Ấn tượng với những tà áo dài Lemur của Viện nghiên cứu trang phục Việt

Viện nghiên cứu trang phục Việt triển khai phục hồi và phát triển sáng tạo trang phục cách tân phù hợp cuộc sống đương đại, dựa trên nền tảng trang phục truyền thống qua các thời kỳ lịch sử.
Ấn tượng với những tà áo dài Lemur của Viện nghiên cứu trang phục Việt ảnh 1Giới thiệu áo dài Lemur tại Lễ thành lập Viện nghiên cứu Trang phục Việt tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn: Vietnam+)

Ngày 14/10/2019, tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra sự kiện thành lập Viện Nghiên cứu Trang phục Việt với sự tham dự của các nhà nghiên cứu văn hóa, giảng viên, doanh nhân, văn nghệ sỹ.

Viện ra đời với mong muốn được đóng góp trong các lĩnh vực văn hóa mặc bằng các hoạt động biên soạn, biên dịch, thu thập sưu tầm tài liệu chuyên sâu về trang phục người Việt và đồng bào các dân tộc ít người.

Viện nghiên cứu trang phục Việt triển khai phục hồi và phát triển sáng tạo trang phục cách tân phù hợp cuộc sống đương đại, dựa trên nền tảng trang phục truyền thống qua các thời kỳ lịch sử.

Với ý nghĩa đó trong ngày ra mắt Viện, Ban tổ chức đã tái hiện không gian sự kiện rõ nét một giai đoạn chuyển mình lịch sử lớn về mọi mặt: chính trị, xã hội, phong hóa, ngôn ngữ, văn chương, báo chí, mỹ thuật - nói chung là văn hóa.

Chỉ trong vòng mười lăm năm từ 1930 đến 1945 trong bối cảnh xã hội đẩy dần cái cũ vào bóng tối, đồng thời với những chuyển biến chính trị chấm dứt một quá khứ thuộc địa đau thương.

Giới hạn trong lĩnh vực xã hội, văn hóa, hai tờ báo Phong Hóa và Ngày Nay là hai mũi dùi bén nhọn nhất trong chiến trận giữa cũ và mới giao thoa văn hóa Việt Pháp, khi Áo dài Việt Nam đứng giữa ranh giới giữa phong kiến và nền văn minh phương Tây du nhập, chứng kiến và đón nhận những tranh luận đa chiều từ dư luận thời bấy giờ.

[Áo dài lụa của Việt Nam chinh phục xứ sở Bạch Dương]

Ấn tượng với những tà áo dài Lemur của Viện nghiên cứu trang phục Việt ảnh 2Giới thiệu áo dài Lemur tại Lễ thành lập Viện nghiên cứu Trang phục Việt tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn: Vietnam+)

Với tên gọi rất thơ nhưng gói ghém trọn vẹn tâm ý của những người thực hiện, "Sắc Lemur" gợi nhớ về cột mốc đánh dấu cho những cải tiến tân thời của áo dài Việt Nam do họa sỹ Nguyễn Cát Tường tiên phong, tạo nên trào lưu trong việc thổi hơi thở thời đại, những chi tiết đậm nét tây phương vào Áo dài Việt Nam.

Không rõ vô tình hay hữu ý, “Lemur” trong tiếng Pháp nghĩa là bức tường. Nếu hiểu ở tầng nghĩa thứ nhất, “Lemur” chính là bút danh của nghệ sỹ.

Nhưng ở tầng nghĩa xa hơn và sâu hơn, “Lemur” phản chiếu những định kiến trói buộc phụ nữ thời bấy giờ trong thân phận thấp kém.

Chính các mẫu Áo Dài Lemur đã xác lập điểm khởi đầu vàng son, mở ra một thế giới quan mới, nơi phụ nữ được tiếp cận nền văn minh thời đại, quyền thể hiện bản thân qua việc lựa chọn trang phục, lối trang điểm, được thể hiện chính kiến đối với các vấn đề xã hội. 

Bà Phạm Thảo Nguyên, tác giả cuốn sách "Áo dài Lemur và Bối cảnh Phong hóa& Ngày nay" đã cung cấp tư liệu quý giá khi được sự đồng ý từ ông Nguyễn Trọng Hiền, con trai họa sỹ Lemur Nguyễn Cát Tường vẫn đang sống tại Mỹ.

Sau đó nhà thiết kế Sĩ Hoàng cùng với những thợ cắt may giỏi nhất phục dựng lại các kiểu mẫu Áo Dài Lemur.

Điểm đặc biệt trong sự kiện, các vị nữ doanh nhân Sài Gòn giới thiệu các kiểu mẫu Áo dài Lemur với thần thái, dáng dấp của những vị nữ lưu thuộc tầng lớp cao nhất của xã hội Hà Nội quý phái như các bà đốc học, các cô giáo, bác sỹ, dược sỹ, y tá, cô giáo cùng các nghệ sĩ danh tiếng, các tôn nữ hoàng tộc và cả bà hoàng hậu tuyệt đẹp trên đỉnh cao nhất vào thập niên 40-50 với sự hóa thân của Hoa hậu đền Hùng Giáng My trong hình ảnh tái hiện Nam Phương Hoàng Hậu.

Ấn tượng với những tà áo dài Lemur của Viện nghiên cứu trang phục Việt ảnh 3Giới thiệu áo dài Lemur tại Lễ thành lập Viện nghiên cứu Trang phục Việt tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn: Vietnam+)

Như càng tôn vinh hơn ý nghĩa vẻ đẹp, nhắc nhớ về lát cắt lịch sử bị lãng quên: Sáng tạo kiểu mẫu Áo Dài Lemur thuộc về họa sỹ Nguyễn Cát Tường, một tài ba hiếm có lên ngai vàng của một vương quốc được gọi là Cõi Đẹp.

Chiếc áo đã nhập vào hình hài Việt Nam một cách hài hòa đến nỗi bây giờ nghiễm nhiên trở thành biểu trưng của bản sắc Việt Nam, và người bạn thân của ông là họa sỹ Lê Phổ đã vẽ lại hình ảnh phụ nữ mặc Áo dài Lemur trên rất nhiều tác phẩm hội họa giá trị vang xa quốc tế.

Sự kiện còn mang ý nghĩa đặc biệt nhằm tôn vinh vai trò quan trọng của người phụ nữ khi được diễn ra vào dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 và Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10.

Sự kiện lễ ra mắt thành lập Viện Nghiên cứu Trang phục Việt chú trọng đề cao tầm quan trọng của nền tảng kiến thức, khi dành trọn buổi sáng cho buổi hội thảo chia sẻ về diện mạo trang phục của dân tộc Khmer, dân tộc Hoa, dân tộc Chăm và dân tộc Kinh trong quá trình hình thành và phát triển vùng đất phương Nam./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục