Nước biển dâng và những cuộc di cư không có ngày trở lại

Với hàng trăm triệu người mất nhà cửa do tình trạng nước biển dâng, một viễn cảnh chắc chắn xảy ra trong tương lai gần, đó sẽ mãi mãi là một cuộc "di tản" không có ngày trở về.
Nước biển dâng và những cuộc di cư không có ngày trở lại ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: fijipocketguide.com)

Hầu hết những người tị nạn phải từ bỏ "nơi chôn nhau cắt rốn" vì những lý do như khủng bố, đói nghèo hay vì một giấc mơ đổi đời... đến một ngày nào đó, họ vẫn có thể trở về nhà.

Tuy nhiên, với hàng trăm triệu người mất nhà cửa do tình trạng nước biển dâng, một viễn cảnh chắc chắn xảy ra trong tương lai gần, đó sẽ mãi mãi là một cuộc "di tản" không có ngày trở về.

Chuyên gia địa chính trị và môi trường, đồng thời là Giám đốc tổ chức giám sát Hugo Observatory ở Liege ở Bỉ, ông Francois Gemenne cho rằng: "Khi mực nước biển dâng cao, chúng ta sẽ chỉ có thể nói về vấn đề di cư mà không có sự lựa chọn cho hành trình trở về."

Theo số liệu thống kê của Liên hợp quốc, do tác động trực tiếp của tình trạng biến đổi khí hậu, mực nước biển trên đại dương toàn cầu đã tăng từ 15-20 cm kể từ năm 1900.

[Sụt lún đất thúc đẩy quá trình nước biển dâng ở Địa Trung Hải]

Cho đến gần đây, mực nước biển gia tăng là do thể tích nước tăng lên vì nền nhiệt cao hơn. Và ngày nay, hiện tượng các sông băng bị tan chảy, đặc biệt các tảng băng ở đỉnh Greenland ở Bắc Đại Tây Dương và Nam Cực tan chảy, đã trở thành nguyên nhân chính khiến mực nước biển dâng nhanh.

Chỉ trong vòng một thập kỷ vừa qua, tốc độ gia tăng của mực nước biển đã tăng gần gấp 3 lần so với thế kỷ trước.

Các nhà khoa học cho rằng mực nước tại các đại dương sẽ dâng cao bao nhiêu vào năm 2100, chủ yếu sẽ phụ thuộc vào nhiệt độ Trái Đất sẽ gia tăng thế nào.

Theo dự thảo báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), nếu con người kiểm soát được tốc độ ấm dần lên toàn cầu ở mức tăng 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp - như mục tiêu đặt ra của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu - mực nước biển sẽ dâng khoảng 0,5 mét.

Trong trường hợp nhiệt độ Trái Đất tăng 3-4 độ C với nỗ lực kiểm soát khí thải gây hiệu ứng nhà kính không hiệu quả, mực nước biển có thể sẽ tăng cao gần 1 mét, sẽ đủ để phá hủy hàng chục đại đô thị ven biển, thậm chí nhấn chìm nhiều quốc đảo trên thế giới.

Thảm họa hơn nữa, nếu mực nước biển tăng cao hơn 1,2 mét, không chỉ là các thành phố, mà nhiều quốc gia ven biển hoàn toàn có thể bị xóa sổ khỏi bản đồ thế giới.

Dự kiến, những số liệu thống kê quan trọng quan trọng liên quan đến các đại dương và những khu vực còn đóng băng trên Trái Đất này sẽ được chính thức công bố tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu diễn ra vào cuối tháng 9 tại New York (Mỹ)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục