EU thay đổi mô hình hành động để ngăn chặn di cư bất hợp pháp

Theo báo cáo do Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) vừa công bố, các chính sách của châu Âu nhằm đối phó với tình trạng di cư bất thường không hoạt động hiệu quả.
EU thay đổi mô hình hành động để ngăn chặn di cư bất hợp pháp ảnh 1Tàu Aquarius cập cảng Catania thuộc đảo Sicily, Italy sau chiến dịch cứu hộ người di cư trên Địa Trung Hải tháng 3/2017. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Mặc dù số lượng người di cư bất hợp pháp vào châu Âu hiện nay đã giảm đáng kể so với cuộc khủng hoảng năm 2015, vấn đề di cư vẫn luôn tồn tại và gây ra nhiều tranh cãi cũng như bất hòa giữa các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU).

Theo báo cáo do Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) vừa công bố, các chính sách của châu Âu nhằm đối phó với tình trạng di cư bất thường không hoạt động hiệu quả.

Báo cáo nhấn mạnh rằng các nhà hoạch định chính sách "cần thay đổi cách tiếp cận của họ." Ví dụ, chính sách của Thủ tướng Pháp Edouard Philippe ủng hộ tăng cường viện trợ công để phát triển các quốc gia mà người di cư rời bỏ, không phải là "lựa chọn đúng đắn."

Báo cáo của UNDP cảnh báo rằng "kiểu tiếp cận này gửi một tín hiệu xấu đến các cử tri châu Âu khi khiến họ tin rằng các chiến lược như vậy sẽ có hiệu quả lâu dài."

Các chuyên gia UNDP đã dựa vào các cuộc phỏng vấn với hơn 1.900 người di cư châu Phi đang sống tại 13 quốc gia châu Âu nhằm tìm hiểu lý do thực sự của họ khi rời bỏ quê hương.

Theo báo cáo, người di cư có độ tuổi trung bình là 24 khi đặt chân đến châu Âu. Họ có trình độ học vấn khá cao với tỷ lệ 43% đã hoàn thành phổ thông trung học. Gần 50% trong số họ đang có việc làm khi quyết định rời đi. Tất cả những yếu tố này có thể đưa đến suy luận rằng sự phát triển của các nước châu Phi đã khuyến khích phong trào di cư. Do đó, các tác giả của nghiên cứu đã bác bỏ thực tế rằng "có thể giảm di cư bằng các biện pháp chính trị."

Tuy vậy, thực tế cho thấy những khoản tiền lớn lên đến hàng tỷ USD mà EU chi trả trong những năm qua cho một số nước được coi là nơi quá cảnh như Thổ Nhĩ Kỳ hay Niger đã góp phần giảm dòng người nhập cư bất hợp pháp.

Về phần mình, các nước Đức, Pháp và Italy cũng cung cấp những khoản trợ giúp không nhỏ, giúp các lực lượng vũ trang của các nước quá cảnh có đủ năng lực để bắt giữ những kẻ buôn người và trao trả người di cư cho Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM).

Người di cư sau đó có quyền lựa chọn giữa việc tiếp tục hành trình - có nguy cơ bị bắt trở lại hoặc tệ hơn - và việc hồi hương.

Cần thay đổi mô hình hành động

Chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron dự định sẽ đưa ra một kế hoạch mới về vấn đề nhập cư. Dưới sức ép của những lời chỉ trích trong và ngoài nước, Thủ tướng Edouard Philippe thông báo sẽ chính thức công bố những biện pháp mới vào giữa tháng 11 tới.

Trong số các biện pháp dự kiến sẽ có việc hạn chế diện nhập cư theo gia đình, siết chặt hơn việc cung cấp số an sinh xã hội để tránh sự lạm dụng, tăng cường giám sát việc trợ cấp người xin tị nạn.

Một số biện pháp khác cũng đang được xem xét như tạo điều kiện cho người tị nạn tiếp cận thị trường lao động và mở rộng danh sách các công việc dành cho người nước ngoài không có quốc tịch EU, tăng tốc độ xử lý các thủ tục xin tị nạn...

[EU bất đồng về thỏa thuận tiếp nhận người di cư tạm thời]

Tuy nhiên, việc áp dụng đơn giản các luật hiện hành là chưa đủ. Chính sách của Pháp dường như chưa quyết liệt đấu tranh chống lại nạn nhập cư bất hợp pháp khi không cương quyết trục xuất những người không giấy tờ, trong khi những người nhập cư hợp pháp lại phải xếp hàng dài trong mệt mỏi để có được giấy phép cư trú. Theo các nhà phân tích, Pháp cần thay đổi mô hình hành động theo 3 biện pháp sau đây.

Thứ nhất, những người xin tị nạn từ các quốc gia được coi là "an toàn," chẳng hạn như Albania, sẽ không được nộp đơn xin tị nạn tại Pháp, mà phải ở đất nước họ tại lãnh sự Pháp gần nhất.

Tương tự như vậy, cần phải thành lập các trung tâm tị nạn ngoài khơi, không chỉ trong các trại tị nạn của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn, mà còn tại các quốc gia xuất phát và quá cảnh, để những người di cư, bất kể họ đến từ đâu, không cần phải đặt chân lên lãnh thổ châu Âu để xin tị nạn. Những người di cư vào EU bất hợp pháp bằng đường biển hoặc đường bộ sau đó có thể bị chặn và chuyển đến các trung tâm ngoài khơi này.

Thứ hai, phải thiết lập một hệ thống quản lý nhập cư hợp pháp, đơn giản, hiệu quả và trên hết là đáng tin cậy. Trên thực tế, cần phân biệt giữa nhập cư hợp pháp và bất hợp pháp. Điều bắt buộc là tạo ra một tình trạng cư trú thực sự, với thẻ cư trú có giá trị trong thời hạn của hợp đồng lao động, học tập hoặc nghiên cứu từ nước ngoài.

Tương tự, nên cấp thẻ thường trú cho những người nước ngoài có trình độ cao, như những nhà quản lý của các công ty đa quốc gia, nhà khoa học hoặc nghệ sỹ nổi danh. Điều này sẽ tránh cho người nước ngoài phải liên tục gia hạn giấy phép cư trú và sẽ tránh được sự cám dỗ xin nhập quốc tịch để có quyền ở lại vĩnh viễn. Hệ thống này, được áp dụng rộng rãi và hiệu quả tại các quốc gia phát triển như Canada hoặc Nhật Bản, sẽ giảm nhẹ gánh nặng quản lý giấy tờ của các địa phương và cho phép họ tập trung vào việc đấu tranh chống lại nạn nhập cư bất hợp pháp.

Cuối cùng, cần phải kiên quyết trục xuất tất cả những người di cư không giấy tờ. Khi đó tất cả những nỗ lực đầu tư vào chính sách thị thực, biên giới và tị nạn sẽ được giảm nhẹ nếu những người nhập cư bất hợp pháp vào EU chỉ là thiểu số. Một quốc gia sẽ không có khả năng quản lý nhập cư nếu không có chính sách hiệu quả hồi hương người nhập cư bất hợp pháp. Vấn đề là các quốc gia xuất phát nhập cư không cấp đầy đủ giấy thông hành lãnh sự. Do đó, một biện pháp tạm thời là phải ký thỏa thuận với nước thứ ba để tất cả những người nhập cư bất hợp pháp, đến từ các nước không đồng ý nhận họ trở về, có thể được chuyển đến các trại tị nạn được xây dựng ở nước thứ ba, theo mô hình của Australia với trại Nauru. Đây là một giải pháp có lợi cho cả Pháp - khi người di cư bất hợp pháp bị trục xuất - và cả nước thứ ba - cung cấp việc làm kèm theo hỗ trợ tài chính.

Hơn nữa, người di cư sẽ được di chuyển đến một nơi tạm trú an toàn tuyệt đối. Chính sách này là một sự răn đe mạnh mẽ, như đã được Australia chứng minh, góp phần giảm mạnh nạn di cư bất hợp pháp cũng như số người chết trên biển.

Theo nhiều chuyên gia, ba biện pháp trên sẽ chấm dứt tình trạng nhập cư bất hợp pháp đầy nhức nhối và cho phép tiếp nhận những người tị nạn thực sự trong điều kiện tốt hơn nhiều so với hiện nay. Cuộc sống của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Pháp sẽ thoải mái hơn nhiều, giúp họ dễ dàng hòa nhập xã hội nhanh hơn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục