Siêu dự án sân bay Long Thành: Phương án thu hồi vốn có khả thi?

Khả năng huy động vốn của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam để đầu tư Sân bay Long Thành sẽ thế nào? Liệu đơn vị này có đủ kinh nghiệm, năng lực để thi công và phương án tài chính có khả thi?
Phương án thiết kế kiến trúc sân bay Long Thành. (Nguồn ảnh: ACV)
Phương án thiết kế kiến trúc sân bay Long Thành. (Nguồn ảnh: ACV)

Nếu được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 và cuối năm nay Chính phủ phê duyệt, đầu năm 2021, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) sẽ khởi công dự án sân bay Long Thành.

Trong trường hợp ACV được phê duyệt tham gia đầu tư chính trong dự án này, khả năng huy động vốn của đơn vị này sẽ như thế nào? Liệu AVC có đủ kinh nghiệm, năng lực để thi công và phương án tài chính có khả thi?

Tại sao AVC được chọn?

Trong báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 vừa trình Quốc hội, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép ACV đầu tư 3/4 hạng mục quan trọng.

Cụ thể, hạng mục các công trình trụ sở cơ quan quản lý Nhà nước sẽ giao ACV là nhà đầu tư-khai thác cảng đầu tư, sau đó cho các cơ quan quản lý Nhà nước thuê. Hạng mục các công trình thiết yếu của cảng hàng không dự kiến giao cho ACV trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp. Hạng mục các công trình dịch vụ đề xuất giao nhà đầu tư, khai thác cảng (ACV) hợp tác đầu tư, nhượng quyền đầu tư, khai thác hoặc xã hội hóa đầu tư.

Riêng các công trình phục vụ quản lý bay sẽ giao cho Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp.

[Cảng hàng không Long Thành được đầu tư theo phương án nào?]

Lý giải về việc lựa chọn ACV là doanh nghiệp đầu tư xây dựng Cảng hàng không Long Thành, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên ACV cho rằng, ACV là đơn vị có tiềm lực kinh tế, có kinh nghiệm trong việc đầu tư xây dựng mới Cảng hàng không Phú Quốc và các dự án đầu tư mở rộng, cải tạo các Cảng hàng không lớn như Tân Sơn Nhất, Nội Bài,... Đặc biệt ACV là doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 95,4% cố phần, đang quản lý, khai thác 21/22 cảng hàng không của cả nước.

Ông Thanh cũng chỉ ra mô hình đầu tư cảng hàng không của một số nước trên thế giới theo nguyên tắc một cảng hàng không-một nhà đầu tư, khai thác. Theo đó, trong một cảng hàng không, chỉ có một nhà đầu tư-khai thác thực hiện đồng bộ tất cả các hạng mục thiết yếu như khu bay,  ga hành khách, ga hàng hóa...

Đặc biệt, ông nhấn mạnh đến vai trò Nhà nước trong việc đầu tư, khai thác các cảng hàng không quốc tế trực tiếp bằng vốn Nhà nước, vốn các doanh nghiệp Nhà nước hoặc gián tiếp qua vốn của doanh nghiệp Nhà nước nắm cổ phần chi phối.

“Việc kiến nghị lựa chọn ACV là nhà đầu tư, khai thác Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 là phù hợp với thông lệ quốc tế, giúp Nhà nước chủ động điều hành, quyết định các nhiệm vụ quan trọng, thực hiện công cụ điều tiết vĩ mô phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; đảm bảo an ninh, an toàn tại Cảng hàng không cửa ngõ quốc gia,” vị Chủ tịch ACV khẳng định.

Theo phương án phân chia khai thác được Cục Hàng không Việt Nam chấp thuận để xây dựng báo cáo khả thi dự án, Cảng hàng không Long Thành sẽ phục vụ 80% số chuyến bay và lượng khách quốc tế của khu vực Hồ Chí Minh. Điều này đồng nghĩa với việc chia sẻ sản lượng hành khách và tàu bay quốc tế của Tân Sơn Nhất sang Long Thành ngay khi cảng hàng không này đưa vào khai thác.

“Như vậy, Cảng hàng không Long Thành cùng với Tân Sơn Nhất là một hệ thống tương hỗ và không thể tách rời,” người đứng đầu ACV đánh giá.

Giải bài toán vốn và sinh lời?

Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Long Thành giai đoạn 1 có nhu cầu vốn hơn 111.600 tỷ đồng (4,7 tỷ USD). Dự kiến, từ nay đến năm 2025, ACV bố trí được vốn chủ sở hữu 36.607 tỷ đồng (khoảng 1,5 tỷ USD), chiếm 37% tổng vốn đầu tư dự án này.

Với số vốn ACV phải đi vay khoảng hơn 2,6 tỷ USD, vừa qua, ACV đã làm việc với các ngân hàng trong nước và quốc tế, các quỹ đầu tư và và ký các biên bản thoả thuận hợp tác về thu xếp vốn với tổng giá trị đề xuất hơn 5 tỷ USD, thời gian vay 15 năm, thời gian ân hạn 5 năm, lãi suất trung bình dự kiến khoảng 5-5,5%/năm mà không có bão lãnh của Chính phủ.

[Cách nào để huy động 4,7 tỷ USD làm sân bay Long Thành giai đoạn 1?]

Theo phương án tài chính, nếu được giao là nhà đầu tư, khai thác, hàng năm ACV sẽ có thêm nguồn thu từ 2.390-4.780 tỷ đồng (tương đương 100-200 triệu USD) để nộp ngân sách Nhà nước hoặc tích lũy đầu tư phát triển các cảng hàng không như Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Điện Biên, Nà Sản, Lai Châu… phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.

“Báo cáo nghiên cứu khả thi của nhóm tư vấn và của ACV cho thấy, dự án sẽ thu hồi vốn trong vòng 12 năm 10 tháng. Những chỉ số về phương án tài chính hết sức khả thi bởi theo kế hoạch 2025 đưa vào khai thác thì lượt khách thông qua đã đạt 22-23 triệu (so với công suất thiết kế giai đoạn 1 là 25 triệu khách). Chưa kể, nguồn doanh thu từ dịch vụ hàng không, đặc biệt là dịch vụ phi hàng không tại nhà ga ở các sân bay lớn trên thế giới có lợi nhuận chiếm tới 83%,” người đứng đầu ACV đưa ra con số.

Siêu dự án sân bay Long Thành: Phương án thu hồi vốn có khả thi? ảnh 1Phối cảnh Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành. (Nguồn ảnh: ACV)

Cho rằng đặc thù giá dịch vụ hàng không đối với hành khách và chuyến bay quốc tế do Bộ Giao thông Vận tải quy định đang gấp từ 4-5 lần so với nội địa, ông Thanh phân tích, việc ACV không được đầu tư sân bay Long Thành sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kết quả kinh doanh của ACV, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của Nhà nước tại ACV do Nhà nước sở hữu 95,4% vốn điều lệ của đơn vị.

Trong trường hợp được giao làm nhà đầu tư, khai thác Cảng thì ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án, ACV sẽ triển khai ngay công tác thiết kế kỹ thuật để có thể khởi công vào đầu năm 2021 và hoàn thành vào năm 2025.

Hiện nay, ACV thực hiện đầu tư xây dựng tuân thủ theo quy định của Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng và các văn bản pháp luật liên quan. Do đó, ACV sẽ tiến hành thủ tục đấu thầu lựa chọn tư vấn thiết kế, nhà thầu xây lắp… đảm bảo công bằng, minh bạch, tạo cơ hội tham gia cho các doanh nghiệp có năng lực tham gia thực hiện dự án; qua đó giúp giảm chi phí đầu tư, đem lại lợi ích cho Nhà nước và xã hội.

“Cảng hàng không Long Thành có đặc thù quy hoạch ngoài nhà ga còn có thành phố sân bay là khu dịch vụ thương mại như nhà hàng, khách sạn, trung tâm hội nghị, khu vực công nghiệp hàng không (chế tạo máy, bảo dưỡng sửa chữa máy bay)… vốn là xu hướng của thế giới để khách đến sân bay thỏa mãn tất cả các nhu cầu. Đây là những khu mở để nhà đầu tư ‘rót tiền’ vào làm,” ông Thanh gợi mở xu hướng đầu tư./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục