Vốn tín dụng chính sách xã hội giúp 1,4 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo

Vốn tín dụng chính sách xã hội góp phần giúp trên 1,4 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; tạo việc làm cho trên 775.000 lao động; gần 200.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn.
Vốn tín dụng chính sách xã hội giúp 1,4 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo ảnh 1Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo dự và chủ trì hội nghị. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

Vốn tín dụng chính sách xã hội đã đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên toàn quốc. Giai đoạn từ năm 2016 đến ngày 31/8/2019, có gần 8 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, với doanh số cho vay đạt 221.693 tỷ đồng.

Vốn tín dụng chính sách xã hội góp phần giúp trên 1,4 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 775.000 lao động; gần 200.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 4,9 triệu công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; trên 108 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo.

Thông tin trên được Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Dương Quyết Thắng cho biết tại Hội nghị trực tuyến về vai trò và hiệu quả của tín dụng chính sách trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, do Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 tổ chức sáng 23/9.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì Hội nghị.

Tạo sự thay đổi lớn cho bộ mặt vùng dân tộc thiểu số, vùng nông thôn

Theo ông Dương Quyết Thắng, từ 3 chương trình tín dụng nhận bàn giao (chương trình hộ nghèo, học sinh-sinh viên và giải quyết việc làm), đến nay tín dụng chính sách xã hội đã và đang triển khai thực hiện hơn 20 chương trình và một số chương trình, dự án do các địa phương, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện.

Đến hết tháng 8/2019, tổng nguồn vốn đạt 207.708 tỷ đồng, tăng 63.052 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt 199.823 tỷ đồng, tăng 57.295 tỷ đồng so với cuối năm 2015, tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm đạt 9,7%, với trên 6,6 triệu khách hàng còn dư nợ.

Cho biết những năm qua các cấp Hội Nông dân luôn đồng hành cùng Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai các chương trình tín dụng chính sách đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Xuân Định khẳng định các chương trình tín dụng chính sách xã hội được ban hành thể hiện sự đột phá trong tư duy lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước đối với công cuộc xóa đói, giảm nghèo, tạo sự chuyển biến nhận thức mạnh mẽ trong toàn hệ thống chính trị, đó là chuyển cách làm từ “cho con cá bằng đưa cần câu” cho người nghèo.

Việc đưa nguồn vốn tín dụng chính sách đến người nghèo và các đối tượng chính sách đã thúc đẩy họ tìm cách làm ăn, sử dụng vốn có lợi nhất, bớt dần sự ỷ lại để vươn lên thoát nghèo.

Năm năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách được ủy thác qua Hội Nông dân đã giúp cho trên 3 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn phát triển sản xuất; 132.472 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học, tạo việc làm cho trên 12.000 lượt lao động, trên 2 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường và hơn 115.000 căn nhà cho hộ nghèo được xây dựng..., góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2015 từ 5,97% xuống còn 5,5% vào cuối năm 2018 và thiết thực đóng góp xây dựng nông thôn mới.

Còn theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Yên, tín dụng chính sách là một trong những công cụ đòn bẩy kinh tế của Nhà nước. Hoạt động tín dụng chính sách xã hội do Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện đã có tác động tích cực đối với việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh; làm chuyển biến phương thức sản xuất của hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng sản xuất hàng hóa. Từ nguồn vốn các chương trình tín dụng ưu đãi trong 5 năm qua đã giúp cho gần 11.000 hộ trên địa bàn tỉnh thoát nghèo, tạo việc làm và tăng thêm việc làm cho 10.500 lao động; góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 từ 6,67% xuống còn 2,85% cuối năm 2018.

Là người thụ hưởng chính sách, bà Nguyễn Thị Quyến (thôn An Hội Bắc, xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn, Bình Định) cho biết trước đây gia đình bà thuộc diện hộ nghèo.

Tham gia vào Tổ Tiết kiệm và vay vốn thôn An Hội Bắc và được bình xét cho vay 30 triệu đồng để nuôi bò sinh sản, từ hai con bò cái, gia đình bà đã phát triển lên 4 con.

[Tín dụng chính sách: Công cụ hữu hiệu giảm nghèo bền vững]

Quyết tâm tạo thêm nguồn vốn lâu dài, năm 2018, sau khi trả hết số vốn vay chương trình hộ nghèo, bà mạnh dạn đề nghị vay tiếp 30 triệu đồng từ chương trình vay hộ mới thoát nghèo để mở rộng chăn nuôi bò sinh sản và trồng thêm 2,5ha keo.

Tuy nhiên, khó khăn ập đến khi người con đầu của bà bước chân vào giảng đường đại học, cùng thời điểm chồng bà bị tai nạn và ra đi mãi mãi.

Từ một gia đình bình thường, giờ mất đi trụ cột lao động chính, kinh tế gia đình bà bấp bênh, luôn trong cảnh thiếu trước hụt sau, hai người con có nguy cơ phải bỏ dở việc học. Được Ngân hàng cho vay theo chương trình tín dụng học sinh-sinh viên, hai con bà đã tốt nghiệp đại học đạt bằng giỏi và có việc làm ổn định.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành đánh giá chương trình tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội đã tạo sự thay đổi lớn cho bộ mặt vùng dân tộc thiểu số, vùng nông thôn. Đây là một trong 4 trụ cột quan trọng để giảm nghèo (đất đai, sức lao động, trí lực và điều kiện hạ tầng kinh tế, tín dụng).

Đề cập đến định hướng tới đây, ông Nguyễn Lâm Thành cho rằng cho vay dự án phát triển sản xuất theo chuỗi phải trở thành hệ thống chính sách; gắn cho vay với các hoạt động tổ chức sản xuất, tập huấn phải gắn với cầm tay chỉ việc; các mô hình liên kết cho vay tín dụng sản xuất phải đi theo hướng hỗn hợp gồm cả hộ giàu, hộ khá, hộ nghèo; có chính sách tín dụng phù hợp cho từng vùng, lưu ý đối với một số vùng khó khăn cần áp dụng chính sách tín dụng linh hoạt, tín dụng nhỏ; giảm hỗ trợ có điều kiện.

Trụ cột quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững

Ghi nhận hiệu quả của tín dụng chính sách trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ trên cơ sở các nguồn lực huy động được, Ngân hàng Chính sách xã hội đã triển khai 20 chương trình tín dụng, trong đó tập trung cho 9 chương trình tín dụng lớn: cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay giải quyết việc làm, tín dụng học sinh-sinh viên, tín dụng đối với vùng khó khăn, cho vay hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, tín dụng chính sách xã hội dành riêng cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số với số dư nợ chiếm tới 98%.

Ngoài việc gia tăng về số lượng, chất lượng tín dụng cũng được tăng lên, đi đúng vào đúng đối tượng. Trong khi nợ xấu của nền kinh tế lớn thì của chương trình tín dụng này, nợ quá hạn chỉ 0,4% và nợ khoanh chỉ 0,33%, hầu như không có nợ xấu.

"Có thể nói Ngân hàng Chính sách xã hội và chính sách tín dụng là một trụ cột quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Nhờ trụ cột này, giai đoạn 2015-2018, số hộ nghèo giảm rất nhanh, góp phần đẩy lùi, ngăn chặn tín dụng đen, tạo nguồn lực cho các địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững gắn với các đề án phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân," Phó Thủ tướng nói.

Vốn tín dụng chính sách xã hội giúp 1,4 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo ảnh 2Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Các Chương trình mục tiêu Quốc gia phát biểu kết luận hội nghị. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, chính sách tín dụng cho hộ nghèo là chính sách được triển khai rộng rãi nhất, đáp ứng một lượng lớn nhu cầu vốn cho người nghèo, tác động trực tiếp và mang lại hiệu quả thiết thực, là điểm sáng trong các chính sách giảm nghèo. Đây cũng là chính sách xây dựng được mối liên kết tốt giữa Nhà nước - thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội - với các tổ chức đoàn thể và người nghèo, phát huy được tính chủ động, nâng cao trách nhiệm của người nghèo đối với chính quyền cơ sở qua việc giữ mối liên hệ, hướng dẫn làm ăn, đôn đốc giải ngân, thu nợ của ngân hàng.

Điểm ra những nguyên nhân của sự thành công, song Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng chỉ ra các mặt còn tồn tại, trong đó có việc vốn của địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội còn rất hạn chế, chỉ đạt hơn 14.500 tỷ đồng, chiếm 6,8% tổng nguồn vốn; trong khi đó, riêng Hà Nội là gần 2.873 tỷ đồng, Thành phố Hồ Chí Minh 1.687 tỷ đồng, Bình Dương 1.190 tỷ đồng. Cả nước chỉ có 32/63 tỉnh có mức ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội trên 100 tỷ đồng.

Từ thực tế trên, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, coi đây là một trong những nhiệm vụ trong chương trình, kế hoạch, hoạt động thường xuyên của các cấp ủy, các ngành, địa phương; tổ chức huy động tốt các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội, gắn phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.

Phó Thủ tướng cho rằng cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội, nâng cao hiệu quả giám sát của toàn dân với công tác này; tập trung huy động nguồn lực và hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm thực hiện có hiệu quả hơn tín dụng chính sách từ nay đến năm 2020 và giai đoạn 2021-2025.

Cần tập trung các nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước vào một đầu mối là Ngân hàng Chính sách xã hội, phân biệt rõ ràng chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, các hoạt động cho vay theo chính sách tài khóa này đều phải được cấp bù lãi suất, cấp chi phí quản lý cho Ngân hàng Chính sách xã hội; có cơ chế chính sách tiếp tục bố trí riêng danh mục vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

"Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất hạn mức phát hành trái phiếu Chính phủ, để có mức vốn của nhà nước và có nguồn gốc Nhà nước đủ lớn cho Ngân hàng Chính sách xã hội, có cơ chế cho Ngân hàng tự huy động nguồn vốn trong xã hội để tập trung cho hộ mới thoát nghèo và hộ có mức sống trung bình, giải quyết sinh kế, vươn lên làm giàu," Phó Thủ tướng đề nghị.

Theo Phó Thủ tướng, cần ưu tiên cân đối nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội và bảo đảm hoạt động ổn định của Ngân hàng Chính sách xã hội, tính tới việc sắp tới thực hiện Chương trình mục tiêu quốc phát triển bền vững kinh tế-xã hội các xã miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số khi được Quốc hội thông qua.

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội chủ động tiếp thu các ý kiến đề xuất để hoàn thiện chính sách như nâng thêm mức cho vay, kéo dài thời gian cho vay đối với hộ mới thoát nghèo, tăng mức cho vay đối với hộ sản xuất và các chương trình nước sạch.

Hoan nghênh Thành phố Hồ Chí Minh có chủ trương hằng năm sẽ bổ sung thêm ít nhất 600 tỷ đồng cho vay các đối tượng chính sách, Phó Thủ tướng đề nghị Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân các địa phương tiếp tục dành một phần nguồn vốn thích đáng từ ngân sách để bổ sung nguồn vốn cho vay các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn.

"Tối thiểu mỗi địa phương khó đến mấy cũng phải có 100 tỷ đồng ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội. 16 tỉnh cân đối được ngân sách thì ít nhất phải có 500 tỷ đồng, còn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh mỗi địa phương có ít nhất 5.000 tỷ đồng, như vậy mới có nguồn lực để mở rộng đối tượng, kéo dài thời gian và nâng mức cho vay," Phó Thủ tướng kêu gọi.

Phó Thủ tướng đề nghị năm 2020 và giai đoạn 2021-2025, tăng trưởng tín dụng hàng năm của Ngân hàng Chính sách xã hội tối thiểu phải đạt 10%, phấn đấu ở mức 12%. Mặt trận Tổ quốc mở rộng cuộc vận động "Vì người nghèo" để huy động sự đóng góp của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, cá nhân bổ sung nguồn vốn cho tín dụng chính sách xã hội.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến việc nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng quản trị các cấp, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ; thực hiện tốt việc huy động, quản lý và sử dụng vốn có hiệu quả, nâng cao hiệu quả công tác ủy thác với các tổ chức chính trị, xã hội, không để phát sinh nợ đọng, nợ khoanh mới.

Phó Thủ tướng lưu ý Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính không để nợ nghĩa vụ của Nhà nước đối với Ngân hàng Chính sách xã hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục