ngại lộ diện, không dám tham gia điều trị methadone do sự kỳ thị và phân biệt đối xử của cộng đồng, cũng như họ chưa thực sự hiểu rõ về bản chất và lợi ích của điều trị thay thế nói chung và điều trị methadone nói riêng.

Điều trị methadone là loại hình điều trị đặc thù, bệnh nhân uống thuốc 365 ngày/năm. Cán bộ của cơ sở điều trị trực cả thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ, ngày Tết, tiếp xúc thường xuyên với bệnh nhân, nhưng chế độ ưu đãi nghề chưa phù hợp.18 cơ sở điều trị methadone mới bao phủ được 15/30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố khiến một số bệnh nhân phải di chuyển khoảng cách khá xa để đến được cơ sở điều trị uống thuốc hàng ngày.

Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, Lã Thị Lan cho biết, để thuận tiện cho bệnh nhân tiếp cận với chương trình, thời gian tới, thành phố tiếp tục mở thêm cơ sở điều trị methadone và cơ sở cấp phát thuốc nhằm tăng độ bao phủ và thuận tiện cho bệnh nhân tiếp cận với chương trình, phấn đấu đến năm 2020 thu dung được 6.500 bệnh nhân điều trị.

Triển khai các biện pháp can thiệp cho nhóm bệnh nhân điều trị methadone có sử dụng thêm các loại ma túy tổng hợp khác. Huy động nguồn lực kinh phí của địa phương cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS nói chung và chương trình điều trị methadone nói riêng. Đẩy mạnh xã hội hóa, tuyên truyền vận động sự tham gia của bệnh nhân và gia đình bệnh nhân trong thực hiện quy định của thành phố về thu phí một số dịch vụ điều trị methadone từ năm 2018.

Đơn giản hóa các thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân đăng ký tham gia điều trị, chuyển tiếp điều trị methadone. Đảm bảo lồng ghép tối đa dịch vụ điều trị thay thế methadone với các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV cũng như các dịch vụ y tế khác trên địa bàn để đảm bảo hiệu quả, bền vững nguồn lực đầu tư của Nhà nước và các nguồn tài trợ...

Tuyết Mai
Bộ Y tế thông tin chính thức về việc điều trị Methadone ở Việt Nam
Bộ Y tế thông tin chính thức về việc điều trị Methadone ở Việt Nam

Gần đây có thông tin cho rằng không nên mở rộng điều trị Methadone vì hiện nay chủ yếu là nghiện ma túy tổng hợp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN