Hội thảo tham vấn Dự thảo Báo cáo đánh giá Hệ sinh thái quốc gia

Những năm gần đây, đa dạng sinh học ở Việt Nam bị suy thoái với tốc độ rất nhanh, diện tích các khu vực có các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng bị thu hẹp dần, nhiều nguồn gene hoang dã thất thoát.
Loài thực vật My Điểm Hồng Nam Động mới được phát hiện tại Khu bảo tồn các loài hạt trần quý hiếm Nam Động, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN)
Loài thực vật My Điểm Hồng Nam Động mới được phát hiện tại Khu bảo tồn các loài hạt trần quý hiếm Nam Động, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN)

Ngày 6/11, tại Hà Nội, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học, Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (WWF) tổ chức Hội thảo tham vấn quốc gia và đối thoại các bên về Dự thảo Báo cáo đánh giá Hệ sinh thái quốc gia và bản Tóm tắt chính sách về dịch vụ hệ sinh thái.

Hội thảo có sự tham dự của gần 100 đại biểu là chuyên gia, nhà khoa học đến từ các Bộ, ngành liên quan, các viện, trường đại học, các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế.

Dự thảo Báo cáo đánh giá Hệ sinh thái quốc gia và bản Tóm tắt chính sách về dịch vụ hệ sinh thái là hai trong số các sản phẩm chính của Dự án “Hỗ trợ xây dựng năng lực để giải quyết các mối quan hệ giữa khoa học-chính sách-thực tiễn,” được triển khai tại 8 nước Azerbaijan, Bosnia and Herzegovina, Campuchia, Cameroon, Colombia, Ethiopia, Grenada và Việt Nam thông qua Trung tâm Quan trắc Bảo tồn Thế giới của Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP-WCMC) từ năm 2017-2020.

Tại Việt Nam, Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) phối hợp với Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cùng Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (WWF) triển khai các hoạt động của Dự án.

Tại hội thảo, tiến sỹ Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cho biết, Hội thảo có sự tham gia của đông đảo các nhà quản lý, các nhà khoa học, các nhà thực tiễn cùng các chuyên gia trong nước và quốc tế.

Đây là cơ hội để các bên chia sẻ, học hỏi lẫn nhau về các công cụ, cách tiếp cận, phương pháp luận và các dữ liệu cần thiết để tham vấn hoàn thiện dự thảo Báo cáo đánh giá hệ sinh thái quốc gia và bản Tóm tắt chính sách về dịch vụ hệ sinh thái.

Đặc biệt là mối liên kết giữa khoa học-chính sách và thực tiễn; lồng ghép đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái vào các kế hoạch, chiến lược liên quan của quốc gia.

Hội thảo đặt ra các mục tiêu: Tham vấn về dự thảo Báo cáo đánh giá Hệ sinh thái quốc gia và bản Tóm tắt chính sách về dịch vụ hệ sinh thái; Tăng cường sự hợp tác giữa ba nhà (nhà quản lý, nhà khoa học và nhà thực tiễn) trong quá trình ra quyết định và phát triển chính sách; Tăng cường năng lực và sự tham gia của các đối tác khác nhau vào quá trình đánh giá hệ sinh thái, đánh giá tác động chính sách và đề xuất các phương án thực hiện; Chia sẻ các công cụ, cách tiếp cận và phương pháp luận về đánh giá hệ sinh thái quốc gia trên cơ sở hướng dẫn của Khung Liên quốc gia về đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái.

Trong những thập kỷ gần đây, nhân loại đã quan tâm nhiều đến vấn đề phát triển bền vững dựa vào hệ sinh thái, tiếp cận dựa vào hệ sinh thái để quản lý và bảo tồn đa dạng sinh học, quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội dựa vào các hệ sinh thái.

Việc nghiên cứu hệ sinh thái đã trở thành công cụ quan trọng trong việc đánh giá và kiểm soát các tác động đến môi trường trong quá trình phát triển nông nghiệp, công nghiệp, du lịch và dịch vụ phục vụ đời sống con người, đòi hỏi chúng ta phải có cách tiếp cận đầy đủ, chính xác và hệ thống về chức năng hay dịch vụ của các hệ sinh thái.

Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước.

Bảo tồn đa dạng sinh học là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác bảo vệ môi trường được đề cập đến trong Văn kiện của các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc.

Chính phủ đã ban hành khung pháp lý tương đối đầy đủ liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học.

[Thúc đẩy liên kết hệ sinh thái vùng với hệ sinh thái quốc gia, quốc tế]

Là thành viên của nhiều điều ước quốc tế về đa dạng sinh học với nhiều cam kết quốc tế đã được luật hóa, Việt Nam cần học hỏi, chia sẻ những kinh nghiệm, năng lực xây dựng và thực hiện chính sách liên quan đến công tác bảo tồn đa dạng sinh học với các quốc gia trên thế giới.

Vì vậy, Việt Nam cần nghiên cứu, xây dựng và áp dụng các công cụ mới, cách tiếp cận mới để đạt được các mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về đa dạng sinh học giai đoạn 2011-2020.

Tiến sỹ Lại Minh Hiền, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học nhận định, Việt Nam được biết đến như là một trung tâm đa dạng sinh học của thế giới với các hệ sinh thái tự nhiên phong phú và đa dạng; nhiều loài hoang dã, đặc hữu quý hiếm; nhiều nguồn gene có giá trị...

Đa dạng sinh học và hệ sinh thái đã, đang cung cấp các dịch vụ, nhu cần thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày của con người, đóng góp đáng kể vào nền kinh tế quốc dân.

Những năm gần đây, đa dạng sinh học ở Việt Nam đang bị suy thoái với tốc độ rất nhanh. Diện tích các khu vực có các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng bị thu hẹp dần. Số loài và số lượng cá thể của các loài hoang dã bị suy giảm mạnh.

Nhiều loài hoang dã có giá trị bị suy giảm về số lượng hoặc bị đe dọa tuyệt chủng ở mức cao. Các nguồn gene hoang dã đang trên đà suy thoái nhanh và thất thoát nhiều.

Suy thoái đa dạng sinh học dẫn đến mất cân bằng sinh thái, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của con người, đe dọa sự phát triển bền vững của đất nước.

Để duy trì và phát triển bền vững các hệ sinh thái có giá trị, cần phải nghiên cứu và áp dụng cách tiếp cận mới, các công cụ kinh tế trong quản lý, bảo tồn nhằm đánh giá các hệ sinh thái và dịch vụ của chúng để xác định các nhu cầu thiếu hụt trong công tác quản lý, xác định các công cụ hỗ trợ chính sách.

Báo cáo đánh giá Hệ sinh thái quốc gia sẽ cung cấp cơ sở bằng chứng nhằm đáp ứng các nhu cầu cho các nhà hoạch định chính sách của các ngành liên quan, tăng cường năng lực thông qua mối liên kết khoa học-chính sách-thực tiễn, thúc đẩy việc lồng ghép đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái vào quá trình xây dựng chính sách, quy hoạch của các lĩnh vực liên quan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục