Hàng loạt sự cố xảy ra khi nâng cấp máy tính Mac lên Catalina

Việc nâng cấp gây ra nhiều phiền phức cho người dùng khi một số ứng dụng, plugin không được cập nhật thường xuyên có thể không chạy được trong hệ điều hành mới.
macOS Catalina đánh dấu lần đầu tiên Apple bỏ hỗ trợ ứng dụng chạy trên nền bộ xử lý 32 bit. (Nguồn: 9to5Mac)
macOS Catalina đánh dấu lần đầu tiên Apple bỏ hỗ trợ ứng dụng chạy trên nền bộ xử lý 32 bit. (Nguồn: 9to5Mac)

Bản cập nhật hệ điều hành mới nhất cho máy tính Mac của Apple, macOS Catalina, đã được phát hành vào đầu tuần qua, và cùng với đó là một loạt các sự cố cả nhỏ và lớn.

Bản cập nhật này đánh dấu lần đầu tiên Apple bỏ hỗ trợ ứng dụng chạy trên nền bộ xử lý 32 bit, và do đó gây ra nhiều phiền phức cho người dùng khi một số ứng dụng, plugin không được cập nhật thường xuyên có thể không chạy được trong hệ điều hành mới.

Ngoài ra còn có một số lượng lớn các vấn đề khác với Catalina, như các vấn đề không tương thích phần mềm Adobe và các rào cản không lường trước liên quan đến việc gỡ bỏ iTunes.

[Apple phát hành macOS Catalina mới, "khai tử" iTunes trên máy tính Mac]

Điều đó dẫn đến một loạt các câu hỏi quan trọng đối với người dùng Mac, những người có thể có nguy cơ gặp phải những trục trặc trong khi xử lý công việc trên máy tính chạy hệ điều hành Catalina.

Chính xác thì điều gì có thể sai nếu bạn nâng cấp? Bạn có nên nâng cấp ngay bây giờ không, và bạn nên làm gì trước khi nhấp chuột nâng cấp?

Apple lần đầu tiên tuyên bố sẽ dừng hỗ trợ cho các ứng dụng 32 bit hơn một năm rưỡi trước, khi đưa ra cảnh báo cho người dùng macOS High Sierra. Tuy nhiên, nhiều ứng dụng vẫn hoạt động sau đấy, nhưng với việc chính thức phát hành Catalina, Apple đã chính thức đặt dấu chấm hết cho các ứng dụng 32 bit.

Điều này đã dẫn đến một số vấn đề lộn xộn. Chẳng hạn, các phiên bản cập nhật của các sản phẩm Adobe như Photoshop sử dụng một số thành phần và trình cài đặt cấp phép 32 bit không hoạt động sau khi nâng cấp lên Catalina.

Adobe khuyên người dùng không nên cập nhật máy Mac của mình nếu dựa vào phiên bản Photoshop hoặc Lightroom cũ, không hỗ trợ Creative Cloud. Hãng này cũng cho biết ngay cả khi người dùng nâng cấp phần mềm lên phiên bản mới nhất thì vẫn nên gỡ cài đặt phần mềm đó trước nếu không sẽ khó thoát khỏi sự cố không hoạt động.

Các phần mềm phổ biến khác cũng có thể gặp phải sự cố tương tự như các phiên bản cũ của Microsoft Office, nhiều phiên bản cũ của các ứng dụng Mac như GarageBand và các ứng dụng đã ngừng sử dụng như iPhoto. Đối với những người chơi game trên máy Mac, nhiều ứng dụng game 32-bit cũng sẽ không hoạt động sau khi nâng cấp lên Catalina.

Nếu muốn nâng cấp, có một số cách dễ dàng để người dùng biết liệu máy tính của mình có bị ảnh hưởng nặng nề do mất hỗ trợ 32 bit hay không.

Trước khi tải xuống Catalina hay đến giai đoạn cuối của quá trình cài đặt, người dùng có thể sử dụng tìm kiếm Spotlight trên máy Mac để mở công cụ Thông tin hệ thống (System Information).

Từ đó, cuộn xuống “Software” (Phần mềm) và nhấp vào “Legacy Software.” Ở đầu cửa sổ, người dùng sẽ nhín thấy tất cả các phần mềm sẽ không hoạt động được khi Catalina được cài đặt.

Có rất nhiều lý do để không nâng cấp lên Catalina. Apple cho biết hệ điều hành này sẽ chạy trên các máy tính từ năm 2012, nhưng khi hàng loạt phần mềm 32 bit quen thuộc, sử dụng hàng ngày vẫn còn vô số xung quanh thì người dùng máy tính Mac vẫn nên cẩn trọng trước khi nhấp chuột chấp nhận nâng cấp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục