Thách thức đối với tiến trình cải cách đồng franc CFA Tây Phi

15 thành viên của Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đã nhất trí đến năm 2020 đưa đồng tiền chung của khối này “eco” vào lưu thông.
Thách thức đối với tiến trình cải cách đồng franc CFA Tây Phi ảnh 1Đồng franc CFA Tây Phi. (Nguồn: AFP)

Giới quan sát nhận định việc cải cách đồng franc CFA Tây Phi, đồng tiền có tỷ giá hối đoái cố định neo với đồng euro và có lịch sử phức tạp, sẽ gặp rất nhiều thách thức.

Tám nước thuộc Liên minh Tiền tệ Tây Phi (WAMU) gồm Benin, Burkina Faso, Côte d’Ivoire, Guinea-Bissau, Mali, Niger, Senegal và Togo, đang sử dụng đồng CFA franc là những nước gửi 50% dự trữ ngoại hối tại Ngân hàng Trung ương Pháp để đảm bảo thanh toán bằng euro trong trường hợp quốc gia đó mất khả năng thanh toán các khoản nhập khẩu.

Việc hợp tác tiền tệ với Pháp và neo tỷ giá cố định với đồng euro cung cấp một chỉ số quan trọng cho sự ổn định tài chính, nhưng lại là vấn đề nhạy cảm về mặt chính trị ở các quốc gia châu Phi đã độc lập với Pháp sau gần sáu thập niên.

Đầu năm nay, 15 thành viên của Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đã nhất trí đến năm 2020 đưa đồng tiền chung của khối này “eco” vào lưu thông.

ECOWAS bao gồm 8 thành viên của WAMU nên "eco" sẽ thay thế đồng CFA franc tại các quốc gia đó.

[Các nước Tây Phi chuẩn bị đưa đồng tiền chung vào lưu thông]

Mới đây, Tổng thống Benin, Patrice Talon, cho biết các nước WAMU đã lên kế hoạch rút dự trữ ngoại hối khỏi Ngân hàng Trung ương Pháp.

Ngày 14/11, phát biểu với các đài truyền hình Pháp RFI và France 24, ông Talon cho hay: "Chúng tôi đều đồng ý, nhất trí rằng chúng tôi nên chấm dứt mô hình này," đồng thời nhấn mạnh "vấn đề tâm lý" chứ không phải là vấn đề mang tính "kỹ thuật" của đồng CFA franc.

Ruben Nizard, nhà kinh tế của công ty bảo hiểm xuất khẩu Coface, nhận định rằng việc rút dự trữ ngoại hối (khỏi sự giám sát của Pháp) sẽ đặt câu hỏi về một trong những trụ cột của khu vực sử dụng đồng franc tại châu Phi (những nước châu Phi hợp tác tiền tệ với Pháp như một phần của hiệp ước thuộc địa), đó là khả năng bảo đảm chuyển đổi sang đồng euro.

Nếu bảo đảm này bị hủy bỏ, vấn đề mới sẽ liên quan đến tỷ giá hối đoái cố định của đồng CFA franc, ở mức 1 euro đổi 655,96 CFA france. Theo ông Nizard, việc neo tỷ giá cố định giúp giảm rủi ro về tỷ giá cho các nhà đầu tư và xuất khẩu, đây vốn là một lợi ích lớn.

Nhưng những người chỉ trích đồng CFA franc phàn nàn rằng tỷ giá cố định của đồng tiền này với đồng euro khiến nền kinh tế của khu vực đồng CFA franc rơi vào tình trạng khó khăn.

Các nước này bị “trói buộc” với chính sách tiền tệ của Khu vực đồng tiền chung châu Âu, vốn không phù hợp với nhu cầu của họ.

Demba Moussa Dembele, nhà kinh tế người Senegal và giám đốc viện nghiên cứu Forum for African Alternatives, cho biết các ngân hàng trung ương châu Phi phải tuân theo các chính sách tiền tệ rất hạn chế (của Eurozone) trong khi ưu tiên của các nền kinh tế châu Phi không phải là cuộc chiến chống lạm phát, họ cần đầu tư và việc làm.

Noel Magloire Ndoba, nhà kinh tế người Congo, cũng đồng tình với quan điểm này khi cho rằng tại sao không ký gửi các khoản dự trữ ngoại hối này tại một ngân hàng trung ương châu Phi? Châu Phi phải tự nắm quyền quản lý ngân hàng trung ương và chính sách tiền tệ.

Bên cạnh đó, các quốc gia Tây Phi có thể liên kết đồng CFA franc với một nhóm các đồng tiền phù hợp hơn với các nhà xuất khẩu của khu vực như đồng euro, USD, NDT tương ứng với các đối tác thương mại của châu Phi như châu Âu, Mỹ và Trung Quốc, theo ông Ndoba.

Dù vậy, hiện chưa rõ liệu tất cả các quốc gia WAMU có sẵn sàng với việc rút dự trữ ngoại hối khỏi Ngân hàng trung ương Pháp hay không. Côte d'Ivoire, nền kinh tế hàng đầu trong số tám quốc gia sử dụng đồng CFA Tây Phi, từ chối bình luận.

Về phía Pháp, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno le Maire cho biết nếu đa số các quốc gia thành viên khu vực sử dụng đồng CFA france muốn tiến tới thực hiện cuộc cải cách đầy tham vọng này, chúng tôi sẽ đồng ý./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục