Trung Quốc: Lạm phát tiêu dùng tháng 9 cao nhất trong 6 năm

Lạm phát tăng chủ yếu do giá thực thẩm tăng, đặc biệt là tình trạng gián đoạn nguồn cung thịt lợn dù giới chức Trung Quốc thời gian qua đã dùng tới nguồn dự trữ thịt lợn quốc gia.
Trung Quốc: Lạm phát tiêu dùng tháng 9 cao nhất trong 6 năm ảnh 1Lợn được nuôi tại trang trại ở tỉnh Giang Tây, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 15/10, các số liệu chính thức mới công bố cho thấy trong tháng Chín, lạm phát tiêu dùng của Trung Quốc tăng lên mức cao nhất trong gần sáu năm qua khi dịch tả lợn châu Phi khiến giá thịt lợn tại quốc gia này tăng gần 70%.

Theo Tổng cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng từ 2,8% trong tháng Tám lên 3% trong tháng Chín. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 11/2013 và cao hơn cả mức ước tính của Bloomberg là 2,9%.

Lạm phát tăng chủ yếu do giá thực thẩm tăng, đặc biệt là tình trạng gián đoạn nguồn cung thịt lợn dù giới chức Trung Quốc thời gian qua đã dùng tới nguồn dự trữ thịt lợn quốc gia để kiểm soát giá của nguồn thực phẩm chủ lực này do lo ngại cuộc khủng hoảng tả lợn châu Phi có thể gây ra gánh nặng về kinh tế và tài chính.

[TCB: Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ cải thiện trong năm tới]

Theo NBS, so với cùng kỳ năm ngoái, giá thịt lợn tại thị trường Trung Quốc tăng 69,3% trong tháng 9/2019.

Thống kê chính thức cho thấy kể từ khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát tại quốc gia này hồi tháng Tám vừa qua, đã có khoảng một triệu con lợn bị chết nhưng con số thực tế được cho là cao hơn.

Thịt lợn khan hiếm khiến người tiêu dùng tìm các nguồn thực phẩm khác thay thế cũng góp phần đẩy giá các loại thịt khác như thịt bò, thịt gia cầm cũng như các loại trứng tăng 19%.

Theo chuyên gia phân tích Martin Lynge Rasmussen từ Capital Economics, lạm phát giá tiêu dùng tại Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tiếp theo khi nguồn cung thịt lợn vẫn bị gián đoạn và giá cả tiếp tục leo thang.

Trong khi đó, giá sản xuất tiếp tục giảm tháng thứ 5 liên tiếp do nhu cầu giảm và căng thẳng thương mại với Mỹ gia tăng. Chỉ số giá sản xuất (PPI) giảm 1,2% trong tháng 9/2019, so với cùng kỳ năm ngoái.

PPI giảm phản ánh nhu cầu hàng hóa giảm, xu hướng có thể ảnh hưởng tới lợi nhuận của các nhà sản xuất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục