Nước sạch nhiễm Styren: 'Nếu không phải dầu mà chất độc khác thì sao?'

Trong khi chờ đợi sự cố nước sạch nhiễm Styren được khắc phục, nhiều ý kiến cho rằng nếu chất gây ô nhiễm nước đầu nguồn không phải là dầu thải mà là chất độc thì hậu quả sẽ ra sao?
Nước sạch nhiễm Styren: 'Nếu không phải dầu mà chất độc khác thì sao?' ảnh 1Người dân ở Khu đô thị Kim Văn-Kim Lũ mang can đi nhận nước sạch. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Sau hơn một tuần phát hiện nước sạch ở Hà Nội có mùi lạ, kết quả các mẫu xét nghiệm nước đều có hàm lượng Styren cao hơn giới hạn cho phép từ 1,3-3,65 lần vẫn đang là “cú sốc” đối với nhiều người.

Trong khi chờ đợi sự cố được khắc phục, một loạt các câu hỏi lớn đã và đang được dư luận đặt ra: Tại sao khi phát hiện, Công ty nước sạch Sông Đà vẫn tiếp tục vận hành và bơm nước sặc mùi hoá chất về Thủ đô? Nếu chất gây ô nhiễm nước đầu nguồn không phải là dầu thải mà là chất độc thì hậu quả sẽ ra sao?

Bên cạnh sự thiếu trách nhiệm, “làm xiếc” trên sức khoẻ và tính mạng của hàng vạn khách hàng của Viwasupco, sự việc cũng hé mở những lỗ hổng lớn trong khâu kiểm soát, khắc phục khi có sự cố bất thường xảy ra không chỉ của ngành nước.

Viwasupco đã “đùa” với hàng vạn khách hàng như thế nào?

Sự cố nước sạch sông Đà bắt đầu từ khoảng đêm 8/10. Vào thời điểm này, một số người dân phát hiện một xe tải 2,5 tấn bơm dầu thải đổ trộm ra khe núi sát con suối tại hai xã Phúc Minh và Phúc Tiến (huyện Kỳ Sơn, Hoà Bình) - cách kênh dẫn nước của Viwasupco khoảng 800m. Sau đó, khu vực này có mưa to khiến số dầu nhớt lan nhanh đến kênh dẫn nước của Nhà máy nước mặt Sông Đà.

Đáng chú ý, tới sáng 9/10, một số công nhân của Viwasupco đã phát hiện sự việc nhưng lại không báo cáo ngay với cơ quan chức năng. Tới tận chiều cùng ngày, sau khi loay hoay tìm cách “xử lý” bất thành, họ mới thông báo cho chính quyền xã Phúc Tiến.

Báo cáo từ thành phố Hà Nội cho biết thêm, các cán bộ này cũng không có bất cứ hành vi ứng cứu ngăn chặn ô nhiễm của nguồn dầu này theo quy định, mà cứ để mặc kệ, dẫn đến váng dầu này đã chảy vào nguồn nước qua hệ thống xử lý nước của nhà máy, rồi chảy vào hệ thống phân phối đến người dân ở các vùng Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Xuân.

Tiếp đó, suốt từ ngày 9-12/10, trong khi người dân Thủ đô bắt đầu hoang mang khi phát hiện nước sinh hoạt nồng nặc mùi hoá chất, phía Công ty này cũng vẫn im lặng. Họ không hề đưa ra bất cứ cảnh báo nào.

Ngược lại, công ty này tìm cách “chữa cháy.” Bất chấp việc dầu đã lan vào bể xử lý, Viwasupco vẫn bổ sung than hoạt tính, tăng hóa chất, khiến nước thêm nồng nặc mùi clo. Trong khi đó, Nghị định của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch có quy định: Đơn vị cấp nước có nhiệm vụ tổ chức sản xuất an toàn, cung cấp ổn định dịch vụ cấp nước cho các khách hàng sử dụng nước về chất lượng nước. Trường hợp xảy ra sự cố phải kịp thời thông báo cho khách hàng biết, thậm chí phải bồi thường cho khách hàng theo quy định của pháp luật. 

[Nước sạch Hà Nội có mùi lạ: Chất styren gây hại tới sức khỏe thế nào?]

Cùng lúc “đánh đu” với sức khoẻ của hàng vạn người dân, Viwasupco còn lờ luôn việc báo cáo với Hà Nội - địa bàn tiêu thụ sản phẩm chính của công ty này. Thậm chí, tới tận thời điểm chiều 15/10 - gần 1 tuần sau sự cố, các đơn vị và cá nhân vẫn không hợp tác với các cơ quan quản lý nhà nước cũng như chưa có báo cáo, cảnh báo, khắc phục việc để dầu vào nguồn nước chuyển các cơ quan chức năng.

Biện minh cho sự vô trách nhiệm của mình, ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng Giám đốc Viwasupco nói: “Thâm tâm của tôi 80% là muốn dừng cấp nước, vì nghĩ nước có vấn đề. Trong tâm của tôi không bao giờ lấy tính mạng của người dân để kinh doanh... Nhưng tôi hội ý lãnh đạo và quyết định vẫn cấp nước. Có người bảo báo cáo thành phố [Hà Nội - PV] nhưng báo cáo cái gì khi chất lượng theo chỉ tiêu A vẫn đảm bảo.”

Nước sạch nhiễm Styren: 'Nếu không phải dầu mà chất độc khác thì sao?' ảnh 2Người dân phải vất vả lấy nước sạch từ nguồn khác để sử dụng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nhận định về cách hành xử 'lạ đời' trên của Viwasupco, ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên gay gắt: “Phản hồi của lãnh đạo doanh nghiệp này cho đến thời điểm hiện tại là cực kỳ vô trách nhiệm.”

Liên quan đến vụ việc của Công ty Cổ phần nước sạch Sông Đà, vị chuyên gia khẳng định việc giám sát, ứng phó với sự cố tràn dầu hiện còn rất lung túng. Khi phát hiện ra sự cố tràn dầu nhưng vẫn cho vận hành, không báo cáo là thiếu trách nhiệm.

“Khi sự việc xảy ra, người dân mới biết là doanh nghiệp chỉ biết... tháo nước về bán. Không hề có đầu tư công nghệ giám sát chất lượng, quản lý đầu nguồn. Người dân cũng không rõ công nghệ xử lý nước của doanh nghiệp này như nào?,” ông Nguyên nêu lo ngại.

Trong khi đó, ông Phạm Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam, Tổng thư ký Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng, về bản chất, vụ Formosa, vụ Rạng Đông và hiện nay là vụ Nhà máy nước sông Đà đều có cùng một “kịch bản.” Đó là khi xảy ra sự cố thì rất lúng túng trong việc xử lý thông tin, rất chậm trễ trong việc hướng dẫn cho người dân, cộng đồng. Việc huy động nguồn lực ứng phó, chỉ đạo xử lý sự cố cũng rất rối.

“Về mặt an toàn, chất lượng sản phẩm, chắc chắn phía nhà máy phải có quy trình kiểm soát nguồn nước đầu vào. Nhưng việc 1 tuần mới lấy mẫu 1 lần và kiểm tra, kể cả khi nước có mùi sặc sụa như thế mà chất lượng nước phòng thí nghiệm của nhà máy vẫn đạt tiêu chuẩn thì đây là điều đáng báo động,” ông Sơn nói.

Nước sạch nhiễm Styren: 'Nếu không phải dầu mà chất độc khác thì sao?' ảnh 3Cận cảnh dòng suối 'ngậm dầu' dẫn vào nhà máy nước Sông Đà. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

“Lỗ hổng chết người trong khâu kiểm soát”

Theo Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam, vấn đề đáng lưu tâm là trong trường hợp không phải là sự cố tràn dầu mà liên quan đến vấn đề an ninh, ví dụ như người ta thải một chất độc hại từ hai bên bờ sông Đà, gây ảnh hưởng lâu dài về sức khỏe con người, thì liệu nhà máy có phát hiện được không?

“Ví dụ trên chỉ là giả định, nhưng vấn đề đáng lo là đến ngay cả cái mùi sặc sụa như thế mà nhà máy vẫn cho chạy suốt cả thời gian dài, thì đây là lỗ hổng chết người trong khâu kiểm soát,” ông Sơn nhấn mạnh.

Với khu vực nguồn nước “khổng lồ” như hồ chứa Nhà máy nước sông Đà, lẽ ra phải được giám sát, bảo vệ nghiêm ngặt, phải coi đây là khu vực “an ninh nguồn nước” và phải quan trắc liên tục. Nhưng thực tế có vẻ như ngược lại.

[Thủ tướng yêu cầu kiểm tra các nhà máy nước sạch trong cả nước]

Cùng có chung quan điểm, ông Trịnh Lê Nguyên bổ sung thêm, một loạt sự kiện gần đây cho thấy công tác quản lý môi trường đang thực sự có vấn đề! Các cơ quan liên quan gần như bị động, không đủ năng lực để phản ứng, xử lý khi có sự cố, thảm họa xảy ra trong khi hậu quả để lại thì rất nghiêm trọng.

Ông Nguyên cho rằng các cơ quan có trách nhiệm cần sớm ban hành tiêu chuẩn, yêu cầu nghiêm ngặt về công nghệ, kiểm soát chất lượng, các biện pháp an toàn đối với nguồn cung nước sạch đối với các doanh nghiệp.

“Các khu vực đầu nguồn cung cấp nước cho các đô thị lớn phải được xếp vào danh mục các công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia và phải có phương án bảo vệ nghiêm ngặt. Như trường hợp vừa xảy ra, phạm vi ảnh hưởng có thể lên đến hơn 1 triệu người là rất lớn,” ông Nguyên nói.

Không chỉ thiếu chặt chẽ trong kiểm soát an ninh nguồn nước, ngay cả các biện pháp khắc phục sau sự cố cũng mang tính... ngẫu hứng và thiếu căn cứ khoa học. Vị chuyên gia của Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam dẫn chứng, đối với vị trí dầu đổ ra, về nguyên tắc khi xử lý cần phải xúc bỏ toàn bộ mặt đất nhiễm hoá chất rồi đem đi đốt, tránh cho dầu ngấm vào nước ngầm.

“Ở đây người ta lại dùng cát để lấp. Khi ngấm xuống nước ngầm, mức độ ô nhiễm sẽ tăng theo cấp số nhân và rất khó xử lý,” ông Sơn phân tích.

Vị chuyên gia này cũng cảnh báo: “Việc nguồn nước Nhà máy nước sông Đà nhiễm bẩn là sự cố nghiêm trọng, không hề đơn giản. Khi chúng ta không có biện pháp ứng phó với sự cố môi trường thì việc xử lý bây giờ đã là quá muộn và cộng đồng đã phải lãnh hậu quả.”

Nước sạch nhiễm Styren: 'Nếu không phải dầu mà chất độc khác thì sao?' ảnh 4Người dân Hà Nội phải mua, hoặc nhận nước sạch để sử dụng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo ông Sơn, việc sục rửa 40 km đường ống là khả quan. Tuy nhiên, bài toán đặt ra là phải xử lý thế nào đối với phần hồ chứa nước lên tới hàng chục hécta và dầu đã “ăn sâu vào.”

Về trách nhiệm với người dân và xã hội, ông Sơn cho rằng, Công ty nước sạch Sông Đà phải kiểm soát, kiểm tra chất lượng. Nhà sản xuất thu tiền của người dân để bán nước sạch thì người dân phải được nhận nguồn nước đảm bảo chất lượng, còn cung cấp nguồn nước nhiễm bẩn, không đảm bảo thì nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm và bồi thường.

"Tùy thuộc mức độ gây hậu quả và mức độ ảnh hưởng, nhà sản xuất có thể sẽ bị xử phạt nghiêm khắc theo quy định của pháp luật,” ông Sơn nói thêm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục