Ủy ban châu Âu ghi nhận những kết quả trong việc chống khai thác hải sản trái phép

Ngày 14/11, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã làm việc với Đoàn kiểm tra của Ủy ban châu Âu (EC) về việc chống khai thác hải sản trái phép, không khai báo, không theo quy định (IUU).

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng. Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN

Đoàn kiểm tra của EC do bà Veronika Veits, Giám đốc Cơ quan quản trị đại dương quốc tế và nghề cá bền vững, Tổng vụ các vấn đề biển và thủy sản của EC làm Trưởng đoàn. Trong 10 ngày qua, đoàn đã có nhiều cuộc làm việc với các bộ, ngành, địa phương ven biển.

Dự cuộc tiếp về phía Việt Nam có lãnh đạo các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Công an, Ngoại giao và Văn phòng Chính phủ.

Tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định: Cả hệ thống chính trị của Việt Nam từ Trung ương đến địa phương đã tập trung vào cuộc, triển khai quyết liệt giải pháp khắc phục các khuyến nghị của EC. Trong đó, xác định rõ nhiệm vụ ngăn chặn, chấm dứt tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài và công tác chứng nhận, xác nhận nguồn gốc hải sản khai thác là nhiệm vụ trọng tâm.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Chủ trương của Việt Nam là thực hiện chính sách phát triển nghề cá hiện đại bền vững, có trách nhiệm; phòng, chống và sớm chấm dứt hoàn toàn các hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

Thời gian qua, lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương thường xuyên đi kiểm tra, làm việc để cùng với các địa phương triển khai có hiệu quả các nhóm giải pháp chống khai thác IUU. Qua đó, nhận thức của ngư dân về tầm quan trọng và ý nghĩa của vấn đề này đã có những chuyển biến lớn. Các biện pháp cụ thể về lắp đặt trang thiết bị trên các tàu cá; kiểm soát, giám sát tàu cá đất liền khi về cảng cũng được triển khai tích cực.

Hiện nay, tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển thuộc các quốc gia Thái Bình Dương bị bắt giữ, xử lý, đã chấm dứt. Tuy nhiên, việc chấm dứt hoàn toàn khai thác IUU cần nhiều thời gian, đặc biệt là quyết tâm và sự vào cuộc của chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ với EC và các quốc gia thành viên.

Thời gian tới, Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục kiên trì xây dựng kế hoạch, chiến lược với nhiều giai đoạn để khắc phục được các vấn đề còn tồn tại trong quản lý, cơ sở vật chất cũng như nhận thức của ngư dân. Theo đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành liên quan tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, đặc biệt là một số quy định liên quan đến việc kiểm soát, xử lý tàu cá vi phạm IUU trong nước và kiểm soát tàu cá nước ngoài cập cảng nhập khẩu nguyên liệu thủy sản từ khai thác.

Bên cạnh đó, tổ chức đánh giá nguồn lợi thủy sản, đảm bảo khai thác cân bằng giữa cường lực khai thác và nguồn lợi thủy sản, giảm dần số lượng tàu khai thác, đảm bảo quy mô đội tàu khai thác phù hợp với nguồn lợi.

Chính phủ đã yêu cầu các địa phương ven biển triển khai nhiều giải pháp quyết liệt hơn nữa để thực hiện các khuyến nghị của EC. Trong đó đặc biệt tập trung công tác lắp thiết bị giám sát hành trình (VMS), đặc biệt là nhóm tàu từ 24 m trở lên; nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát tàu cá và sản lượng thủy sản bốc dỡ tại cảng. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giải thích pháp luật cho người dân.

Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng mong đoàn công tác sẽ có những đánh giá tích cực, sát với nỗ lực triển khai các giải pháp chống IUU của Việt Nam.

Phó Thủ tướng đề nghị EC chia sẻ những khó khăn, sự khác biệt giữa Việt Nam và EU trong việc thực thi pháp luật, năng lực quản lý nghề cá nhiệt đới đa loài của Việt Nam, sinh kế của ngư dân...dẫn đến ngư trường bị thu hẹp; ủng hộ, hợp tác trong việc nâng cao năng lực, hỗ trợ kỹ thuật và tuyên truyền cho ngư dân.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Đoàn thanh tra EC ủng hộ xem xét những nỗ lực tích cực của Việt Nam để sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU.

Phát biểu tại buổi tiếp, bà Veronika Veits, Giám đốc Cơ quan quản trị đại dương quốc tế và nghề cá bền vững, Tổng vụ các vấn đề biển và thủy sản của EC, Trưởng đoàn kiểm tra, khẳng định các cuộc làm việc trong 10 ngày qua là rất cụ thể; hợp tác, thông tin được chia sẻ minh bạch, hai bên trao đổi với nhau rất thẳng thắn. Cá nhân bà và các thành viên trong đoàn ấn tượng với những kết quả Việt Nam đã đạt được trong thực hiện các khuyến nghị của EC.

Theo đó, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã nhìn rõ trách nhiệm của mình, cả hệ thống chính trị khẳng định cam kết và quyết tâm mạnh mẽ chống khai thác IUU. Việc lãnh đạo Chính phủ, các Bộ ngành thường xuyên làm việc với các địa phương sẽ giúp thúc đẩy cấp cơ sở cùng hành động.

Bà Veronika Veits cũng cho rằng, cùng với sự thay đổi nhận thức của các cấp chính quyền, thì sự vào cuộc của người dân là hết sức quan trọng để đảm bảo triển khai đồng nhất, hài hòa, toàn diện các giải pháp chống khai thác IUU mà Chính phủ đã đề ra. Theo Trưởng đoàn kiểm tra EC, với rất nhiều nỗ lực, Việt Nam đã xây dựng được khung khổ pháp lý hoàn thiện, phù hợp với chuẩn mực quốc tế về chống đánh bắt IUU, trong đó có Luật Thuỷ sản và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

Trên cơ sở đó, đoàn kiểm tra EC kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành, đặc biệt là các địa phương tiếp tục nỗ lực để triển khai nghiêm túc các quy định của pháp luật đã có. Trong đó, cấp tỉnh và Trung ương cần tăng cường giám sát, kiểm tra việc triển khai, thực hiện của cơ sở.

Đoàn kiểm tra EC cũng đề nghị Việt Nam cần quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai các giải pháp hiệu quả để chống tàu thuyền của ngư dân khai thác hải sản trái phép tại vùng biển các quốc gia khác, bởi đây là mấu chốt trong việc tháo gỡ  “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam.

Muốn vậy, bà Veronika Veits cho rằng, cần nhanh chóng lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá, đặc biệt là các tàu lớn, có chiều dài trên 24 m, đồng thời có chế tài nghiêm khắc đối với việc cố tình vi phạm các quy định về việc sử dụng thiết bị định vị.

Bà Veronika Veits cũng hoàn toàn đồng tình với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc phải tái cơ cấu lại đội tàu, đảm bảo năng lực khai thác phù hợp với nguồn lợi hải sản. Bên cạnh đó, cần tái cơ cấu lại sản xuất của ngành theo hướng khuyến khích ngư dân chuyển đổi từ khai thác sang nuôi trồng hải sản.

Xuân Tùng (TTXVN)
Các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp
Các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp

Để góp phần khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định) của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản Việt Nam, tỉnh Ninh Thuận đang triển khai quyết liệt các giải pháp ngăn chặn tàu cá vi phạm khai thác thủy sản ở vùng biển nước ngoài và các hành vi khai thác bất hợp pháp khác.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN