Gió mùa sẽ giúp xua khói mù đang hoành hành ở Malaysia

Giai đoạn chuyển gió mùa ở Malaysia được dự báo sẽ bắt đầu vào ngày 24/9 và sẽ kéo dài đến đầu tháng 11 và với mưa lớn, gió mạnh, tình hình khói mù trên toàn Malaysia dự kiến sẽ được cải thiện.
Tòa tháp đôi Petronas ở thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia chìm trong khói mù ngày 10/9/2019. (Ảnh: THX/TTXVN)
Tòa tháp đôi Petronas ở thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia chìm trong khói mù ngày 10/9/2019. (Ảnh: THX/TTXVN)

Cơ quan khí tượng Malaysia ngày 21/9 cho biết giai đoạn chuyển gió mùa sắp tới với mưa to và gió lớn sẽ giúp giảm bớt tình trạng khói mù đang hoành hành nước này.

Giai đoạn chuyển gió mùa ở Malaysia được dự báo sẽ bắt đầu vào ngày 24/9 và sẽ kéo dài đến đầu tháng 11, đánh dấu sự kết thúc của giai đoạn gió mùa Tây Nam bắt đầu từ tháng Năm vừa qua. Với mưa lớn và gió mạnh, tình hình khói mù trên toàn Malaysia dự kiến sẽ được cải thiện.

Tuy nhiên, cơ quan khí tượng nước này cũng cảnh báo rằng hiện tượng thời tiết trên có thể gây lũ lụt và ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng vốn yếu kém dọc bờ biển phía Tây bán đảo Malaysia, cùng các khu vực Sabah và Sarawak thuộc miền Bắc bang Borneo.

Tính đến 17h ngày 21/9 (giờ địa phương), vẫn còn 18 khu vực tại Malaysia ghi nhận chỉ số ô nhiễm không khí (API) "không lành mạnh" trong khoảng từ 100 đến 160 API, song dù sao đây cũng là con số tích cực hơn so với số liệu thống kê một ngày trước đó.

Theo thang đánh giá chất lượng không khí của Malaysia, chỉ số chất lượng không khí API từ 0-50 có nghĩa là tốt, 51-100 là vừa phải, 101-200 là không lành mạnh, 201-300 là rất không lành mạnh và từ mức 301 trở lên là nguy hiểm.

[Hàng nghìn trường học ở Malaysia, Indonesia đóng cửa do khói mù]

Bộ Năng lượng, Công nghệ, Khoa học, Biến đổi khí hậu và Môi trường của Malaysia cho biết hiện tượng khói mù ở nước này là hệ quả của các vụ cháy rừng ở quốc gia láng giềng Indonesia. Tình trạng khói mù bao phủ xảy ra hằng năm tại một số quốc gia Đông Nam Á trong mùa khô khi người dân Indonesia đốt rừng, phát quang đất để trồng cọ dầu và các loại cây trồng khác cũng như các hoạt động tại lâm trường sản xuất các nguyên liệu giấy.

Tuy nhiên, chất lượng không khí trong năm nay được coi là tồi tệ nhất kể từ năm 2015 do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino gây ra tình trạng hạn hán kéo dài. Cơ quan Giảm thiểu thiên tai Indonesia cho biết kể từ đầu năm, hơn 328.000ha rừng và đất than bùn bị đốt cháy.

Khói mù không chỉ gây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân mà còn làm đảo lộn nhịp sống, cũng như khiến nhiều sân bay, trường học phải tạm đóng cửa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục