Kinh tế toàn cầu có rơi vào suy thoái lần đầu tiên kể từ 2009?

Các số liệu về GDP toàn cầu do Bloomberg Economics thu thập cho thấy nền kinh tế thế giới đã tăng trưởng chậm lại ở con số 2,2% trong quý 3/2019, giảm dần từ mức 4,7% ghi nhận vào đầu năm 2018.
Kinh tế toàn cầu có rơi vào suy thoái lần đầu tiên kể từ 2009? ảnh 1Kinh tế toàn cầu có rơi vào suy thoái lần đầu tiên kể từ 2009? (Nguồn: europeanbusinessmagazine.com)

Liệu nền kinh tế toàn cầu đang chao đảo liệu có rơi vào vòng xoáy suy thoái hay không đang là câu hỏi lớn đối với các thị trường tài chính, nhà điều hành chính sách và lãnh đạo các doanh nghiệp.

Giới đầu tư hoan nghênh những diễn biến tích cực mới đây trong căng thẳng Mỹ-Trung khi hai nước đạt được một phần thỏa thuận thương mại.

Thêm vào đó là những dấu hiệu tích cực về khả năng Anh đi đến một thỏa thuận “ly hôn” với Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, các cuộc tranh luận về nguy cơ thế giới phải đối diện với cuộc suy thoái đầu tiên kể từ năm 2009 có thể sẽ sớm bắt đầu quay trở lại.

Các số liệu về GDP toàn cầu do Bloomberg Economics thu thập cho thấy nền kinh tế thế giới đã tăng trưởng chậm lại ở con số 2,2% trong quý 3/2019, giảm dần từ mức 4,7% ghi nhận vào đầu năm 2018.

Lãnh đạo mới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Kristalina Georgieva, dự đoán tình trạng tăng trưởng kinh tế giảm tốc sẽ lan rộng. Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới năm 2019 vừa công bố ngày 15/10, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2019 và năm 2020 lần lượt xuống còn 3% và 3,4%.

[IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019 xuống mức 3%]

Theo đánh giá của IMF, kinh tế thế giới đang tăng trưởng với tốc độ yếu nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, trong khi lòng tin của giới đầu tư và kinh doanh suy giảm đáng kể do tranh chấp thương mại.

Đồng thời, IMF cảnh báo kinh tế toàn cầu đang trải qua giai đoạn vừa giảm tốc vừa phục hồi không chắc chắn. Nhà kinh tế trưởng của IMF Gita Gopinath cho biết triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn bấp bênh.

IMF cũng hạ triển vọng tăng trưởng của kinh tế Mỹ trong năm 2019 xuống còn 2,4%, mặc dù đánh giá nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn là điểm sáng trên vũ đài kinh tế toàn cầu. IMF dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng 2,4% trong năm 2019 và 2,1% năm 2020, vẫn cao hơn xu thế chung.

Các nhà giao dịch trái phiếu cũng bày tỏ quan ngại khi mà 14.000 tỷ USD trái phiếu đang có lợi suất âm. Ngược lại, các nhà đầu tư cổ phiếu chứng kiến chỉ số thị trường chứng khoán thế giới của MSCI World Index tăng 14% trong năm nay.

Theo nhà kinh tế trưởng Tom Mitchik tại Bloomberg Economics, rất nhiều yếu tố cần “đi đúng hướng” để thế giới tránh được nguy cơ suy thoái. Dưới đây là những lý lẽ dự đoán về nguy cơ kinh tế toàn cầu suy thoái vào năm 2020.

Lý do để lo ngại về suy thoái

Cuộc chiến thương mại: Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi động cuộc xung đột thương mại kéo dài 18 tháng với Trung Quốc đã gây ra áp lực lớn đối với tăng trưởng toàn cầu.

Tuy nhiên, hai bên đã có đột phá trong đàm phán ngày 11/10 với việc Bắc Kinh đồng ý mua thêm các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ và Nhà Trắng đình chỉ một đợt áp thuế quan khác. Tuy nhiên, các tranh chấp gai góc nhất vẫn còn tồn tại và hai bên còn nhiều việc cần phải làm.

Mục tiêu của Washington trong trung tâm cuộc chiến thương mại liên quan đến cáo buộc về hành vi đánh cắp tài sản trí tuệ, chuyển giao công nghệ bắt buộc và khiếu nại về trợ cấp công nghiệp của Trung Quốc. Bên cạnh đó, ông Trump cũng vẫn có thể áp thuế đối với các nhà sản xuất ôtô ở châu Âu.

Bất ổn trong ngành sản xuất: Có thể thấy các nhà sản xuất là “nạn nhân” chịu thiệt hại lớn nhất từ cuộc chiến thương mại. Hoạt động sản xuất trên toàn cầu đã thu hẹp trong 5 tháng liên tiếp.

Lĩnh vực ôtô đặc biệt ảm đạm là vấn đề đau đầu đối với các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu của Đức và Nhật Bản. Các doanh nghiệp đang cắt giảm đầu tư. Câu hỏi đặt ra là liệu tình trạng này có lan ra từ ngành sản xuất sang lĩnh vực dịch vụ hay không?

Bất ổn địa chính trị: Mặc dù có tín hiệu tích cực, Anh và EU vẫn chưa ký kết được một thỏa thuận Brexit. Mỹ đang bất hòa với Iran sau cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào các cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia và một tàu chở dầu của Iran bốc cháy sau vụ nổ gần cảng Jeddah của Saudi Arabia hôm 11/10. Những diễn biến này có nguy cơ đẩy giá dầu tăng.

Các cuộc biểu tình ở Iraq đã trở nên bạo lực, Thổ Nhĩ Kỳ phát động một cuộc tấn công ở Syria và biểu tình ở Hong Kong (Trung Quốc) có thể khiến nền kinh tế này rơi vào suy thoái.

Argentina đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính khác và Ecuador, Peru và Venezuela cũng đối diện với nhiều vấn đề chính trị. Một cuộc điều tra luận tội Tổng thống Trump cũng như chiến dịch bầu cử Tổng thống năm 2020 cũng có thể thúc đẩy ông Trump đẩy mạnh chương trình nghị sự chống toàn cầu hóa.

Lợi nhuận doanh nghiệp thấp: Tăng trưởng lợi nhuận toàn cầu bị đình trệ trong quý 2/2019, làm giảm niềm tin kinh doanh và khiến doanh nghiệp thu hẹp đầu tư vốn trên toàn thế giới.

Thu nhập của doanh nghiệp yếu đi dẫn tới làm chậm tốc độ tăng lương của người lao động, tăng trưởng năng suất mờ nhạt. Điều nguy hiểm là các tập đoàn có lợi nhuận yếu đi sẽ tiếp tục cắt giảm chi phí thuê lao động và lương nhân công, gây ra hậu quả làm giảm niềm tin của người tiêu dùng và lĩnh vực tiêu dùng của nền kinh tế.

Ngân hàng trung ương bị “trói tay”: Chính sách tiền tệ tại nhiều nước trên thế giới được nới lỏng vào đầu năm nay, nhưng các ngân hàng trung ương đang thiếu các biện pháp, trong một số trường hợp thậm chí còn hành động quá chậm.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã giảm lãi suất khoảng 500 điểm cơ bản trong cả ba cuộc suy thoái kinh tế kể từ đầu những năm 1990, nhưng các nhà hoạch định chính sách tiền tệ Mỹ giờ đây có dư địa ít hơn nhiều. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã áp dụng lãi suất âm.

Ngân sách chính phủ hạn hẹp: IMF cùng nhiều tổ chức khác đã thúc giục các chính phủ nới lỏng ngân sách, song dường như chính sách tài khóa sẽ không được thực hiện một cách chủ động.

Morgan Stanley ước tính thâm hụt tài khóa chính đã tăng lên mức tương đương 3,5% GDP tại các nền kinh tế lớn, từ mức 2,4% GDP năm ngoái. Dự kiến con số này sẽ tăng lên 3,6% GDP trong năm tới.

Trung Quốc và Đức đều có dư địa để kích thích tài khóa, nhưng lại chưa sẵn sàng làm việc này, trong khi Nhật Bản chọn biện pháp tăng thuế tiêu dùng.

Lý do để không phải lo lắng

Kinh tế Mỹ: Theo tính toán của Bloomberg Economics, nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ vào năm 2020 chỉ ở mức 25%. Nếu nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể đứng vững, nó sẽ "bù đắp" cho các nền kinh tế khác đang gặp khó khăn. Kinh tế nước này được kỳ vọng có thể tăng trưởng khoảng 1,5%.

Mặt khác, Mỹ cũng được coi là một một nền kinh tế “ít cởi mở” hơn các nền kinh tế khác, điều đó có nghĩa là kinh tế nước này sẽ có thể tiếp tục tăng trưởng ngay cả khi thương mại toàn cầu bị ảnh hưởng.

Thị trường việc làm tích cực: Người tiêu dùng Mỹ vẫn luôn là trụ cột tăng trưởng của kinh tế Mỹ một phần bởi tỷ lệ thất nghiệp ở đây thấp nhất trong 5 thập niên. Thị trường lao động Mỹ vẫn sẽ tiếp tục là yếu tố thúc đẩy chi tiêu hộ gia đình. Conference Board mới đây thông báo chỉ số về niềm tin của người tiêu dùng toàn cầu vẫn gần mức cao kỷ lục.

Hỗ trợ từ ngân hàng trung ương: Fed đã giảm lãi suất hai lần trong năm nay và có thể tiếp tục hạ lãi suất một lần nữa trong tháng 10 này. ECB cũng hạ lãi suất xuống mức âm và dự kiến sẽ khởi động lại chương trình mua trái phiếu.

Ngân hàng trung ương Nhật Bản đang xem xét thêm các biện pháp mạnh tay hơn. Các ngân hàng trung ương khác như Ấn Độ, Australia, Hàn Quốc, Nam Phi và Brazil cũng đang thực hiện động thái tương tự. Chính sách tiền tệ cần có thời gian để mang lại hiệu quả cũng như hỗ trợ đối với nền kinh tế.

Trung Quốc: Trung Quốc có thể không nỗ lực để giải cứu nền kinh tế như cách mà nước này đã làm trong những lần tăng trưởng kinh tế sụt giảm trước đây bởi lo ngại về mức nợ tăng cao, song Bắc Kinh vẫn có thể thay đổi nếu cần thiết. Nước này đã cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng xuống mức thấp nhất kể từ năm 2007.

Chi tiêu cho cơ sở hạ tầng của chính quyền địa phương dự kiến sẽ tăng cao hơn và đầu tư của nhà nước cũng có thể tăng đáng kể.

Không có các rủi ro truyền thống: Các cuộc suy thoái trước đây bắt nguồn từ tình trạng dư thừa, ví dụ như lạm phát tăng trong những năm 1980, sự bùng nổ của bong bóng công nghệ ở Mỹ vào đầu thế kỷ 21 hay sự sụp đổ của thị trường nhà ở một thập niên sau đó.

Lần này, tỷ lệ lạm phát nói chung vẫn yếu. Trong khi giá cổ phiếu tăng cao, nó vẫn chưa đạt tới mức bị thổi phồng theo kiểu “bong bóng.” Ngay cả khi giá nhà ở Canada và New Zealand được đánh giá là không ổn định, các hộ gia đình ở nhiều nền kinh tế đã bắt đầu giảm vay nợ để đầu tư bất động sản./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục