Công bố ứng dụng giúp bác sỹ chẩn đoán, điều trị đái tháo đường

Trên toàn thế giới có 425 triệu người lớn (từ 20-79) đang sống với bệnh đái tháo đường trong năm 2017. Chi phí y tế đối với đái tháo đường ở người trưởng thành chiếm 12% chi phí y tế toàn cầu.
Công bố ứng dụng giúp bác sỹ chẩn đoán, điều trị đái tháo đường ảnh 1Lấy máu xét nghiệm cho bệnh nhân. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đái tháo đường là một bệnh không lây nhiễm đang gia tăng tại Việt Nam, là gánh nặng cho bệnh nhân, gia đình họ đồng thời là gánh nặng kinh tế cho Chính phủ.

Ứng dụng Hành trình cho bệnh đái tháo đường là một công cụ hữu ích cho các bác sỹ, đặc biệt là cán bộ y tế tuyến y tế cơ sở, giúp hiểu rõ hơn về điều trị căn bệnh này.

Thông tin trên được Cục Quản lý Khám chữa bệnh đưa ra tại buổi giới thiệu công cụ ứng dụng công nghệ số “Ứng dụng Hành trình bệnh đái tháo đường (Diabetes Journey),” diễn ra chiều 14/11, tại Hà Nội.

[Dịch HIV/AIDS tại Việt Nam tiếp tục giảm trên nhiều tiêu chí]

Tại Việt Nam, theo số liệu của IDF Diabetes Atlas, có 3,5 triệu người mắc bệnh đái tháo đường và con số này được dự báo sẽ tăng lên 6,3 triệu vào năm 2045. Số liệu cũng cho thấy cứ 10 bệnh nhân thì gần 6 người bị biến chứng do đái tháo đường.

Căn bệnh này sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến nhiều người Việt Nam hơn khi dân số già đi vì người từ 40 tuổi trở lên có nguy cơ mắc đái tháo đường cao gấp hai lần so với những người ở độ tuổi thấp hơn.

Điều trị bệnh đái tháo đường là một quá trình phức tạp. Việc triển khai giải pháp kỹ thuật số này là một phần của Bản ghi nhớ giữa Cục Quản lý Khám chữa bệnh và Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam về giáo dục sức khỏe.

Diabetes Journey là một ứng dụng kỹ thuật số đơn giản trên điện thoại di động, được xây dựng dựa trên các hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, các hướng dẫn liên quan được Bộ Y tế phê duyệt như: hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường típ 2, danh mục thuốc, hướng dẫn sử dụng thuốc…

Ứng dụng Hành trình bệnh đái tháo đường không chỉ đưa ra chỉ dẫn về chẩn đoán khách quan mà còn đề xuất các lựa chọn điều trị theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường tại Việt Nam để bác sỹ quyết định lựa chọn.

Ông Mikkel Lyndrup - Tham tán Y tế, Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam cho biết: Ứng dụng Diabetes Journey hỗ trợ đưa ra quyết định đơn giản nhằm cung cấp lời khuyên minh bạch cho nhân viên y tế điều trị bệnh nhân đái tháo đường tuyp 2. Ứng dụng sử dụng các hướng dẫn và chứng cứ lâm sàng để khuyến nghị một cách khách quan điều trị tốt nhất để các nhân viên y tế có thể cân nhắc, hướng đến các lựa chọn điều trị cá thể hoá lý tưởng cho các bệnh nhân.

Công bố ứng dụng giúp bác sỹ chẩn đoán, điều trị đái tháo đường ảnh 2Giao diện và hướng dẫn của phần mềm. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ứng dụng này đã được triển khai ở một số nước có tình trạng bệnh đái tháo đường tương tự như Việt Nam.

Tại buổi giới thiệu, đại diện Bộ Y tế nhấn mạnh, sự gia tăng bệnh đái tháo đường trên toàn thế giới dường như không dừng lại và cần phải chung tay để ngăn chặn sự phát triển của bệnh.

Đái tháo đường là một trong những vấn đề cấp bách y tế toàn cầu lớn nhất của thế kỷ 21, làm chậm lại quá trình phát triển kinh tế, cản trở quá trình đạt mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Chi phí y tế đối với đái tháo đường ở người trưởng thành chiếm 12% chi phí y tế toàn cầu.

Trên toàn thế giới có 425 triệu người lớn (từ 20-79) đang sống với bệnh đái tháo đường trong năm 2017. Dự đoán con số này sẽ gia tăng tới khoảng 629 triệu người, hay nói cách khác 1 người trong 10 người lớn sẽ có bệnh đái tháo đường vào năm 2045. Tuy nhiên có đến một nửa số người đái tháo đường không được chẩn đoán./.

Ngày Đái tháo đường thế giới tổ chức hàng năm vào ngày 14 tháng 11 (được thiết lập và tổ chức bởi Hiệp hội Đái tháo đường thế giới và Tổ chức Y tế thế giới từ năm 1991).

Ngày này được ra đời nhằm đáp lại sự quan tâm ngày càng tăng về mối đe dọa sức khỏe leo thang do bệnh đái tháo đường trên khắp thế giới và đã trở thành một ngày chính thức của Liên Hiệp Quốc vào năm 2006.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục