Bánh trung thu – Khai thác từ giá trị truyền thống tới tâm lý người dùng

Còn gần 2 tuần lễ nữa rằm Trung thu tới. Bánh Trung thu là một trong những đặc trưng làm nên ngày lễ này. Năm nay, bên cạnh những nhãn hàng bánh Trung thu nổi tiếng thì sự lên ngôi của bánh Trung thu truyền thống, bánh trung thu handmade được làm từ nguyên liệu sạch, từ các loại hạt, hương hoa được người bán khai thác tối đa.

Chú thích ảnh
Bánh trung thu handmade. Ảnh: HA

Bánh trung thu truyền thống vẫn soán ngôi

Cách đây từ nửa tháng, tại nhiều vỉa hè Hà Nội, các gian hàng bày bán các bánh trung thu từ các thương hiệu như: Kinh Đô, Thu Hương, Hữu Nghị… được thiết lập. Tại các con phố như Khuất Duy Tiến, Phạm Hùng, Nguyễn Chí Thanh, Trần Nhân Tông, Trần Thái Tông… đều có các gian hàng của các thương hiệu bánh từ bình dân đến cao cấp. Mặc dù kiểu dáng và màu sắc đã được nhà sản xuất cải tiến khá lịch sự nhưng số lượng người mua khá thưa vắng.

Chị Nguyễn Thị Thương (phố Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) chia sẻ: “Mẫu mã của bánh trung thu hiện nay khá đa dạng và đẹp. Chỉ cần 200 nghìn đồng đã có một hộp bánh đẹp rồi. Còn loại tiền triệu, hàng cao cấp, tôi không mua được. Nhưng chất lượng mới là điều chúng tôi lo lắng hơn cả. Do đó, tôi vẫn tìm đến những cơ sở sản xuất truyền thống hơn là các bánh của công ty”.

Khác hẳn với tình trạng bày bán nhan nhản nhưng ít người mua, tại các cửa hàng bánh có thương hiệu truyền thống như: Bảo Phương (phố Thụy Khuê), Ninh Hương (Hàng Điếu) vẫn đông người qua lại mua. Đặc biệt, vào dịp cuối tuần, người mua phải xếp hàng chờ tới lượt. Những chiếc bánh truyền thống có giá dao động từ 50.000 đồng -80.000 đồng được được nhiều người lựa chọn. Tại đây, người tiêu dùng có thể chọn các loại nhân như: thập cẩm, trứng, đỗ xanh, hạt sen…

Chị Hà Thị Vân Hiền (phố Lý Nam Đế, Hà Nội) chia sẻ: “Đã từng ăn các bánh của khách sạn hoặc các nước nhưng tôi nhận thấy bánh trung thu truyền thống vẫn mang một đặc trưng riêng. Dịp Trung thu là dịp con cháu mang bánh biếu, tặng ông bà, bố mẹ. Đó lại là những lớp người thích vị bánh truyền thống. Để đảm bảo “an toàn” khi tặng, tôi vẫn tìm đến cửa hiệu Ninh Hương ở Hàng Điếu để chọn bánh biếu ông bà, họ hàng”.

Tuy nhiên, xu hướng người tiêu dùng 1, 2 năm trở lại đây lại tìm đến những chiếc bánh trung thu truyền thống nhưng đảm bảo các tiêu chí về nguyên liệu sạch. Đây cũng là một thách thức đối với những người bán.

Chị Vân Hiền cho biết: “Bánh Trung thu thường rất ngọt và đa dạng nguyên liệu. Trong khi, chúng tôi mua giờ cũng hướng tới những loại bánh giảm ngọt, nguyên liệu tươi, ngon, không chất bảo quản, không GMO (chất biến đổi gen). Nhưng hiếm nhà sản xuất nào cam kết được 100% điều này”.

Độc đáo bánh trung thu handmade

 

Chú thích ảnh
Một thành phẩm của bánh trung thu handmade tại tiệm Happy Kitchen. Ảnh: HA

Bên cạnh những cơ sở sản xuất lớn, có thương hiệu, truyền thống thì với xu hướng tiêu dùng nguyên liệu sạch, nhiều bạn trẻ lại tìm cách cải biến mẫu mã chiếc bánh trung thu. Với hình thức bán hàng qua mạng xã hội, online, đi kèm với những bài giới thiệu giải đáp băn khoăn tâm lý người tiêu dùng như: Nguyên liệu lấy từ đâu? Khuôn truyền thống? Hộp gói bánh thân thiện với môi trường?...

Bánh trung thu handmade với nguyên liệu hữu cơ là sản phẩm mà 5 năm nay chủ của hàng Happy Kitchen theo đuổi. Anh Trường Vũ cho biết: “Bánh trung thu truyền thống có một vị rất riêng, đặc biệt, nhưng nguyên liệu hữu cơ thì không có đủ. Để đảm bảo nguyên liệu sạch, bánh trung thu mà tiệm Happy Kitchen ra mắt 5 năm nay là những chiếc bánh được làm từ bột mỳ hữu cơ, các loại hạt và hương hoa tự nhiên.

Bánh trung thu của bếp Happy Kitchen năm nay bao gồm: Bánh 100g có 4 vị: cam nhài, cherry, macca, tinh than tre và hỗn hợp quả sấy; Bánh 40g (1 bộ 4 cái) có 4 vị: cam nhài, cherry, macca, tinh than tre và hỗn hợp quả sấy… Anh Trường Vũ, bếp trưởng của Happy Kitchen cho biết: “Những chiếc bánh được làm thủ công, không chất bảo quản để được ở ngoài 5 ngày và trong tủ lạnh 1 tháng. Qua vài năm tôi mới hình thành được công thức riêng cho chiếc bánh trung thu vừa kết hợp được nguyên liệu truyền thống và nguyên liệu hiện đại. Hương vị dịu, nhẹ và có mùi thơm của hoa, quả tự nhiên”. Được biết, năm ngoái tiệm Happy Kitchen sản xuất hàng nghìn chiếc bánh. Chủ cửa hàng cho biết, không dám nhận thêm đơn hàng vì nhân lực có hạn và làm thủ công phải coi trọng chất lượng là trên hết.

Mùa trung thu năm nay, cửa hàng “Trại Cá” cho ra đời set bánh trung thu thân thiện với môi trường. Mỗi chiếc bánh trung thu truyền thống được đóng góp trong hộp tre đan từ nghệ nhân lành nghề. Túi bọc bên ngoài là chiếc túi thêu hình cá vàng chúc phúc từ nghệ nhân làng thêu Thường Tín.

Chị Phương Liên (một khách hàng của Trại Cá) cho biết: “Nhìn hình thức của cặp bánh cá vàng thôi đã thấy sự sang chảnh. Tôi mang đi biếu được khen là độc đáo và ngon”.

Từ hình thức được chú trọng đến nội dung được chủ cửa hàng quan tâm. Nguyên liệu chiếc bánh được cửa hàng đặt ở tiệm bánh Gia Trịnh truyền thống của Hà Nội. Còn khuôn bánh được nghệ nhân đúc khuôn gỗ ở Hà Nội là ông Phạm Văn Quang vẽ và cung cấp.

Chị Hồng Mỹ, chủ cửa hàng Trại Cá cho rằng, sản phẩm bánh trung thu của Trại cá đều có những nét riêng, khác hẳn với những sản phẩm công nghiệp.

Có lẽ, với những khác biệt, tỉ mẩn mà lại gần gũi này lại là một xu hướng được ưa chuộng ở các thành phố lớn.

Clip làm bánh handmade tại tiệm Happy Kitchen: 

 

HA/ Báo Tin fức
Thị trường bánh Trung thu: Mập mờ 'mua 1 tặng 1'
Thị trường bánh Trung thu: Mập mờ 'mua 1 tặng 1'

Chỉ còn khoảng gần 2 tuần nữa mới đến Tết Trung thu, thế nhưng các cửa hàng bán bánh trung thu tại TP Hồ Chí Minh đã treo bảng giảm giá hoặc khuyến mãi "mua 1 tặng 1".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN