Việt Nam-Hà Lan đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp

Doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp cận, học hỏi, nhận chuyển giao kỹ thuật, công nghệ sản xuất khi Hà Lan và Việt Nam có điểm chung là tiềm năng phát triển nhóm sản phẩm rau củ, hoa và trái cây.
Chế biến dứa tại Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, thành phố Tam Điệp, Ninh Bình. (Ảnh: Thùy Dung/TTXVN)
Chế biến dứa tại Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, thành phố Tam Điệp, Ninh Bình. (Ảnh: Thùy Dung/TTXVN)

Tại Hội thảo hợp tác kinh doanh nông nghiệp Hà Lan-Việt Nam do Ban quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Hiệp hội Hợp tác kinh doanh nông nghiệp Hà Lan-Việt Nam tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 14/11, các chuyên gia ghi nhận, hai quốc gia có điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực này, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao.

Bà Mirjam Boekestijn - Thư ký Hiệp hội hợp tác kinh doanh Nông nghiệp Hà Lan-Việt Nam, cho biết sản xuất nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng của cả hai quốc gia. Do đó, hai nước có tiềm năng thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp nhờ lợi thế mang tính bổ sung cho nhau.

Việt Nam có diện tích canh tác nông nghiệp lớn, điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sự phát triển của nhiều loại cây trồng khác nhau nên chủng loại nông sản đa dạng. Hà Lan có thế mạnh, kinh nghiệm về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Mặc dù Hà Lan có diện tích tự nhiên nhỏ, đất dành cho nông nghiệp cũng hạn chế nhưng đang là quốc gia xuất khẩu nông sản, thực phẩm lớn thứ hai trên thế giới với sản lượng rau củ quả chiếm tới 24% sản lượng và hơn 80% sản lượng củ giống.

Để có được sản lượng lớn như vậy, ngành nông nghiệp Hà Lan đã đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, công nghệ để đạt năng suất cao hơn nhiều lần so với sản xuất truyền thống.

Gần 20 năm trở lại đây, số người tham gia vào sản xuất nông nghiệp giảm dần nhưng tổng diện tích sản xuất lại tăng lên và có xu hướng sản xuất quy mô ngày càng lớn, luôn đi trước đón đầu công nghệ sản xuất. Điều này giúp nâng cao năng suất lao động, gia tăng đáng kể sản lượng nông sản.

Các doanh nghiệp nông nghiệp Hà Lan chia sẻ thành quả của ngành nông nghiệp Hà Lan không chỉ nhờ việc đầu tư công nghệ sản xuất mà còn do tập trung xây dựng chuỗi giá trị sản xuất hoàn chỉnh.

Với mỗi loại sản phẩm, các doanh nghiệp đều tự đầu tư hoặc liên kết nhiều thành viên có thể chủ động từ giống đến vật tư, trang trại, công nghệ, thu hoạch, chế biến và phát triển thị trường. Nhờ đó, kiểm soát được chất lượng đầu vào và đầu ra của sản phẩm, đáp ứng tốt nhất yêu cầu của khách hàng.

[Hà Lan chia sẻ kinh nghiệm phát triển lĩnh vực trồng trọt tại Việt Nam]

Ông Đinh Minh Hiệp - Trưởng ban Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết nông sản Việt Nam đang có nhiều cơ hội phát triển thị trường xuất khẩu khi tham gia các hiệp định thương mại tự do nhưng điểm yếu của nông nghiệp Việt Nam là sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và khó kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm.

Muốn tận dụng cơ hội mở rộng thị trường và phát triển bền vững, trước hết cần tổ chức lại khâu sản xuất theo hướng tập trung, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng và giảm giá thành. Do đó, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang là lĩnh vực ưu tiên trong nông nghiệp đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh và để phát triển nông nghiệp Việt Nam.

Điểm chung của nông nghiệp Hà Lan và Việt Nam là tiềm năng phát triển nhóm sản phẩm rau củ, hoa và trái cây. Chính vì vậy, việc đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp nông nghiệp hàng đầu Hà Lan là cơ hội tốt để doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận, học hỏi, nhận chuyển giao kỹ thuật, công nghệ sản xuất tiên tiến; đặc biệt, trong các khâu quan trọng như nghiên cứu sản xuất giống, thu hoạch, bảo quản và chế biến.

Nhiều doanh nghiệp chia sẻ, hiện hai rào cản lớn nhất trong triển khai sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Việt Nam là tập trung đất đai và nguồn vốn đầu tư cơ sở ban đầu.

Các ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp chỉ có thể thực hiện khi trang trại có diện tích đủ rộng chứ không thể áp dụng cho các nông hộ sản xuất nhỏ, hơn nữa việc đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng cho nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi chi phí rất lớn.

Vì vậy, để thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhà nước cần tạo điều kiện để doanh nghiệp tích tụ đất đai hoặc tổ chức cho nông dân liên kết sản xuất; đồng thời giúp doanh nghiệp tiếp cận tốt hơn các nguồn đầu tư tài chính phát triển dự án nông nghiệp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục