Hà Nội: Tiềm ẩn nguy cơ về an toàn thực phẩm từ thức ăn đường phố

Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, qua thanh tra 50 cơ sở bán thức ăn đường phố, đặc biệt là cửa hàng đồ nướng, lấy mẫu, kiểm nghiệm về chất gây ung thư, tỷ lệ dương tính lên đến 11,8%.
Hà Nội: Tiềm ẩn nguy cơ về an toàn thực phẩm từ thức ăn đường phố ảnh 1Kiểm tra an toàn thực phẩm với sản phẩm giò. Ảnh minh họa.(Nguồn: TTXVN)

Phát hiện 11,8% mẫu thức ăn (đồ nướng) đường phố dương tính với chất gây ung thư là thông tin được bà Nguyễn Thị Xuân Thu - Phó Trưởng phòng Y tế quận Nam Từ Liêm cho biết tại buổi tọa đàm về “Triển khai thanh tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại Hà Nội - Thuận lợi và thách thức.”

Tọa đàm do Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội tổ chức mới đây.

Theo bà Nguyễn Thị Xuân Thu, triển khai công tác thanh tra chuyên ngành, trong tháng 10/2019, quận Nam Từ Liêm đã tập trung thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm dịch vụ ăn uống đồ nướng trên địa bàn quận.

Qua thanh tra tại 50 cơ sở, lấy mẫu, kiểm nghiệm về chất gây ung thư, tỷ lệ dương tính lên đến 11,8%.

Để đáp ứng nhu cầu của người dân, đặc biệt một bộ phận giới trẻ, các quán nướng vỉa hè phát triển mạnh trên địa bàn thành phố và được đông đảo thực khách lựa chọn.

Tuy nhiên, nguyên liệu không rõ nguồn gốc, quá trình sơ chế qua loa, khâu vệ sinh dụng cụ tạm bợ… là những mối nguy hại tiềm ẩn từ đồ nướng vỉa hè.

Các quán nướng tập trung nhiều trên những tuyến phố như Ngọc Lâm (quận Long Biên), Đại Cồ Việt (quận Hai Bà Trưng), Nguyễn Thái Học (quận Ba Đình)…, luôn đông khách vào các buổi chiều tối.

[Hà Nội nhân rộng mô hình tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát]

Thực phẩm gồm đủ loại từ chân gà, nầm, lòng, dạ dày, cổ hũ… đến tôm, cua, cá, mực được tẩm ướp phụ gia trông rất bắt mắt. Tuy thực phẩm được chế biến ngay trên vỉa hè bụi bặm nhưng các bạn trẻ vẫn rất thích thú và không mấy quan tâm đến việc có an toàn hay không.

Theo bà Hoàng Thị Minh Thu - Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, nội tạng là nguyên liệu đòi hỏi phải sơ chế, rửa thật sạch, nếu làm qua loa, những loại ký sinh trùng và vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể, gây nên một số loại bệnh nguy hiểm như bệnh tả, viêm gan, thương hàn, tiêu chảy…

Do đó khó khẳng định các nguyên liệu nội tạng và các loại rau củ, nguyên liệu đã được các quán đồ nướng vỉa hè sơ chế kỹ càng, bảo quản đúng cách hay chưa.

Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy từ đầu năm đến tháng 8/2019, toàn quốc đã xảy ra 42 vụ ngộ độc thực phẩm với 1.372 người mắc, 1.361 người phải nhập viện, 9 người tử vong.

Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo người tiêu dùng khi chưa chắc chắn về chất lượng thực phẩm, người tiêu dùng không nên sử dụng thực phẩm tại những nơi không bảo đảm vệ sinh.

Để giảm thiểu nguy cơ ngộ độc có nguyên nhân từ thức ăn đường phố, cơ quan chức năng cần quy hoạch các khu ăn uống cho người bán hàng, đồng thời tăng cường kiểm tra chất lượng thực phẩm vỉa hè, kiên quyết xử lý những đối tượng vi phạm an toàn thực phẩm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục