Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV: Nghe trình và thảo luận tại tổ 4 dự án Luật

07:28' - 15/11/2019
BNEWS Sáng 15/11, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi); dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Sau đó, các đại biểu thảo luận tại tổ về các dự án Luật này.
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV. Ảnh: Dương Giang - TTXVN

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 15/11, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi); dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Sau đó, các đại biểu thảo luận tại tổ về các dự án Luật này.
Theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật trình bày tại Phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) trình xin ý kiến dự kiến sửa đổi 36 điều, bổ sung 04 điều, bãi bỏ 2 điều của Luật Đầu tư năm 2014.

Những nội dung chủ yếu sửa đổi gồm: phạm vi điều chỉnh; nguyên tắc áp dụng Luật Đầu tư, các luật có liên quan và điều ước quốc tế; chính sách về đầu tư kinh doanh; ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; sửa đổi, bổ sung ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài; ưu đãi và hỗ trợ đầu tư; đầu tư theo hình thức thành lập tổ chức kinh tế; góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp; thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư; thủ tục cấp, điều chỉnh và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; triển khai thực hiện dự án đầu tư; ngành, nghề cấm đầu tư ra nước ngoài...
Việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật.

Qua đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; nâng cao chất lượng tổ chức quản trị doanh nghiệp, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cổ đông, nhà đầu tư khi tham gia đầu tư kinh doanh tại doanh nghiệp và hoạt động sản xuất kinh doanh của các hộ kinh doanh; đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và hội nhập kinh tế quốc tế; góp phần thúc đẩy sự thành lập, phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và hộ kinh doanh.
Dự thảo Luật trình xin ý kiến Quốc hội dự kiến sửa đổi 66 điều, bổ sung 01 chương (Chương VIIa về hộ kinh doanh) và 08 điều, bãi bỏ 01 điều so với Luật Doanh nghiệp năm 2014.

Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế trình bày tại Phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các nội dung cụ thể sửa đổi, bổ sung trình xin ý kiến bao gồm: phạm vi điều chỉnh; doanh nghiệp nhà nước; quyền của cổ đông; cổ phần ưu đãi biểu quyết do tổ chức được Chính phủ ủy quyền nắm giữ  và chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết; phát hành trái phiếu; Hộ kinh doanh và một số nội dung cụ thể khác.
Trong phiên họp chiều, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; dự án Luật Thanh niên. Sau đó, các đại biểu thảo luận tại tổ hai dự án Luật.
Theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật trình tại Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ trình bao gồm: cơ chế bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; trách nhiệm và sự phối hợp của các cơ quan trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết; bổ sung hình thức ban hành văn bản quy phạm pháp luật (hình thức nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; hình thức thông tư liên tịch của Tổng Kiểm toán Nhà nước); lập đề nghị xây dựng nghị định của Chính phủ, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; dự thảo văn bản quy định chi tiết trong hồ sơ dự án luật, pháp lệnh; xây dựng, ban hành văn bản theo trình tự, thủ tục rút gọn; ban hành thủ tục hành chính trong văn bản quy phạm pháp luật và áp dụng văn bản quy phạm pháp luật.
Qua thẩm tra, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị bổ sung: việc lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; việc thành lập Ban soạn thảo dự án luật, pháp lệnh; việc thẩm định, thẩm tra dự án luật, pháp lệnh; quy định để xử lý đối với trường hợp một số dự án luật, nghị quyết phát sinh để kịp thời phúc đáp yêu cầu cấp bách theo đề nghị của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thường phải xem xét việc bổ sung dự án vào Chương trình cùng với xem xét về nội dung; điều chỉnh đối với trường hợp dự án luật được đưa vào Chương trình để xem xét theo quy trình 2 kỳ họp nhưng sau đó Quốc hội quyết định kéo dài thành 3 kỳ họp hoặc mở rộng phạm vi từ sửa đổi, bổ sung một số điều sang sửa đổi toàn diện; dự án luật được đưa vào để sửa đổi, bổ sung nhiều luật nhưng qua quá trình soạn thảo mở rộng phạm vi sửa đổi, cơ quan trình đề nghị tách thành các luật độc lập để sửa đổi…
Việc sửa đổi Luật Thanh niên nhằm tiếp tục thể chế hóa các quan điểm của Đảng về công tác thanh niên; cụ thể hóa tinh thần và nội dung của Hiến pháp; khắc phục những bất cập trong thực tiễn thi hành; tạo hành lang pháp lý để thanh niên phát huy sức trẻ, khả năng, trí tuệ đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trên cơ sở ý kiến góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 37, dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) trình xin ý kiến Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 gồm 06 Chương, 62 điều, tăng 26 điều so với năm 2005.

Một số vấn đề tiếp tục xin ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp gồm: Việc quy định về Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam trong dự thảo Luật; về quyền, nghĩa vụ của thanh niên và chính sách của Nhà nước đối với thanh niên; về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước đối với thanh niên./.                      

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục