Lãnh đạo Bộ TN-MT: 'Không kiểm soát, ô nhiễm không khí còn tiếp diễn'

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết ô nhiễm không khí trong tháng 9 qua diễn ra cục bộ, khác thường so với những năm trước. Trong đó xu hướng bụi mịn 2.5 đang tăng cao.
Lãnh đạo Bộ TN-MT: 'Không kiểm soát, ô nhiễm không khí còn tiếp diễn' ảnh 1Đốt rơm rạ gây khói mù tại khu vực các xã huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Trước thông tin ô nhiễm không khí, bụi mịn PM2.5 đang có xu hướng tăng cao ở các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định “nếu không kiểm soát, ô nhiễm sẽ còn tiếp diễn.”

Thông tin tại cuộc họp báo thường kỳ quý 3 do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức ngày 14/10, ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết ô nhiễm không khí trong tháng 9 năm nay diễn ra cục bộ, khác thường so với những năm trước. Trong đó xu hướng bụi mịn PM2.5 đang tăng cao.

Vì thế, ngày 7/10, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có báo cáo chính thức Thủ tướng Chính phủ đề xuất một số giải pháp.

Theo số liệu từ 13 trạm quan trắc tự động, liên tục trên địa bàn thành phố Hà Nội, trong khoảng thời gian từ ngày 12-29/9/2019, nồng độ bụi PM2.5 đều có xu hướng tăng. Đặc biệt, từ 15-17/9 và 23-29/9 có thời điểm tăng hơn 75% giá trị PM2.5 trung bình 24 giờ đều vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam.

Qua việc theo dõi, phân tích số liệu quan trắc trong nhiều năm qua cho thấy xu hướng biến động của PM10 và PM2.5 tại thành phố Hà Nội phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết khí hậu.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, tháng Chín cũng là thời điểm giao mùa, nên chất lượng không khí cũng có những diễn biến theo chiều hướng xấu. Tổng hợp kết quả quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường và trạm quan trắc tự động của Lãnh sự quán Mỹ tại đây cho thấy từ ngày 1-23/9/2019 có sự gia tăng mạnh mẽ nồng độ bụi PM2.5 trong không khí.

[Bộ TN-MT báo cáo Thủ tướng Chính phủ chất lượng không khí tại Hà Nội] 

Về nguyên nhân khiến ô nhiễm không khí đang ngày càng “xấu,” ông Thức cho biết qua rà soát từ năm 2013 đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường ghi nhận tháng 9/2019 ít mưa nhất trong 6 năm qua do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

“Vừa qua cũng là thời tiết giao mùa, trong tháng Chín có xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt. Ngoài ra, ở ngoại thành Hà Nội, bà con thu hoạch lúa mùa thường đốt bỏ rơm rạ đã gây khói bụi, ảnh hưởng đến khu vực nội đô,” ông Thức nhấn mạnh.

Trong tháng 3/2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã quan trắc và có cảnh báo. Vì thế, nếu không kiểm soát việc đốt rơm rạ thì ô nhiễm không khí vẫn sẽ còn tồn tại. Thói quen sinh hoạt của người dân sẽ tác động xấu đến môi trường đặc biệt là môi trường không khí.

Lãnh đạo Bộ TN-MT: 'Không kiểm soát, ô nhiễm không khí còn tiếp diễn' ảnh 2Ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường chia tại cuộc họp báo. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Ngoài tác động của biến đổi khí hậu, thói quen đốt rơm rạ ở ngoại thành, ông Thức cho biết ô nhiễm không khí ở các đô thị lớn, nhất là Hà Nội, còn xuất phát từ các nguồn phát thải bởi hoạt động giao thông, xây dựng nội đô, phát triển đô thị hóa.

“Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có kiến nghị ngành giao thông, kiểm soát xây dựng kiểm tra và có những biện pháp ngăn chặn, tuy nhiên vẫn chưa giải quyết được,” ông Thức thừa nhận.

Vị đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết từ năm 2013 đến naychất lượng không khí ở các đô thị ở Việt Nam đã được cải thiện, tuy nhiên chất lượng không khí thay đổi cục bộ trong ngày và phụ thuộc vào vị trí của từng trạm quan trắc.

“Nếu đặt các trạm quan trắc ở khu vực điểm nóng ô nhiễm như nơi có mật độ giao thông cao, cạnh các công trình lớn đang xây dựng... thì chất lượng không khí thường kém hơn. Để xác định chất lượng không khí toàn Hà Nội phải căn cứ vào mật độ trạm đo. Một số thông tin trên ứng dụng của nước ngoài dựa vào dữ liệu của số ít trạm quan trắc nên chỉ mang tính chất tham khảo,” ông Thức thông tin.

Đề cập đến giải pháp, ông Hoàng Văn Thức cho biết Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao điều phối xây dựng kế hoạch mạng lưới quan trắc, cuối năm 2019 sẽ có báo cáo tổng thể.

Trong năm nay, một số thành phố lớn sẽ có thêm các trạm quan trắc chất lượng không khí. Riêng thành phố Hà Nội, tới đây sẽ lắp đặt thêm 20 trạm, qua đó sẽ đưa ra cảnh báo kịp thời hơn.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục