Kinh tế tuần hoàn giúp Việt Nam giảm rác thải, phát triển bền vững

Kinh tế tuần hoàn nhìn từ ''cuộc cách mạng tái chế'' ở Thụy Điển

Đại sứ Thụy Điển Ann Måwe cho rằng trong nền kinh tế tuần hoàn, mọi thứ đều là nguồn tài nguyên, rác cũng là tài nguyên. Vì thế, Thụy Điển sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam.
Kinh tế tuần hoàn nhìn từ ''cuộc cách mạng tái chế'' ở Thụy Điển ảnh 1Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng về cạn kiệt tài nguyên

Theo đánh giá của giới chuyên gia Thủy Điển, việc chuyển từ mô hình kinh tế truyền thống sang kinh tế tuần hoàn sẽ giúp Việt Nam ứng phó với sự cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và hướng tới nền kinh tế phát triển bền vững.

Tuy nhiên, một trong những trở ngại lớn nhất của Việt Nam trong việc áp dụng mô hình này đó là vấn đề quản lý thu gom và tái chế tài nguyên rác, được coi là nguyên liệu đầu vào trong mô hình kinh tế tuần hoàn còn nhiều bất cập.

Những rào cản kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam

Tại hội thảo “Thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn ít phát thải khí carbon tại Việt Nam - từ kinh nghiệm của Thụy Điển” diễn ra sáng 12/11, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.

Vì thế, thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn chính là việc chuyển đổi phù hợp mà Việt Nam đang hướng tới vì mục tiêu phát triển bền vững.

Trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng cường tái chế, tái sử dụng để ạo điều kiện cho phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn.

Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025 nhằm hình thành nên ngành công nghiệp môi trường, có thể đáp ứng được các nội dung của kinh tế tuần hoàn.

[Hà Nội chìm trong màn ‘‘sương đục’’: Bộ TN-MT đưa ra cảnh báo cao nhất]

Nhờ đó, gần đây, ở Việt Nam đã xuất hiện một số mô hình mới hướng đến gần hơn với kinh tế tuần hoàn như: Mô hình khu công nghiệp sinh thái tại Ninh Bình, Cần Thơ và Đà Nẵng, giúp tiết kiệm 6,5 triệu USD/năm; mô hình chế biến phụ phẩm thủy sản; liên minh tái chế bao bì Việt Nam…

Tuy nhiên, theo đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, thách thức với Việt Nam hiện nay là các doanh nghiệp còn hạn chế về năng lực công nghệ tái chế, tái sử dụng; thói quen cố hữu trong sản xuất và tiêu dùng của xã hội hiện nay đổi với nhiều sản phẩm để sử dụng như túi nylon, sản phẩm nhựa dùng một lần. 

Tại hội thảo, các chuyên gia nước ngoài cũng nhận định một trong những trở ngại lớn nhất của Việt Nam trong việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn đó là vấn đề quản lý thu gom và tái chế tài nguyên rác-nguyên liệu đầu vào mô hình.

Đáng chú ý là lượng rác thải của Việt Nam được dự báo sẽ tăng gấp đôi trong vòng chưa đầy 15 năm tới. 

Hiện nay, tỷ lệ tái chế rác thải của Việt Nam chỉ đạt dưới 10% tổng lượng chất thải. Một lượng chất thải đáng kể đang được chôn trực tiếp tại các bãi chôn lấp hoặc xả ra biển. Với 13 triệu tấn chất thải thải ra biển mỗi năm, Việt Nam đứng thứ 17 trên thế giới và thứ 5 châu Á về ô nhiễm chất thải nhựa đại dương. 

Vì thế, “qua hội thảo này, Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn tăng cường hợp tác với các cơ quan của Thụy Điển-quốc gia hàng đầu thế giới về quản lý, tái chế chất thải và phát triển kinh tế tuần hoàn để học hỏi kinh nghiệm trong việc tích hợp chính sách, hợp tác giữa khu vực công và tư để có cái nhìn toàn diện về nền kinh tế tuần hoàn,” ông Nhân nhấn mạnh.

Kinh tế tuần hoàn nhìn từ ''cuộc cách mạng tái chế'' ở Thụy Điển ảnh 2Đại sứ Thuỵ Điển tại Việt Nam Ann Måwe cho biết Thụy Điển sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam

Học gì từ “cuộc cách mạng tái chế” của Thụy Điển?

Chia sẻ tại hội thảo, Đại sứ Thuỵ Điển tại Việt Nam Ann Måwe cho rằng trong nền kinh tế tuần hoàn, mọi thứ đều là nguồn tài nguyên, rác cũng là tài nguyên. Hiện nay, những doanh nghiệp đã triển khai mô hình này đang dần minh chứng cho hiệu quả chi phí của việc tái sử dụng tài nguyên so với khai thác mới từ đầu.

Đặc biệt, việc áp dụng mô hình tuần hoàn trên sẽ giúp các doanh nghiệp đã cắt giảm được chi phí sản xuất cũng như hạ giá thành sản phẩm và mang lại lợi ích cho người tiêu dùng. “Tôi mong rằng những thay đổi trên sẽ tiếp thêm động lực cho các doanh nghiệp Việt Nam,” đại sứ Ann Måwe nhấn mạnh.

Theo bà Ann Måwe, Thụy Điển là một trong những quốc gia hàng đầu trên thế giới về quản lý và tái chế chất thải. Trong “cuộc cách mạng tái chế” hơn hai thập kỷ qua, tỷ lệ chất thải tái chế của các hộ gia đình tăng từ 38% năm 1975 lên 99% hiện nay và chỉ còn 1% chất thải được chuyển đến các bãi rác.

Rất nhiều chất thải được tái chế và sử dụng cho các mục đích khác như khí sinh học và năng lượng. Nhờ đó, Thụy Điển hiện đã trở thành một nhà nhập khẩu rác thải với trên 2,3 triệu tấn chất thải được nhập khẩu mỗi năm.

“Kinh tế tuần hoàn, hiểu theo cách đơn giản có nghĩa là giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế. Điều này có nghĩa là phương thức tiêu thụ cũng thay đổi. Vì thế, Thụy Điển sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam,” bà Ann Måwe nhấn mạnh.

Tại hội thảo, Tetra Pak Việt Nam, nhà cung cấp giải pháp chế biến và đóng gói thực phẩm đến từ Thụy Điển cũng đã chia sẻ hành trình tiến đến nền kinh tế tuần hoàn ít phát thải carbon của công ty thông qua việc tiên phong trong nhiều sáng kiến bảo vệ môi trường kể từ khi xây dựng thương hiệu tại Việt Nam.

[Tham vấn ý kiến về dự án Luật Bảo vệ môi trường và Luật Đất đai]

Ông Jeffrey Fielkow, Giám đốc Điều hành Tetra Pak Việt Nam cho rằng không nên xem các vấn đề môi trường như là biến đổi khí hậu hay rác thải một cách riêng lẻ mà cần phải nhìn các vấn đề trong một tổng thể thống nhất.

Để giải quyết được vấn đề này, theo ông Jeffrey Fielkow, cần phải đạt được mô hình kinh tế tuần hoàn mở trong đó không chỉ là vấn đề tái chế, tái sử dụng mà còn phải tính cả tác động của carbon trong nguyên liệu và sản xuất.

Ông cũng khẳng định Tetra Pak Việt Nam đang hướng tới việc mang đến những giải pháp tạo ra ít phát thải carbon nhất, cho hiệu quả cao nhất, giảm thiểu tác động của hoạt động kinh doanh tới môi trường và cùng với các đối tác triển khai tái sinh những sản phẩm của mình.

Trước thềm hội thảo, tháng 6/2019, Tetra Pak cũng đã hợp tác với tám công ty hàng đầu khác trong lĩnh vực hàng tiêu dùng và bao bì thành lập Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) với mong muốn thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua việc đẩy mạnh quá trình thu gom và tái chế bao bì sản phẩm.

Trên phạm vi toàn cầu, Tetra Pak đặt mục tiêu giảm 42% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030 và cam kết sử dụng 100% điện năng tái tạo./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục