Chưa nên giảm thuế nhập khẩu sữa để ổn định ngành sữa trong nước

Hội đồng xuất khẩu Sữa Hoa Kỳ và Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (Am Cham Việt Nam) vừa kiến nghị xem xét giảm thuế suất thuế nhập khẩu của một số mặt hàng sữa từ 3 - 5%. Tuy nhiên phía Bộ Tài chính cho rằng, cần giữ nguyên thuế để hỗ trợ ngành sữa trong nước ổn định phát triển.

Chú thích ảnh
Chưa giảm thuế nhập khẩu ưu đãi thông thường đối với một số mặt hàng sữa nhập. Ảnh: Lan Phương/TTXVN.

Kiến nghị của Hội đồng xuất khẩu Sữa Hoa Kỳ là giảm thuế MFN (thuế nhập khẩu ưu đãi thông thường) đối với sữa bột tách kem; sữa bột nguyên kem; pho mát và sữa đông; Albumin sữa. Cụ thể, Sữa công thức cho trẻ em; sản phẩm dinh dưỡng y tế, mức thuế suất MFN hiện là 10%, đề xuất giảm xuống 7%. 

Các chế phẩm thực phẩm dùng cho trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ (cho trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ thiếu lactaza); mã 2106.90.89 - loại khác đang có mức thuế suất MFN hiện tại là 15%, đề xuất giảm xuống 10%. Sản phẩm dinh dưỡng y tế khác có mã hàng 2106.90.96, thuế suất MFN là 10 % đề xuất giảm xuống 7%.

Phía Bộ Tài chính cho hay: Theo cam kết Tổ chức thương mại thế giới (WTO), thuế suất ưu đãi MFN và thuế suất ưu đãi đặc biệt quy định tại Nghị định số 125/2017/NĐ-CP và các nghị định của Chính phủ quy định về thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt FTAs, các mặt hàng trên đều có mức thuế suất tùy từng thị trường, từ 0 - 10%.

Ví dụ, như mặt hàng sữa bột tách kem có mức thuế suất MFN là 5%; thuế tại Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) là 0%; thuế tại Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Australia, New Zealand (AANZFTA) là 0 - 5%. Kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này năm 2018 là 172,9 triệu USD, chủ yếu từ các nước có thuế suất MFN. Mặt hàng pho mát và sữa đông có thuế suất MFN là 10%; ATIGA là 0%, AANZFTA là 0 - 4%. Kim ngạch nhập khẩu năm 2018 của mặt hàng này là 12,6 triệu USD, chủ yếu từ các nước có thuế suất AANZFTA…

Đối với chế phẩm sơ sinh dùng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thuộc các mã hàng 2106.90.81, 2106.90.89, thuế suất MFN là 15%, cam kết WTO là 20%. Kim ngạch nhập khẩu 2018 của mã hàng 2106.90.81 khoảng 600 nghìn USD, nhập khẩu từ Hà Lan, Bồ Đào Nha. Mã hàng 2106.90.89 là khoảng 2 triệu USD, nhập khẩu chủ yếu từ Hàn Quốc (50% tổng kim ngạch nhập khẩu), nhập khẩu từ Mỹ chỉ khoảng 214 nghìn USD.

Số liệu kim ngạch nhập khẩu thống kê cho thấy mặt hàng sữa, phomat sữa đông, albumin được nhập khẩu chủ yếu từ các thị trường NewZealand, Singapore, Nhật Bản, Mỹ, Úc và đã được hưởng mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết (ATIGA, AANZFTA), cũng như sẽ tiếp tục được hưởng ưu đãi từ Hiệp định CPTPP và Hiệp định EAEUFTA (Việt Nam – Liên minh kinh tế Á Âu). Hiện nay trong nước đã có nhiều doanh nghiệp sản xuất được mặt hàng sữa và các sản phẩm từ sữa (Vinamilk, TH True Milk…).

Mặt khác, theo Quyết định số 1380/QĐ-BCT của Bộ Công thương về việc ban hành danh mục các mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu, trong đó có các mặt hàng sữa thuộc nhóm 0402 và 0406.

Vì vậy, tại Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 125/2017/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ Tài chính đã đề xuất chưa xem xét giảm thuế các mặt hàng thuộc các nhóm nêu trên.

Minh Phương/Báo Tin tức
Sữa ngoại “nín thở” chờ cơ chế điều hành giá mới
Sữa ngoại “nín thở” chờ cơ chế điều hành giá mới

Mới đây, chỉ sau vài ngày nhận bàn giao quản giá sữa từ Bộ Tài chính, Bộ Công Thương đã ra quyết định kéo dài thời gian bình ổn giá các mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi tới hết tháng 3/2017. Quyết định này khiến người tiêu dùng lo lắng, thời gian tới giá sữa sẽ lại "nhảy múa" chóng mặt như trước đây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN