Lịch thi tuyển, xét tuyển viên chức giáo dục năm 2019

Ngày 20/9, Sở Nội vụ Hà Nội ban hành Thông báo số 2239/TB-SNV về lịch tổ chức thi tuyển, xét tuyển viên chức cho các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã năm 2019.

Theo đó, đối với các địa phương lựa chọn hình thức thi tuyển, từ ngày 15/10 đến ngày 10/11, các thí sinh sẽ thi trắc nghiệm môn Ngoại ngữ và Kiến thức chung trên máy vi tính (có lịch thi cụ thể đối với từng quận, huyện, thị xã). Địa điểm thi tại Trung tâm Đào tạo công nghệ thông tin và truyền thông ở số 1 đường Hoàng Đạo Thúy, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Các thắc mắc của thí sinh sẽ được giải quyết ngay khi thí sinh thi xong mỗi ca.

Từ ngày 11 - 15/11, các hội đồng tuyển dụng lập danh sách thi viết vòng hai đối với các thí sinh đạt 50 điểm trở lên mỗi môn thi trắc nghiệm tại vòng một, danh sách này được công bố trên trang web và niêm yết tại trụ sở các đơn vị. Tiếp đó, ngày 17/11, các thí sinh sẽ tham gia phần thi viết môn nghiệp vụ chuyên ngành tại các quận, huyện, thị xã (thời gian làm bài 180 phút); chậm nhất ngày 24/11 sẽ công bố kết quả phần thi viết. Sau khi có điểm thi tổng kết, các thí sinh sẽ gửi đơn phúc khảo từ ngày 25/11 đến ngày 9/12, chậm nhất ngày 13/12 sẽ công bố kết quả phúc khảo.

Đối với các địa phương lựa chọn hình thức tuyển dụng là xét tuyển, từ ngày 17 -30/11 sẽ diễn ra cuộc sát hạch bằng phỏng vấn đối với nhân viên và thực hành giảng dạy đối với giáo viên. Điểm phần thi sát hạch được thông báo từ ngày 1 - 5/12. Sau đó, UBND quận, huyện, thị xã, hội đồng tuyển dụng sẽ tổng hợp, rà soát kết quả sát hạch và đề nghị Chủ tịch UBND cấp quận, huyện, thị xã công nhận kết quả sát hạch và thông báo kết quả sát hạch cho thí sinh.

Đối với cả hai hình thức tuyển dụng, UBND các quận, huyện, thị xã sẽ hoàn thiện hồ sơ thí sinh trúng tuyển và hướng dẫn các đơn vị sự nghiệp ký hợp đồng làm việc với các thí sinh trúng tuyển từ ngày 21/12 đến tháng 1/2020.

Trước đó, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đã ký ban hành kế hoạch xét tuyển viên chức làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở công lập trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã của thành phố năm 2019.

Trong kế hoạch tuyển dụng viên chức năm 2019 sẽ có tám quận, huyện đăng ký tuyển dụng bằng hình thức xét tuyển là: Cầu Giấy, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Tây Hồ, Ba Vì, Mỹ Đức. Hình thức xét tuyển được thực hiện theo quy định tại Khoản 5 Điều 2 Nghị định 161/2018/NĐ-CP.

Việc thực hiện phỏng vấn, thực hành được thực hiện theo quy chế tổ chức xét tuyển công chức, viên chức, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức ban hành kèm theo Thông tư 03/2019 của Bộ Nội vụ.

Mới đây, theo thông báo kết luận của Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu, qua rà soát của các quận, huyện, thị xã, không ai trong số gần 3.000 giáo viên của Hà Nội đủ điều kiện xét tuyển đặc biệt vào viên chức theo quy định tại Khoản 7, Điều 2, Nghị định 161/2018/NĐ-CP.

Theo đó, tất cả các giáo viên hợp đồng ở Hà Nội không được xét tuyển đặc cách do vướng quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 14, Nghị định 161/2018/NĐ-CP, theo đó, trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng viên chức phải là người ký hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật là làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc đơn vị sự nghiệp ngoài công lập.

Thông báo kết luận của Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đã không đồng nhất với những lời khẳng định trước đó của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Chủ tịch Nguyễn Đức Chung từng khẳng định sẽ xét tuyển số giáo viên hợp đồng này nếu đáp ứng đủ ba tiêu chí: có hợp đồng từ năm  năm trở lên, có đủ sức khỏe và có chuyên môn phù hợp với vị trí cần tuyển dụng.

Sự không đồng nhất nói trên gây cho các giáo viên hợp đồng của thành phố Hà Nội cảm giác bất an về cách thức tuyển dụng viên chức trong lĩnh vực giáo dục của UBND thành phố Hà Nội. Nếu xét theo ba tiêu chí do Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đưa ra trước đó thì nhiều giáo viên nắm chắc khả năng trúng tuyển. Tuy nhiên, khi quyết định nói trên bị thay đổi theo thông báo kết luận của Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu thì các giáo viên hợp đồng rơi vào tình trạng sốc.

Được biết, nhiều giáo viên hợp đồng ở các huyện Ba Vì, Sơn Tây đã bị chấm dứt hợp đồng ngay trước thềm năm học mới. 256 giáo viên hợp đồng ở huyện Sóc Sơn vẫn đến lớp giảng dạy nhưng không yên tâm công tác do họ lo lắng khi chưa chính quyền và cơ quan chức năng chưa có quyết định cuối cùng về việc tuyển dụng.

Nguyễn Cúc (TTXVN)
Đắk Nông tạm giao 634 biên chế giáo viên mầm non cho các địa phương
Đắk Nông tạm giao 634 biên chế giáo viên mầm non cho các địa phương

Ông Nguyễn Bốn, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông vừa ký quyết định tạm giao bổ sung 634 biên chế giáo viên mầm non cho các huyện, thị trong toàn tỉnh. Đây là số biên chế giáo viên được Bộ Nội vụ đồng ý bổ sung cho tỉnh Đắk Nông vào cuối tháng 6/2019.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN