Kêu gọi cộng đồng hiểu đúng về bệnh đái tháo đường

Số 7 - Điều kỳ diệu đối với những bệnh nhân đái tháo đường

Số 7 trong chiến dịch mang ý nghĩa kêu gọi cộng đồng hiểu đúng về bệnh đái tháo đường nhằm chủ động tầm soát sớm - kiểm soát đường huyết chặt chẽ.
Số 7 - Điều kỳ diệu đối với những bệnh nhân đái tháo đường ảnh 1Xét nghiệm máu tầm soát cho bệnh nhân đái tháo đường. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo báo cáo mới nhất, Việt Nam có khoảng 3,5 triệu người sống chung với đái tháo đường (tính tới năm 2017). Trong đó, theo kết quả nghiên cứu quốc gia năm 2015 của Bộ Y tế, tỷ lệ người bị bệnh nhưng chưa được chẩn đoán là 69%. Tỷ lệ bệnh nhân chưa được quản lý bệnh lên tới 71%.

Nguyên nhân chính là do nhận thức của người dân về bệnh còn hạn chế nên chưa tuân thủ việc kiểm soát và điều trị, nhận thức và năng lực của cơ sở y tế chưa tốt nên mới chỉ tập trung vào hoạt động thăm khám, cung cấp thuốc mà chưa có các tư vấn tăng nhận thức cho người bệnh trong việc tự quản lý bệnh. Đây là thách thức lớn trong mục tiêu kiểm soát căn bệnh đái tháo đường ở Việt Nam.

Thông tin trên được đưa ra trong chương trình sinh hoạt Câu lạc bộ bệnh nhân nhằm tăng nhận thức về việc kiểm soát và điều trị căn bệnh đái tháo đường, diễn ra ngày 14/11, do Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam phối hợp cùng Bệnh viện Trung ương Huế và Viện nghiên cứu Dược phẩm Servier Việt Nam (Servier Việt Nam) tổ chức tại Huế.

[140.000 người nhiễm HIV đang điều trị bằng thuốc kháng virus]

Chương trình sinh hoạt Câu lạc bộ với chủ đề “Số 7 - Điều kỳ diệu của bệnh nhân đái tháo đường” đặt mục tiêu năng cao nhận thức cho bệnh nhân, giúp họ chủ động kiểm soát và quản lý bệnh, tăng hiệu quả điều trị lâu dài và phòng ngừa biến chứng.

Thông qua chủ đề “Số 7 - Điều kỳ diệu của bệnh nhân đái tháo đường,” chương trình truyền tải thông điệp về ý nghĩa và tầm quan trọng của con số 7. Theo đó, đối với bệnh nhân đái tháo đường, việc duy trì chỉ số HbA1C - chỉ số phản ánh tình trạng kiểm soát đường huyết liên tục trong 3 tháng - nhỏ hơn hoặc bằng 7% là vô cùng quan trọng bởi đây chính là mức duy trì hiệu quả điều trị lâu dài cho bệnh nhân đái tháo đường, giúp trì hoãn biến chứng.

Số 7 trong chiến dịch mang ý nghĩa kêu gọi cộng đồng hiểu đúng về bệnh đái tháo đường nhằm chủ động tầm soát sớm - kiểm soát đường huyết chặt chẽ.

Chương trình bao gồm các hoạt động tầm soát đái tháo đường do Khoa Nội tiết (Bệnh viện Trung ương Huế) thực hiện, tham gia lễ hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống đái tháo đường và nghe các chuyên gia nội tiết-đái tháo đường chia sẻ các chủ đề về quản lý bệnh, tư vấn chế độ ăn và sử dụng insulin (một loại hormone được tiết ra từ các tế bào β (beta) ở tuyến tụy) hợp lý trong điều trị đái tháo đường.

Phát biểu tại buổi sinh hoạt, giáo sư Trần Hữu Dàng - Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam cho biết, việc kiểm soát đường huyết chặt chẽ của bệnh nhân đái tháo đương vô cùng quan trọng trong đó mức HbA1c là chỉ số đại diện cho mức đường huyết trung bình trong 3 tháng. Theo 1 nghiên cứu tại Anh, chỉ cần giảm mức HbA1c 1% sẽ giúp giảm mạnh các nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ, đoạn chi… Để tự kiểm soát, bệnh nhân cần trang bị những kiến thức vững chắc về bệnh. Đó là lý do chương trình của năm nay chỉ để nhấn mạnh với các bệnh nhân và người nhà của họ về sự quan trọng và ý nghĩa của con số 7 trong việc điều trị bệnh lý đầy thách thức này của Việt Nam.

Số 7 - Điều kỳ diệu đối với những bệnh nhân đái tháo đường ảnh 2Giáo sư Trần Hữu Dàng - Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo thống kê mới nhất của Hiệp hội Đái tháo đường Thế giới (International Diabetes Federation – IDF), năm 2017, thế giới có khoảng 425 triêu người mắc bệnh đái tháo đường. Con số này ước tính sẽ tăng lên 629 triệu người vào năm 2045. Đặc biệt, tỉ lệ mắc đái tháo đường đang tăng nhanh chóng ở các nước thu nhập thấp và trung bình.

Đến với chương trình sinh hoạt “Số 7 - Điều kỳ diệu của bệnh nhân đái tháo đường,” các bệnh nhân cũng như người nhà bệnh nhân sẽ được phổ biển những kiến thức phổ thông về bệnh lý đái tháo đường, cách tự chăm sóc, điều trị tại nhà và phát hiện những biến chứng của bệnh, tầm quan trọng của việc hợp tác và tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sỹ. Sự thay đổi nhận thức của người bệnh cũng sẽ đóng vai trò quan trọng giúp bệnh viện quản lý và điều trị tốt bệnh nhân ngoại trú, giảm số lượng bệnh nhân nhập viện, giảm bớt gánh nặng gia đình và xã hội, nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân đái tháo đường./.

Ngày Thế giới phòng chống Đái tháo đường – được khởi xướng bởi Tổ chức y tế thế giới (WHO) và Hiệp hôi Đái tháo đường thế giới (IDF) lần đầu tiên năm 1991 và được sự hưởng ứng của nhiều Hiệp hội Đái tháo đường trên hơn 160 quốc gia cùng các tổ chức, cá nhân, nhân viên y tế.

Mục đích của ngày Thế giới phòng chống Đái tháo đường nhằm nâng cao nhận thức của công đồng về bệnh lý đái tháo đường, tăng cường tầm soát để sớm phát hiện và điều trị bệnh, gia tăng hiểu biết giúp người bệnh quản lý chặt chẽ bệnh.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục