Lâm Đồng chỉ đạo xử lý đích danh tập thể, cá nhân để mất rừng

Các huyện Lâm Hà, Đam Rông và Bảo Lâm phải tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể Ủy ban Nhân dân huyện, trách nhiệm người đứng đầu và cá nhân người phụ trách để xảy ra tình trạng phá rừng.
Lâm Đồng chỉ đạo xử lý đích danh tập thể, cá nhân để mất rừng ảnh 1Lâm tặc dùng máy khoan lỗ vào gốc cây rồi bơm thuốc diệt cỏ để hạ độc. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 22/10, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã công bố văn bản số 6777/UBND-LN về việc thực hiện nghiêm việc kiểm điểm, xử lý trách nhiệm người đứng đầu các tổ chức, các cá nhân liên quan để xảy ra phá rừng ở các huyện Lâm Hà, Đam Rông, Bảo Lâm.

Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo xử lý đích danh các tập thể, cá nhân liên quan do thiếu trách nhiệm, để xảy ra phá rừng trên địa bàn.

Cụ thể, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng Phạm S đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tiếp tục nghiêm túc tổ chức kiểm điểm, xử lý các tập thể, cá nhân có liên quan.

Ủy ban Nhân dân các huyện Lâm Hà, Đam Rông và Bảo Lâm phải tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể Ủy ban Nhân dân huyện, trách nhiệm người đứng đầu và cá nhân người phụ trách, từ đó có hình thức xử lý phù hợp đối với các vi phạm quy định quản lý, bảo vệ rừng nói chung trên địa bàn quản lý và mức độ từng vụ vi phạm.

Cụ thể như các vụ phá rừng tại Tiểu khu 261A (xã Phi Tô), Tiểu khu 261B (xã Nam Hà, huyện Lâm Hà); Tiểu khu 251 (xã Đạ K’Nàng, huyện Đam Rông); vụ ken cây đổ hóa chất tại Tiểu khu 460; vụ khoan cây đổ hóa chất tại Tiểu khu 460 (xã Lộc Ngãi), tại Thôn 4 (xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm).

Ủy ban Nhân dân các huyện Lâm Hà, Đam Rông và Bảo Lâm được chỉ đạo tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với tập thể lãnh đạo Ủy ban Nhân dân xã, cá nhân người đứng đầu, người phụ trách lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng của các xã Nam Hà, Phi Tô, Đạ K’Nàng, Lộc Ngãi, Lộc Phú; có hình thức xử lý phù hợp với mức độ của từng vụ vi phạm trên địa bàn.

Các trường hợp sai phạm đến mức kỷ luật thì huyện phải xử lý kỷ luật (từ hình thức khiển trách trở lên).

Tỉnh chỉ đạo và tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm với tập thể lãnh đạo, cá nhân người đứng đầu, người phụ trách lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, cán bộ phụ trách tiểu khu và các tổ, bộ phận của các Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà, Phi Liêng, Đạm B’ri, có hình thức xử lý phù hợp với mức độ vi phạm của từng vụ việc, các trường hợp sai phạm phải xử lý kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên.

[Vụ phá rừng thông 20 năm tuổi: Hàng chục cây thông tiếp tục bị đốn hạ]

Ủy ban Nhân dân huyện Đam Rông xem xét chuyển công tác đối với Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Phi Liêng.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo thực hiện kiểm điểm trách nhiệm đối với lãnh đạo, công chức kiểm lâm liên quan thuộc các Hạt Kiểm lâm Lâm Hà, Đam Rông, Bảo Lâm; khẩn trương củng cố, kiện toàn tổ chức của các hạt kiểm lâm trên địa bàn.

Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Ủy ban Nhân dân các huyện Lâm Hà, Đam Rông, Bảo Lâm khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh, tổng hợp báo cáo về Ủy ban Nhân dân tỉnh trước ngày 30/10/2019.

Sở Nội vụ nhận trách nhiệm theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị liên quan nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu, tổ chức, cá nhân liên quan theo quy định, tổng hợp báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh kết quả thực hiện trước này 5/11/2019.

Đây được coi là biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt nhất của Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng từ trước đến nay trước thực trạng phá rừng chiếm đất ngày càng công khai, ngang nhiên thách thức dư luận tại địa phương.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng Phạm S, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh, các đơn vị, địa phương trên cũng đã tổ chức kiểm điểm, đánh giá trách nhiệm cá nhân. Tuy nhiên, việc tổ chức kiểm điểm chưa thực sự nghiêm túc; việc xử lý trách nhiệm chưa kịp thời, chưa phù hợp với tính chất, mức độ các vụ vi phạm xảy ra.

Cùng với việc chỉ đạo xử lý đích danh tập thể, cá nhân để mất rừng, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng cũng đã ra văn bản số 6744/UBND-TH2 tăng mức hỗ trợ cho cá thành viên tham gia tuần tra, truy quét các điểm phá rừng, lấn chiếm rừng và khai thác lâm sản trái phép.

Từ ngày 1/1/2019, mức hỗ trợ này sẽ tăng từ 50.000 đồng lên 90.000 đồng/người/ngày. Kinh phí để thực hiện việc hỗ trợ này được trích từ nguồn thu xử phạt vi phạm hành chính và bán tang vật tịch thu được trong lĩnh vực quản lý và bảo vệ rừng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục