Tập hợp, vận động, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân

Sáng 20/9, Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần IX bước vào ngày làm việc thứ ba.

Đại hội tiếp tục thảo luận, làm sáng rõ hoạt động của Mặt trận các địa phương, đóng góp của các tổ chức thành viên trong củng cố, tập hợp thành viên, vận dụng sáng tạo các nội dung Chương trình hành động Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VIII vào thực tiễn, công tác xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, các giải pháp nâng cao chất lượng công tác mặt trận trong nhiệm kỳ tới…

Nuôi dưỡng tinh thần sáng tạo trong thanh niên

Chú thích ảnh
Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Lê Quốc Phong trình bày tham luận với nội dung "Không ngừng củng cố, mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên, phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, sáng tạo của thanh niên trong phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh". Ảnh: TTXVN

Phát biểu tham luận tại Đại hội, Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Lê Quốc Phong khẳng định, thanh niên là lực lượng đóng góp chủ chốt và lâu dài trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước. Thanh niên đã được kỳ vọng sẽ kế thừa xứng đáng truyền thống cách mạng của các thế hệ cha anh, làm nên những dấu ấn, kỳ tích mới trong sự phát triển của đất nước.

Nhận thức đầy đủ sự tin yêu, kỳ vọng đó, đại bộ phận thanh niên Việt Nam trong và ngoài nước, thông qua nhiều phong trào hành động cách mạng của Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Thanh niên, Hội Sinh viên Việt Nam và nhiều tổ chức thanh niên do đoàn làm nòng cốt đang nỗ lực học tập, rèn luyện, lao động, công tác, tận dụng tốt những cơ chế, chính sách Đảng, Nhà nước dành cho; đồng thời nỗ lực khắc phục khó khăn, đối diện thách thức để vượt qua, khẳng định và cống hiến.

Một trong những yếu tố tích cực trong sự tham gia tích cực và hiệu quả của thanh niên đó chính là thúc đẩy, nuôi dưỡng tinh thần sáng tạo, biến sáng tạo trở thành một thuộc tính, thế mạnh của thanh niên Việt Nam.

Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn khẳng định: Thực tế cho thấy, năng lực sáng tạo của thanh niên Việt Nam không hề thua kém thanh niên khu vực và một số nước trên thế giới. Tuy nhiên, từ tiềm năng đến hiện thực hóa, từ năng lực tiềm ẩn trở thành sức mạnh phát triển, từ biểu hiện của một bộ phận nhỏ trở thành phong trào to lớn, rộng khắp của mọi thanh niên lại trở thành điểm cần sự nỗ lực, cố gắng của chính thanh niên cũng như những người làm công tác thanh niên, của các tổ chức thanh niên.

5 năm qua, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã kiên trì nhiều giải pháp, đổi mới nhiều cách làm để phát huy tinh thần sáng tạo của thanh niên Việt Nam. Ông Lê Quốc Phong cho biết, từ một phong trào nhánh “Sáng tạo trẻ” từ năm 2014 đến Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, năm 2017, “Tuổi trẻ sáng tạo” đã trở thành một trong ba phong trào chính của tuổi trẻ Việt Nam. “Giai đoạn 2027 - 2022, thanh niên Việt Nam dự kiến sẽ đóng góp ít nhất 5 triệu ý tưởng, sáng kiến, tham gia giải quyết các vấn đề cụ thể của cuộc sống”, Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn khẳng định.

Từ chỗ xác định tiêu chí sáng kiến chỉ trong một số danh hiệu, giải thưởng của đoàn, hội, đến nay tất cả những tôn vinh, biểu dương do đoàn, hội tổ chức đều xem yếu tố sáng tạo trong lao động, học tập, công tác là yêu cầu cần có. Trong các phong trào, cuộc vận động, chương trình của đoàn, hội đều hướng đến việc thúc đẩy, tạo môi trường để thanh niên nuôi dưỡng, thể hiện tinh thần sáng tạo của mình. “Nhiều hội thi, hoạt động hỗ trợ ý tưởng, đề tài nghiên cứu khoa học, các diễn đàn tài năng trẻ, trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu, Cổng thông tin Ngân hàng ý tưởng sáng tạo thanh niên Việt Nam đã trở thành nơi thể hiện sức sáng tạo của thanh niên Việt Nam”, Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn chia sẻ.

Với tinh thần sáng tạo để vươn lên, sáng tạo để đóng góp nhiều hơn cho đất nước, sáng tạo để khẳng định trí tuệ, tầm vóc của thanh niên Việt Nam, từ năm 2017 đến nay, đã có hơn 1 triệu ý tưởng, sáng kiến của thanh niên ở tất cả các lĩnh vực đời sống. Hàng chục nghìn ý tưởng, sáng kiến của thanh niên ở các lĩnh vực đã trực tiếp mang lại những giá trị to lớn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, địa phương. Các điển hình thanh niên sáng tạo xuất hiện ngày càng nhiều và được xã hội đánh giá cao.

Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn nhấn mạnh, phong trào “Tuổi trẻ sáng tạo” chính là một trong những giải pháp hiệu quả để Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và thanh niên Việt Nam trong và ngoài nước tham gia tích cực vào cuộc vận động nhân dân thi đua lao động, sáng tạo, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh của đất nước.

Phát huy vai trò người việt Nam ở nước ngoài trong hoạt động đối ngoại nhân dân

Chú thích ảnh
Bà Phan Bích Thiện, Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hungary trình bày tham luận với nội dung "Phát huy vai trò của người Việt Nam ở nước ngoài trong hoạt động đối ngoại nhân dân, nâng cao vị thế của Việt Nam". Ảnh: TTXVN

Chia sẻ về việc phát huy vai trò người Việt Nam ở nước ngoài, Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hungary Phan Bích Thiện cho rằng, những năm gần đây, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài càng ngày càng được Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc quan tâm. Nhờ đó, khối kiều bào đã phát huy được nhiều hơn tiềm năng của mình trong công tác đối ngoại nhân dân, cũng như trong hoạt động hướng về quê hương, đất nước.

Là một người đã và đang sinh sống ở nước ngoài 33 năm, được chứng kiến sự đổi thay và phát triển của cộng đồng người Việt xa xứ, đồng thời trực tiếp tham gia các hoạt động cộng đồng, bà Bích Thiện cho biết, cộng đồng người Việt Nam tại Hungary tuy không lớn về số lượng (khoảng 5.000 người), song, đã có nhiều đóng góp tích cực trong các hoạt động hướng về quê hương, đất nước, cũng như trên mọi mặt của đời sống xã hội nước sở tại, được lãnh đạo nước bạn đánh giá là một cộng đồng người nước ngoài mạnh, có tri thức, đoàn kết và hội nhập tốt.

Từ kinh nghiệm thực tiễn trong công tác cộng đồng, bà Phan Bích Thiện nhận thấy vai trò của cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở mỗi quốc gia vô cùng quan trọng trong các hoạt động đối ngoại nhân dân, là cầu nối thiết thực góp phần đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam với các nước trên thế giới.

Để hoạt động này ngày càng được phát huy và có hiệu quả hơn nữa, bà Thiện cho rằng, cần quan tâm xây dựng các tổ chức, hội đoàn, câu lạc bộ… của người Việt ở mỗi nước; nên đa dạng hóa các hội đoàn phù hợp với các nhóm đối tượng khác nhau để vận động được nhiều hơn bà con tham gia vào các hoạt động chung của cộng đồng. Đặc biệt, cần chú trọng vận động đội ngũ trí thức, các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nhân, người thành đạt, người có ảnh hưởng là người Việt Nam ở nước sở tại tham gia vào việc thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước.

"Đây là lực lượng có uy tín không chỉ đối với cộng đồng người Việt Nam ở mỗi nước mà còn tới cả người dân bản địa. Khuyến khích, động viên đội ngũ này thông qua tầm ảnh hưởng và các mối quan hệ của họ với chính quyền và các tổ chức nước sở tại để thúc đẩy quan hệ chính trị, kinh tế, khoa học, thương mại giữa Việt Nam và các nước", bà Phan Bích Thiện nêu quan điểm. Cũng theo bà Thiện, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nên có cơ chế hỗ trợ thành viên trong việc kết nối với các tổ chức tương đương của nước sở tại.

Đoàn kết tôn giáo, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Chú thích ảnh
 Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát biểu với nội dung “Phật giáo Việt Nam tiếp tục truyền thống “Hộ quốc an dân” tích cực đóng góp xây dựng Đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ mới”. Ảnh: TTXVN

Nhìn nhận tập hợp, vận động, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân là một trong những nhiệm vụ, vai trò quan trọng hàng đầu của MTTQ Việt Nam, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa VIII, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định, tinh thần đoàn kết luôn là chất keo gắn bó tất cả các mối quan hệ trong cuộc sống, đưa đến sự thành công viên mãn. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Không có thứ vũ khí nào khác có đủ sức mạnh vô địch để chiến thắng kẻ thù ngoài sự đoàn kết các giai cấp, các dân tộc, các tôn giáo”. Chính vì vậy, vấn đề tập hợp, đoàn kết và đoàn kết tôn giáo trong thời đại ngày nay chưa bao giờ mất đi ý nghĩa, vai trò quan trọng. Điều này cũng được thể hiện rất rõ qua tư tưởng của Đức Phật trong Kinh Trường Bộ, phẩm Kinh Đại Niết Bàn.

Đặc biệt, kể từ ngày Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập vào năm 1981, với phương châm hoạt động “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, truyền thống hộ quốc an dân của Phật giáo lại một lần nữa được phát huy, tăng ni Phật tử tích cực hưởng ứng các cuộc vận động như “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, nhiệt tình hưởng ứng các chính sách “Đền ơn, đáp nghĩa” đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, đóng góp công sức tiền của xây dựng nhà tình thương, nhà tình nghĩa, nhận nuôi dưỡng chăm sóc các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, nuôi dưỡng người già có hoàn cảnh khó khăn và trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, mở phòng khám chữa bệnh miễn phí cho người cao tuổi…

Truyền thống “hộ quốc an dân” đã được Giáo hội Phật giáo Việt Nam không ngừng phát huy với nhiều kết quả đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng ngôi nhà đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ đổi mới của đất nước. “Nói đến vai trò “hộ quốc an dân” của Phật giáo trong các hoạt động xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đó là vai trò trách nhiệm của Phật giáo đối với đời sống con người trong sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh, bởi vì đây là sứ mạng cao cả của đạo Phật và đây cũng chính là trách nhiệm thiêng liêng của Phật giáo Việt Nam trong mọi thời đại”, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định, Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh sẵn có, phấn đấu nỗ lực cống hiến hết mình vì lý tưởng xây dựng một xã hội tình thương, an lạc và hạnh phúc, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ mới.

Theo Linh mục Trần Xuân Mạnh, Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa VIII, Chủ tịch Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, 7 triệu giáo dân Việt Nam ý thức được trách nhiệm của mình đối với quê hương đất nước. Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam đã và đang vận động đồng bào Công giáo tham gia xây dựng đất nước theo hướng phát triển bền vững, đảm bảo phát triển dung hòa 3 lĩnh vực: Kinh tế, văn hóa xã hội và môi trường. Đồng bào Công giáo hưởng ứng chủ trương dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng lớn; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi… Tại nhiều địa phương, đồng bào Công giáo tích cực đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa, hiện đại hóa trong nông nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Chung tay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, đồng bào Công giáo Việt Nam đã đóng góp hàng nghìn tỉ đồng và hàng chục ngàn ngày công lao động, sẵn sàng hiến đất mở rộng đường nông thôn... Nhiều địa phương có đông đồng bào Công giáo được chọn làm thí điểm xây dựng huyện nông thôn mới đã về đích như các huyện Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai); Hải Hậu (tỉnh Nam Định); Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng)...

Chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục, y tế cùng với các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, từ thiện, bác ái là thế mạnh của người Công giáo. Đồng bào Công giáo cả nước tích cực tham gia các hoạt động khám, chữa bệnh cho người nghèo, chăm sóc sức khỏe cộng đồng bằng cách tổ chức các đợt khám, chữa bệnh lưu động và tại các phòng khám, chữa bệnh từ thiện.

Thông qua Ủy ban MTTQ Việt Nam và Hội Chữ Thập đỏ ở địa phương, nhiều linh mục ở giáo xứ: Lộc Thiện, Lộc Thành, Phú Lương, Tích Thiện, Đăk Nhau, Đăk Ơ (Bình Phước) đã mời đoàn y bác sĩ ở bệnh viện tuyến Trung ương về khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho các bệnh nhân nghèo tại giáo xứ, không phân biệt lương, giáo. Dòng Mến Thánh giá Nha Trang duy trì 3 cơ sở nuôi dạy trên 150 trẻ mồ côi đã từ nhiều năm nay. Phòng khám bệnh đa khoa Tòa Giám mục Xã Đoài (Nghệ An) trong 5 năm qua đã tổ chức khám từ thiện, cấp thuốc miễn cho hơn 11 nghìn lượt người...

Con đường đồng hành cùng dân tộc là xu thế tất yếu được Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam - tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - kiên trì thực hiện. Người Công giáo Việt Nam bằng những hành động cụ thể, ngày càng ra sức học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với tinh thần “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công”, Linh mục Trần Xuân Mạnh cho biết.

Thanh Vân - Hiền Hạnh - Đỗ Bình (TTXVN)
Khai mạc trọng thể Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX
Khai mạc trọng thể Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX

Với chủ đề “Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Phát triển”, Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX đã khai mạc trọng thể sáng 19/9 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Thủ đô Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN