Hợp tác liên ngành ứng dụng công nghệ, thương mại điện tử cho du lịch

Thỏa thuận hợp tác về ứng dụng công nghệ phát triển du lịch sẽ giúp hỗ trợ hoạt động của lao động ngành du lịch với những kỹ năng mới theo xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Hợp tác liên ngành ứng dụng công nghệ, thương mại điện tử cho du lịch ảnh 1Gian hàng của một trang du lịch trực tuyến tại Hội chợ Du lịch quốc tế lần thứ 6 - VITM Hà Nội 2018. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Sáng 27/9, tại Hà Nội, đại diện Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã ký kết thỏa thuận hợp tác về ứng dụng công nghệ tiên tiến và thương mại điện tử hỗ trợ phát triển du lịch.

Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực đúng vào dịp kỷ niệm Ngày Du lịch thế giới (27/9) năm 2019 với chủ đề “Du lịch và việc làm: Tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả chúng ta.”

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho biết giai đoạn 2015-2018, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng đột phá, từ 7,9 triệu lượt năm 2015 lên 15,5 triệu lượt năm 2018, tăng 1,95 lần, đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 25%/năm.

Đây là tốc độ tăng trưởng cao hàng đầu thế giới theo đánh giá hàng năm của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO). Du lịch Việt Nam đóng góp khoảng 8,39% GDP cả nước, tạo ra khoảng hơn 1 triệu việc làm trực tiếp và gần 2 triệu việc làm gián tiếp.

Trong bối cảnh cách mạng công nghệ lần thứ 4 đang tác động mạnh mẽ, sâu sắc đến hầu hết các ngành, lĩnh vực, việc ứng dụng công nghệ tiên tiến và thương mại điện tử hỗ trợ phát triển du lịch là nhu cầu bức thiết.

[Phát triển du lịch thông minh trong bối cảnh công nghiệp 4.0]

Việc ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) góp phần tích cực phối hợp liên ngành, hỗ trợ hoạt động của lao động trong ngành du lịch với những công nghệ, kỹ năng mới theo xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Đặng Hoàng Hải nêu rõ sự phát triển của công nghệ thông tin, kỹ thuật số đã tác động đến cuộc sống của con người trên toàn cầu.

Nhờ sự hỗ trợ của công nghệ, kỹ thuật số, cuộc sống của con người trở nên thuận lợi hơn, công nghệ cũng góp phần làm thay đổi cách giao tiếp, suy nghĩ của con người.

Du lịch là ngành ứng dụng mạnh mẽ thành tựu khoa học-công nghệ vào phát triển.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đánh giá cao tiềm năng phát triển của ngành du lịch cũng như ứng dụng công nghệ số vào phát triển du lịch...

Theo thỏa thuận, hai bên cơ quan cam kết hợp tác triển khai chương trình “Một thẻ quốc gia” trên phạm vi toàn quốc cùng các giải pháp ứng dụng, dịch vụ trên nền tảng hệ sinh thái thẻ thông minh và thương mại điện tử.

Hai bên cũng phát triển thương mại điện tử trong lĩnh vực du lịch, hỗ trợ các sàn giao dịch điện tử về du lịch trong nước; phát triển cơ sở dữ liệu theo Luật Du lịch 2017 và Luật về giao dịch điện tử 2005.

Hai bên phối hợp với các doanh nghiệp xây dụng ứng dụng cho thiết bị di động hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch, doanh nghiệp du lịch, khách du lịch, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch; ứng dụng quản lý cơ sở dữ liệu; phần mềm quản lý BI (hệ thống phân tích dữ liệu) và ứng dụng Dashboard (hệ thống giao diện hiển thị thông tin quản lý) phục vụ quản lý du lịch và thương mại điện tử...

Trước đó, ngày 30/11/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin phát triển du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025.

Đây là Đề án triển khai Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 6/10/2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Đề án hướng tới phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh, chủ động đáp ứng nhu cầu đặc thù, chuyên biệt của thị trường khách du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch kết nối hiệu quả với các chủ thể liên quan, tạo môi trường cho cộng đồng, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phù hợp với xu hướng cách mạng lần thứ 4.

Đề án cũng góp phần đáp ứng yêu cầu về đổi mới phương thức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục