Phát triển nông nghiệp 4.0: Lựa chọn công nghệ cho phù hợp

18:37' - 21/10/2019
BNEWS Với vị trí địa lý, điều kiện khí hậu, đất đai và thực trạng phân bố diện tích đất nông nghiệp, vùng Duyên hải Nam Trung Bộ rất thuận lợi để phát triển nền nông nghiệp toàn diện.
Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ được cho là rất thuận lợi để phát triển nền nông nghiệp toàn diện. Ảnh minh họa: TTXVN

Tuy nhiên, để sản xuất nông nghiệp ở vùng Duyên hải Nam Trung Bộ có hiệu quả và bền vững các địa phương cần xét vào nhu cầu và điều kiện sẵn có để lựa chọn và ứng dụng công nghệ phù hợp để phát huy thế mạnh.
Thực tế, trong thời gian qua, các địa phương vùng Duyên hải Nam Trung Bộ đã đưa ra các mục tiêu, nội dung và kế hoạch cụ thể nên sản xuất nông nghiệp ở vùng Duyên hải Nam Trung Bộ đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; trong đó, có sự đóng góp rất lớn của khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp.
Song song đó, nhiều chương trình, dự án từ Trung ương tới các địa phương đã có những nguồn kinh phí hỗ trợ việc nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ và thực tế sản xuất. Do đó, năng suất, sản lượng và chất lượng cấy trồng, vật nuôi liên tục tăng; các mô hình ứng dụng công nghệ nghệ mới trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản đã giúp tăng hiệu quả kinh tế từ 10 - 30%.

Ngoài ra, thông qua các lớp đào tạo, tập huấn và tham quan mô hình trình diễn đã góp phần thay đổi được tập quán canh tác của người dân và nâng cao năng suất lao đọng, hiệu quả kinh tế và môi trường nông thôn.
Đồng thời, nhờ áp dụng các giống mới và ứng dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất các địa phương vùng Duyên hải Nam Trung Bộ đã nhanh chóng gia tăng diện tích trồng các giống mới có năng suất, chất lượng cao, tính chống chịu tốt; mở rộng quy mô chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Do vậy, hiện nay các địa phương tại vùng Duyên hải Nam Trung Bộ không những chỉ đảm bảo được an ninh lương thực và thực phẩm mà còn có sản phẩm hàng hóa để giao thương trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.
Đến nay, tại vùng Duyên hải Nam Trung Bộ đã và đang hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa có quy mô lớn phục vụ chế biến, tiêu thụ trong vùng, trong nước và xuất khẩu như: thanh long của Bình Thuận; nho, táo, măng tây, rau củ của Ninh Thuận; xoài của Khánh Hòa; lúa gạo ở Bình Thuận, Bình Định, Phú Yên và Quảng Nam; lúa giống ở Bình Định, Quảng Ngãi và Quảng Nam; tỏi Lý Sơn của Quảng Ngãi; lợn và gà ở Bình Định; giống cây lâm nghiệp ở Bình Định và Quảng Ngãi; lạc của Bình Định và Quảng Nam; sản phẩm từ nuôi trồng thủy sản Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hòa và Phú Yên; thương hiệu tôm giống của Ninh Thuận.
Tuy nhiên, PGS TS Trịnh Khắc Quang, Ban Chủ nhiệm Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới, cũng ra các hạn chế của vùng trong việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Cụ thể, chủ trương, chính sách hỗ trợ đầu tư ở các địa phương chủ yếu hướng vào chỉ tiêu nâng cao năng suất và sản lượng và tập trung chủ yếu vào nghiên cứu chọn tạo giống ít chú trọng đến nghiên cứu về các biện pháp kỹ thuật canh tác.
Bên cạnh đó, mức đầu tư cho nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ trong lĩnh nông nghiệp ở các địa phương vùng Duyên hải Nam Trung Bộ có nhiều hạn chế nên việc thực hiện các lớp đào tạo, tập huấn và xây dựng mô hình trình diễn để người dân học tập và thăm quan còn hạn chế; Chưa có những chính sách rằng buộc các mối liên kết 4 nhà để phát huy hết khả năng ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp có hiệu quả.
Đáng chú ý, nhiều mô hình ứng dụng khoa học công nghệ đã mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng đầu ra cho sản phẩm khó khăn nên việc mở rộng quy mô sản xuất bị hạn chế. Hay như việc các nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp cơ bản mới chỉ dừng lại ở khâu năng suất và chất lượng, chưa thật sự chú trọng đến khâu sau thu hoạch và chế biến nông sản. Do vậy, với điều kiện bảo quản phân tán trong dân, công nghệ lạc hậu dẫn đến chất lượng nông sản ngày càng giảm dần.
Ngoài ra, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp gặp khó khăn  trong việc đầu tư nghiên cứu, tiếp cận, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Cụ thể, để đầu tư nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, đòi hỏi đầu tư một lượng vốn rất lớn, trong khi đó, các doanh nhiệp trong lĩnh vực nông nghiệp phần lớn có quy mô nhỏ, khó tiếp cận được nguồn vốn lớn, dài hạn và lãi suất thấp.
Do đó, ông Trịnh Khắc Quang cho rằng, các địa phương cần phải xác định nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là hướng đi trong thời gian tới. Đồng thời, cần tuyên truyền để thay đổi nhận thức của người dân về nền nông nghiệp hiện đại trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ thay thế nền nông nghiệp truyền thống, góp phần tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, thu hút nhiều tổ chức, cá nhân đầu tư áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, sử dụng tài nguyên một cách hợp lý.
Đồng thời, để ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tế sản xuất nông nghiệp ở vùng Duyên hải Nam Trung Bộ có hiệu quả, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới ngành nông nghiệp ở các địa phương trong vùng cần phải có những giải pháp đồng bộ; trong đó, tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật và tổ chức lại sản xuất, ứng dụng sâu rộng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, thông tin vào sản xuất, quản lý nông nghiệp.
Đặc biệt, các địa phương cần quy hoạch vùng sản xuất cho từng đối tượng (cây trồng, vật nuôi), phù hợp với từng điều kiện sinh thái và lựa chọn tiến bộ khoa học công nghệ phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể. Song song đó, việc xúc tiếng thương mại, hỗ trợ tạo sự liên kết thương mại giữa người sản xuất và kinh doanh là rất cần thiết.

Vì khi ứng dụng khoa học công nghệ cao vào thực tế sản xuất sẽ là đầu tư thâm canh, năng suất cao, sản lượng tạo ra nhiều hơn, nên việc liên kết đối với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu sẽ nâng cao giá trị của nông sản phẩm.
Ngoài ra, tuyên truyền, thương mại hóa sản phẩm cũng cần được quan tâm duy trì thường xuyên là quan trọng góp phần nâng cao nhận thức của người dân, người sản xuất và cộng đồng về sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, góp phần đẩy sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao về đúng giá trị thực của nó, tránh sự đổ đồng với các sản phẩm nông nghiệp khác./.
Xem thêm:

>>Công nghệ 4.0 mở ra tiềm năng phát triển mới cho ngành chế biến nông sản

>>Kết nối doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam - Nhật Bản

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục