Dinh dưỡng đầu đời - Bài cuối: 1.000 ngày vàng

Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy trong 1.000 ngày vàng (từ khi thụ thai đến khi trẻ được 2 tuổi), trẻ được nuôi dưỡng đúng cách sẽ có hệ miễn dịch tốt và phát huy hết tiềm năng về thể chất và trí tuệ trong tương lai.

Dinh dưỡng đúng cách sẽ giảm 20% nguy cơ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi. Trẻ sẽ có chỉ số thông minh cao hơn, khả năng học tập tốt hơn và thu nhập cao hơn khi trưởng thành.

Giai đoạn phát triển thể chất, tinh thần tối ưu

Chú thích ảnh
Sữa mẹ từ Ngân hàng sữa mẹ (Bệnh viện Từ Dũ Thành phố Hồ Chí Minh) được dành tặng cho trẻ sinh non. Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN

Các nhà nhi khoa, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đều nhấn mạnh 1.000 ngày đầu đời là giai đoạn rất quan trọng, quyết định cho sự phát triển thể chất và tinh thần cho trẻ em. Giai đoạn này quyết định đến 60% khả năng tăng trưởng chiều cao của trẻ trong tương lai. Bên cạnh đó, bộ não con người dù phát triển và thay đổi trong suốt cuộc đời, nhưng giai đoạn phát triển trí não nhanh, quan trọng nhất là 3 tháng cuối của thai kỳ và 2 năm đầu đời của trẻ.

Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế) Lê Doanh Tuyên chia sẻ, việc nuôi dưỡng trẻ em ở giai đoạn nhỏ sẽ quyết định sự phát triển về sau này. Nếu trẻ bị thấp còi khi còn nhỏ, khi trưởng thành cũng sẽ thấp. Nếu trẻ phát triển tốt khi còn nhỏ sẽ trở thành một người trưởng thành cao lớn. Ví dụ nếu đứa trẻ 2 tuổi suy dinh dưỡng nặng thì dù sau đó có được nuôi dưỡng tốt như thế nào đi nữa thì đến khi trưởng thành cũng chỉ cao được khoảng 1,57 - 1,58 m; nếu suy dinh dưỡng vừa thì chỉ cao được đến 1,65m, nhưng nếu trẻ được cung cấp dinh dưỡng tốt từ nhỏ thì có thể cao đến 1m72, đúng như tiềm năng gen được quy định cho người châu Á. Do đó, những trẻ còi cọc, suy dinh dưỡng trong khoảng “1.000 ngày vàng” dù có được điều trị tích cực, đúng đắn sau này cũng không thể hồi phục hoàn toàn những di chứng thể chất và tinh thần.

Bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết: Thực tế cho thấy, nếu chúng ta chỉ cần đầu tư 1 USD chi phí dinh dưỡng cho trẻ trong 1.000 ngày đầu đời thì tương lai sẽ thu lại được 18 USD. Ngược lại, không được đảm bảo dinh dưỡng, thì ngay từ tấm bé, trẻ đã bị ảnh hưởng tiêu cực về sức khỏe, thể chất, học lực… còn hệ lụy về sau là năng suất lao động kém, dễ mắc bệnh tật, nghỉ hưu sớm, tuổi thọ thấp…

Cải thiện dinh dưỡng cho bà mẹ và thực hành ăn bổ sung cho trẻ

Theo UNICEF, ở Việt Nam, phụ nữ và trẻ nhỏ đang chịu nhiều gánh nặng về suy dinh dưỡng. Cụ thể là, hiện có tới 10,3% phụ nữ bị nhẹ cân; 23,9% có tầm vóc thấp bé; 25,5% thiếu máu; 9,8% chị em bị thừa cân hoặc béo phì.

Trong thời kỳ mang thai và cho con bú, nhu cầu dinh dưỡng của người mẹ tăng lên đáng kể dẫn tới 33% bị thiếu máu, 80% bị thiếu kẽm… Những phụ nữ khi mang thai mà nhẹ cân hoặc thiếu hụt chất dinh dưỡng, các em bé sinh ra có nguy cơ tử vong cao hơn, dễ mắc bệnh, bị thấp còi, suy giảm trí tuệ và sau này dễ mắc các bệnh tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch…

Còn đối với trẻ em, tình trạng suy dinh dưỡng, thấp còi tăng cao nhanh chóng khi trẻ đến giai đoạn 6 tháng tuổi. Do lúc này sữa mẹ không thể cung cấp đủ nhu cầu năng lượng, protein, vitamin, khoáng chất. Trong khi đó việc cho trẻ ăn bổ sung lại không được chú ý đầy đủ hoặc thực hiện không hợp lý… Kết quả là có khoảng 24% trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi bị thấp còi; 5,8% gầy còm; 28% thiếu máu; 5,9,% trẻ bị thừa cân…

Chế độ dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời của trẻ phụ thuộc vào từng mốc giai đoạn: Bà mẹ mang thai (270 ngày), nuôi con bằng sữa mẹ và chế độ ăn bổ sung (365 ngày - nuôi con năm thứ nhất) và chế độ ăn của trẻ từ 1 - 2 tuổi (365 ngày - nuôi con năm thứ 2).

Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia Lê Doanh Tuyên nhấn mạnh, bà mẹ phải ăn uống tốt trong giai đoạn 1.000 ngày vàng, đặc biệt là giai đoạn mang thai và 6 tháng cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ vì khi đó chất dinh dưỡng sẽ qua sữa để nuôi dưỡng trẻ.

Khi trẻ đến giai đoạn 6 tháng tuổi, lúc này sữa mẹ đơn thuần không thể cung cấp đủ nhu cầu năng lượng, protein, vitamin và khoáng chất cho trẻ thì việc cho trẻ ăn bổ sung hợp lý cùng với việc chăm sóc và phòng bệnh đầy đủ có thể giúp trẻ tăng trưởng, phát triển tối ưu, phòng ngừa thấp còi, thiếu hụt vitamin và khoáng chất.

Việc bắt đầu cho ăn uống bổ sung là cơ hội quan trọng để trẻ hình thành thói quen ăn uống lành mạnh suốt cuộc đời, đảm bảo cho trẻ không bị mắc các bệnh không lây nhiễm như: Tiểu đường, tăng huyết áp, động mạch vành… sau này.

Quá trình thực hành ăn bổ sung, cha mẹ, người chăm sóc trẻ cần cung cấp đầy đủ các nhóm thực phẩm: tinh bột (gạo, khoai tây..), đạm động vật (trứng, thịt, tôm, cua, cá…), dầu mỡ, rau củ, hoa quả tươi cho trẻ và tiếp tục duy trì cho trẻ bú sữa mẹ.

Nỗ lực giải quyết suy dinh dưỡng trẻ em

Thực hành ăn bổ sung ở trẻ em Việt Nam hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn do người chăm sóc trẻ chủ yếu là mẹ, trong khi có tới 70% phụ nữ phải đi làm nên thiếu thời gian chuẩn bị thức ăn lành mạnh cho con; khả năng chi trả cho các thực phẩm lành mạnh; thực hành vệ sinh và điều kiện vệ sinh kém; thiếu sự kiểm soát tiếp thị các loại sữa; các sản phẩm chế biến sẵn tràn lan trên thị trường…

Bên cạnh đó, cơ hội 1.000 ngày vàng hiện chưa được gia đình, người chăm sóc trẻ và xã hội quan tâm đúng mức.

Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, Chiến lược dinh dưỡng trong giai đoạn tới sẽ tiếp tục tập trung ưu tiên giải quyết vấn đề  "gánh nặng kép về dinh dưỡng". Đó là giảm suy dinh dưỡng thấp còi, cải thiện thể lực và nâng cao tầm vóc của trẻ em Việt Nam, đồng thời phòng chống thừa cân béo phì, các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng. Các hoạt động can thiệp sẽ tập trung vào cơ hội quý giá nhất trong đời người đó là giai đoạn 1.000 ngày đầu đời của trẻ.

Để cải thiện thực hành ăn bổ sung và dinh dưỡng bà mẹ ở Việt Nam, các chiến lược truyền thông thay đổi hành vi dinh dưỡng sáng tạo cần được xây dựng; tăng cường các can thiệp dinh dưỡng thiết yếu như bổ sung đa vi chất, thực phẩm tăng cường vi chất cho bà mẹ và trẻ em. Các đơn vị chức năng cần khuyến khích doanh nghiệp sản xuất thực phẩm giàu dinh dưỡng, hạn chế quảng cáo và kiểm soát nhãn hàng thực phẩm không lành mạnh; nâng cao năng lực của cán bộ dinh dưỡng.

Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam Rana Flowers cho biết, UNICEF sẽ hỗ trợ Việt Nam xây dựng các hoạt động truyền thông mạnh mẽ, đặc biệt liên quan đến thực hành cho ăn bổ sung ở trẻ em một cách đúng đắn để thay đổi thói quen cho ăn bổ sung đối với trẻ em.

UNICEF sẽ hợp tác chặt chẽ với Bộ Y tế, Viện Dinh dưỡng để giúp đỡ, cải thiện vấn đề suy dinh dưỡng, đặc biệt đối với trẻ em có chỉ số dinh dưỡng kém, trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng núi phía Bắc…; nâng cao kỹ năng, vai trò của cộng đồng trong việc bổ sung các vi chất dinh dưỡng; giúp đỡ các bà mẹ mang thai có một chế độ dinh dưỡng hợp lý…

UNICEF đề nghị nên thực hiện dán nhãn và ghi các thông tin trên thực phẩm đảm bảo tính chính xác, dễ sử dụng với người tiêu dùng; áp dụng thuế đối với việc sử dụng đường trong các thực phẩm đồ ăn, thức uống nước giải khát, dùng kinh phí này tái đầu tư vào hệ thống y tế, từ đó giải quyết vấn đề suy dinh dưỡng tại Việt Nam.

Minh Huệ (TTXVN)
Dinh dưỡng đầu đời - Bài 1: Chế độ ăn uống ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ
Dinh dưỡng đầu đời - Bài 1: Chế độ ăn uống ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ

Dinh dưỡng của trẻ dưới 1 tuổi có ý nghĩa quan trọng và ảnh hưởng tới sức khỏe, quá trình phát triển của trẻ trong năm đầu đời. Nếu trẻ được chăm sóc nuôi dưỡng đầy đủ, hợp lý sẽ phát triển tốt, ít ốm đau bệnh tật và ngược lại, trẻ sẽ ốm yếu, kém phát triển nếu dinh dưỡng không hợp lý.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN