Đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với quy định của Bộ luật Hình sự

Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, việc sửa đổi, bổ sung sung Điều 3 của Luật là cần thiết và phù hợp, thống nhất với quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, ngày 14/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2020 với 90,48% đại biểu tán thành.

Theo Nghị quyết, Quốc hội giao Chính phủ giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước và mức phân bổ ngân sách Trung ương cho từng bộ, cơ quan Trung ương và từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo đúng quy định của pháp luật và thông báo bằng văn bản đến từng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Nghị quyết cũng nêu rõ trước ngày 30/11/2019, Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2020 theo tổng mức vốn đã được Quốc hội quyết định cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; đồng thời, trước ngày 31/12/2019 các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ chi tiết mức vốn kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2020, danh mục, mức vốn bố trí của từng dự án cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc và Ủy ban nhân dân cấp dưới, gửi phương án phân bổ chi tiết cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo Chính phủ và theo dõi thực hiện.

Quốc hội thảo luận hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã tham gia giải trình, làm rõ thêm ý kiến của đại biểu Quốc hội về hai dự án luật trên. Thảo luận tại hội trường, đa số ý kiến của các đại biểu bày tỏ sự đồng tình cao với tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ của Chính phủ trình Quốc hội.

Các đại biểu cho rằng, ở Việt Nam công tác quản lý vũ khí quân dụng là hết sức chặt chẽ, tuy nhiên, nhu cầu sử dụng vũ khí quân dụng để thực hiện các hành vi phạm tội, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm sử dụng bạo lực không hề giảm. Do đó, tội phạm đã sử dụng các loại vũ khí tự chế có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng để gây án.

Giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định, các đại biểu đã đóng góp các ý kiến rất xác đáng, xuất phát từ những vấn đề vướng mắc trong thực tiễn quản lý, sử dụng, đấu tranh với các hành vi vi phạm quy định pháp luật về quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, việc sửa đổi, bổ sung sung Điều 3 của Luật là cần thiết và phù hợp, thống nhất với quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, nhằm kịp thời khắc phục những khó khăn, vướng mắc, không để khoảng trống pháp luật trong việc xử lý hình sự đối với những hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép, chiếm đoạt vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

[Không để khoảng trống xử lý hình sự với hành vi dùng vũ khí tự chế]

Về phạm vi sửa đổi bổ sung, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, các ý kiến cơ bản nhất trí với phạm vi sửa đổi, bổ sung của Luật như trong tờ trình, đồng thời đề nghị nghiên cứu, sửa đổi thêm các quy định về trang bị, quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Theo Bộ trưởng Bộ Công an, Mục tiêu xây dựng dự án Luật này là nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 để có căn cứ pháp lý trong việc xử lý hình sự đối với các hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ và vận chuyển, sử dụng trái phép, chiếm đoạt, vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng.

Vì vậy, phạm vi sửa đổi khoản 2 và khoản 6 Điều 3 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ là phù hợp. Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Các đại biểu cho rằng quy định Chính phủ quyết định khu kinh tế ven biển được miễn thị thực với người nước ngoài khi đáp ứng đủ 3 điều kiện là còn quá lỏng lẻo và thiếu các bằng chứng thuyết phục.

Quy định này sẽ làm tăng nguy cơ về quốc phòng an ninh, nhất là khi miễn thị thực không phải là giải pháp tối ưu để thu hút khách du lịch, mà thu hút khách du lịch phải bằng sản phẩm du lịch, bảo tồn văn hóa, di sản văn hóa và tạo môi trường tốt, an toàn. Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội.

Đa số đại biểu tán thành với việc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân phường tại thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021- 2026.

Các đại biểu đánh giá, nội dung của dự thảo Nghị quyết cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của dự thảo Nghị quyết với hệ thống pháp luật.

Việc Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân phường trong năm 2019 sẽ tạo sự chủ động cho Chính phủ, chính quyền thành phố Hà Nội trong việc chuẩn bị nhân sự, tổ chức Đại hội đảng bộ cấp phường nhiệm kỳ 2020-2025, tiến tới bầu cử Hội đồng Nhân dân các cấp và kiện toàn Ủy ban Nhân dânphường nhiệm kỳ 2021-2026 trên địa bàn thành phố Hà Nội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục