Tác phẩm Dân vận của Bác là tinh hoa thời đại về vai trò của nhân dân

Giáo sư-tiến sỹ Hoàng Chí Bảo cho rằng giá trị lý luận và thực tiễn của tác phẩm ''Dân vận'' còn thể hiện sinh động, sâu sắc tư tưởng, đạo đức, phương pháp, phong cách Hồ Chí Minh.
Tác phẩm Dân vận của Bác là tinh hoa thời đại về vai trò của nhân dân ảnh 1Ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu khai mạc hội thảo. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Ngày 14/10, tại Hà Nội, Ban Dân vận Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học trực tuyến “70 năm tác phẩm 'Dân vận' của Chủ tịch Hồ Chí Minh” và trao giải Cuộc thi viết về tấm gương “Dân vận khéo” năm 2019.

Dự hội thảo có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng: Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng. Cùng dự có Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình.

Các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Điểu K’Ré chủ trì hội thảo.

Tham dự hội thảo còn có các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương cùng các đại biểu là cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học, cán bộ làm công tác dân vận ở Trung ương và các địa phương tại 63 điểm cầu trên cả nước.

Khai mạc hội thảo, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, tác phẩm ''Dân vận'' là sự khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò, sức mạnh của nhân dân và tư tưởng “lấy dân làm gốc;” là “cuốn sách giáo khoa” về công tác dân vận của Đảng, góp phần vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Tác phẩm cũng là sự kết tinh truyền thống dân tộc và tinh hoa thời đại về vai trò của nhân dân trong lịch sử. 70 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thực hiện công tác vận động quần chúng theo những chỉ dẫn quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận. Trong công cuộc đổi mới, thực hiện lời dặn của Người, nhiều chủ trương, chính sách về công tác dân vận, về đại đoàn kết dân tộc, về xây dựng các giai cấp đã được Đảng, Nhà nước xây dựng, bổ sung, ngày càng hoàn thiện phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước.

Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, để hoàn thành nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vẻ vang, công tác dân vận phải được nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan, khoa học về những nhân tố thuận lợi và những khó khăn, thách thức cần phải vượt qua; vận dụng sáng tạo tư tưởng dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tình hình hiện nay, xây dựng đường lối vận động nhân dân phù hợp, trên tinh thần phát huy dân chủ, tôn trọng nhân dân, chăm lo đời sống nhân dân.

Không chỉ là cơ sở lý luận, kim chỉ nam cho công tác vận động quần chúng của Đảng, giáo sư-tiến sỹ Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, cho rằng giá trị lý luận và thực tiễn của tác phẩm ''Dân vận'' còn thể hiện sinh động, sâu sắc tư tưởng, đạo đức, phương pháp, phong cách Hồ Chí Minh.

Người đã xác định bản chất của dân chủ bằng một luận điểm cô đọng, ngắn gọn, hàm súc nhất nhưng cũng điển hình và thực chất nhất: “Dân chủ là dân là chủ và dân làm chủ." Đạo đức của người cách mạng trong công tác dân vận phải là đạo đức hành động và nêu gương, đã vì dân và vì sự nghiệp cách mạng thì phải phấn đấy hy sinh, vượt qua mọi khó khăn.

[Đảng ủy khối tổ chức Tọa đàm về Làm theo phong cách dân vận của Bác Hồ]

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đánh giá, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác dân vận những năm qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại, nâng cao đời sống của nhân dân… Tuy nhiên, Thường trực Ban Bí thư cho rằng, bên cạnh những thành tích đã đạt được, công tác dân vận vẫn chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tác phẩm Dân vận của Bác là tinh hoa thời đại về vai trò của nhân dân ảnh 2Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và bà Trương Thị Mai, Uỷ viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương trao chứng nhận tác phẩm vào chung khảo. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Để tiếp tục phát huy giá trị lý luận, thực tiễn, ý nghĩa sâu sắc của tác phẩm ''Dân vận'' của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công tác dân vận thời gian tới, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh một số nội dung để các cơ quan, cán bộ làm công tác dân vận nghiên cứu, tham mưu cho Đảng lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận đạt được hiệu quả thực chất hơn. Theo đó, công tác dân vận của cơ quan nhà nước, nhất là công tác dân vận của chính quyền cần được nâng cao hiệu lực, hiệu quả, lấy sự hài lòng của nhân dân là mục tiêu hoạt động; triệt để đổi mới công tác tuyên truyền, giải thích, thuyết phục bằng nhiều hình thức như gặp gỡ trực tiếp, qua báo chí, mạng xã hội… để nhân dân hiểu về tình hình đất nước, tin vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thấy rõ lợi ích của các dự án, công trình kinh tế-xã hội đem lại cho dân, cho nước; không để các thế lực thù địch gây nhiễu loạn tư tưởng nhân dân, chống phá Đảng và Nhà nước, tạo bất ổn xã hội.

Cán bộ, đảng viên phải thực sự gương mẫu trong cuộc sống và mọi hoạt động. Đặc biệt, để tổ chức tốt đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội 13 của Đảng, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đề nghị các cơ quan, bộ, ngành cần tập trung khắc phục, giải quyết dứt điểm, triệt để những vấn đề bức xúc, nổi cộm mà cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm; đồng thời quy định rõ trách nhiệm thực hiện công tác dân vận của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể và của cán bộ, đảng viên.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu đã tham luận về một số nội dung trong tác phẩm ''Dân vận'' của Chủ tịch Hồ Chí Minh, công tác vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận trong việc tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc...; đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo, đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác vận động nhân dân.

Kết luận hội thảo, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai cho rằng việc nhận thức sâu sắc hơn những nội dung trong tác phẩm ''Dân vận'' của Bác, cũng như nhận thức đầy đủ ý nghĩa thực tiễn của quan điểm “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân” là yêu cầu quan trọng trong bối cảnh tình hình mới. Từ đó, công tác vận động các tầng lớp nhân dân cần được đi vào thực chất hơn nữa, lấy sự hài lòng, niềm tin của nhân dân là thước đo cho kết quả công tác của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và hệ thống chính trị.

Trưởng Ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh, niềm tin đó chính là sức mạnh để Đảng tiếp tục lãnh đạo đất nước, dân tộc vượt qua thách thức, đạt được các mục tiêu phát triển cho giai đoạn tiếp theo.

Nhân dịp này, Ban Tổ chức đã lựa chọn 50 tác phẩm báo chí để trao giải Cuộc thi Báo chí viết về tấm gương "Dân vận khéo" năm 2019 và tham gia vòng chung kết Cuộc thi Báo chí viết về tấm gương “Dân vận khéo” giai đoạn 2017-2020.

Các tác phẩm thuộc bốn thể loại báo in, báo điện tử, báo hình, báo nói, được lựa chọn từ hơn 1.000 tác phẩm gửi về tham dự./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục