Khánh Hòa: Máy xạ trị bị hỏng từ năm 2016 vẫn chưa được sửa chữa

Khoa Ung bướu của Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa tiếp nhận khoảng 90 ca điều trị nội trú, trong đó khá nhiều bệnh nhân phải chuyển lên tuyến trên để điều trị xạ trị, sau khi máy xạ trị bị hỏng.

Máy xạ trị dùng để thực hiện các chỉ định điều trị xạ trị cho các bệnh nhân ung thư của Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, bị hỏng từ năm 2016 đến nay vẫn chưa được sửa chữa, thay thế, gây khó khăn lớn trong việc điều trị và quản lý bệnh nhân ung bướu.

Trung bình mỗi ngày, Khoa Ung bướu của Bệnh viện tiếp nhận khoảng 90 ca điều trị nội trú, trong đó khá nhiều bệnh nhân phải chuyển lên tuyến trên để điều trị xạ trị, sau khi máy xạ trị tại Bệnh viện bị hỏng.

Bác sỹ Trương Vương Vũ, Trưởng Khoa Ung bướu của bệnh viện, cho biết điều trị ung thư là điều trị đa mô thức (phối hợp nhiều phương pháp điều trị), trong đó xạ trị là một phương thức điều trị gây ảnh hưởng lớn đến quá trình điều trị.

[Thử nghiệm công nghệ chỉnh sửa gene trong điều trị ung thư]

Hiện tại, do máy xạ trị bị hỏng, các bệnh nhân có chỉ định đều được chuyển lên tuyến trên, gây khó khăn trong công tác quản lý bệnh án, bệnh nhân.

"Về phía bệnh nhân, người nhà của họ phát sinh thêm chi phí di chuyển, ăn uống và chăm nuôi bệnh nhân. Do đó, một số trường hợp bệnh nhân không thể thực hiện xạ trị, khiến diễn biến bệnh ngày một nặng," bác sỹ Trương Vương Vũ nhấn mạnh.

Là hộ cận nghèo của phường Ngọc Hiệp, thành phố Nha Trang, bà Võ Thị Minh Tâm, vợ của bệnh nhân tên Vinh, cho biết chồng bà bị ung bướu từ 6 tháng trước và được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa chỉ định điều trị xạ trị ở tuyến trên.

Bà Tâm nói thêm do không có kinh phí (khoảng 50 triệu đồng) để di chuyển và xạ trị ở Thành phố Hồ Chí Minh nên gia đình chỉ xin điều trị tại Bệnh viện, kéo dài thời gian sống được lúc nào hay lúc đó.

Tương tự trường hợp bệnh nhân Nguyễn Văn Sáo (sinh năm 1960), xã Vĩnh Lương, thành phố Nha Trang, bị ung thư sàn miệng có chỉ định điều trị bằng xạ trị ở tuyến trên nhưng gia đình khó khăn nên quyết không chuyển đi xạ trị, khiến tình trạng bệnh diễn biến nặng hơn.

Hiện, bệnh nhân vẫn đang xin điều trị tại bệnh viện để kéo dài thời gian sống.

Thông tin với báo chí, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa Cao Việt Dũng cho biết máy xạ trị bị hỏng của Khoa Ung bướu thuộc thế hệ máy cũ, các tia xạ trị được nằm trong một hộp kín, khi thao tác máy thì các tia được phát ra ngoài, phần nào gây ảnh hưởng đến môi trường.

Thừa nhận do máy xạ trị ngừng khá lâu, làm ảnh hưởng đến việc điều trị ở Khoa Ung bướu, ông Cao Việt Dũng cũng khẳng định bệnh viện không có kế hoạch sửa chữa máy xạ trị bởi thiết bị đã lạc hậu. Mặt khác, Sở Y tế Khánh Hòa cũng có kế hoạch xây dựng Bệnh viện Ung bướu mới và kế hoạch đầu tư máy xạ trị mới.

"Phải chờ thành lập bệnh viện mới theo kế hoạch, bởi kinh phí đầu tư mua máy xạ trị mới cực kỳ đắt mà bệnh viện thì không thể làm khác được," ông Cao Việt Dũng nói thêm.

Ngoài máy xạ trị, việc mua sắm trang thiết bị ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Nhiều ý kiến cho rằng tỉnh Khánh Hòa cần đầu tư mua sắm các trang thiết bị trong mức độ cho phép, đảm bảo yêu cầu cần thiết trong điều trị của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, vốn đang trong giai đoạn phấn đấu trở thành bệnh viện có đủ năng lực chữa trị bệnh cho người dân khu vực Nam Trung bộ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục