Điều chỉnh lãi suất điều hành có kỳ vọng lãi vay hạ?

Cách đây 2 ngày, lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước chính thức giảm 0,25 điểm phần trăm. Đây là lần giảm lãi suất điều hành đầu tiên của ngân hàng kể từ tháng 10/2017. Không ít người băn khoăn: Liệu lãi suất cho vay từ nay tới cuối năm có “hạ nhiệt”?

Chú thích ảnh
Doanh nghiệp mong chờ lãi xuất cho vay giảm hơn nữa để tiết kiệm chi phí. Ảnh: Sao Mai

Theo TS, chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, đối tượng của lãi suất điều hành tại Việt Nam chỉ là các ngân hàng thương mại (NHTM). Dĩ nhiên các ngân hàng được giảm lãi suất sẽ dùng ngay vốn vay trên liên ngân hàng để cho vay trên thị trường 1 (thị trường các NHTM huy động vốn và cho vay với các tổ chức kinh tế, cá nhân). Do vậy, tác động đến lãi suất cho vay sẽ không đáng kể vì thị trường 1 và thị trường 2 (thị trường đi vay vốn khả dụng lẫn nhau giữa các ngân hàng trung gian) không liên thông. 

“Lần này cũng như nhiều lần khác, tác động của việc giảm lãi suất điều hành trên thị trường 1, mức điều chỉnh lãi suất 0,25% so với lãi suất cho vay các thành phần kinh tế từ 9 - 11%/năm không có ý nghĩa nhiều. Lúc này, các NHTM đang chịu áp lực tăng lãi suất huy động trung và dài hạn để huy động vốn nên cũng khó giảm lãi suất cho vay. Động thái giảm lãi suất điều hành vừa qua là thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế, hỗ trợ xuất khẩu", TS Nguyễn Trí Hiếu nói.

Đề cập câu hỏi dự báo từ nay đến cuối năm, liệu khả năng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ có thêm các đợt cắt giảm lãi suất điều hành nữa để tác động mạnh hơn tới tăng trưởng kinh tế? TS Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia cho rằng: Không cần thiết phải giảm thêm lãi suất.

Theo TS Cấn Văn Lực, lãi suất hiện không phải là điểm nghẽn đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Hai là mức độ ảnh hưởng của lãi suất điều hành đối với thị trường 1 không quá lớn, chủ yếu là tác động đến thị trường 2 và các ngân hàng có liên quan đến vấn đề thanh khoản hoặc ngân hàng triển khai các gói tín dụng vay tái cấp vốn. Giả sử, NHNN có giảm thêm 1% - 2% lãi suất điều hành mà quan hệ tương quan đối với thị trường 1 không nhiều thì mức độ ảnh hưởng vẫn thế. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất điều hành của NHNN cũng sẽ giúp ổn định mặt bằng lãi suất đầu ra, tức lãi suất cho vay ít nhất sẽ không tăng, trong bối cảnh lãi suất đầu vào có nhích lên trong thời gian qua.

Việc giảm lãi suất điều hành sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới? ông Cấn Văn Lực cho rằng: Sẽ cần có lộ trình và độ trễ nhất định. Vì khi các tổ chức tín dụng (TCTD) vay từ NHNN, có thể vay dưới dạng tái cấp vốn, vay liên ngân hàng qua đêm…chỉ ở những trường hợp nhất định, ví dụ có các gói tín dụng mà NHNN yêu cầu phải ưu tiên, hỗ trợ. Nếu các NHTM tham gia các gói hỗ trợ đó sẽ được vay tái cấp vốn từ NHNN với lãi suất thấp hơn một chút và đương nhiên, mức vay sẽ không nhiều.

TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: Muốn giảm lãi vay phải giảm lãi suất huy động vì các ngân hàng phải giữ biên độ 3% chênh lệch giữa đầu vào, đầu ra mới có lợi nhuận. Điều kiện để giảm lãi suất huy động xuống là phải giảm lạm phát. “Nếu muốn giảm lãi suất cho vay xuống 9%/năm, ngân hàng phải giảm lãi suất huy động xuống 6%/năm và đẩy lạm phát xuống 4%/năm. Nếu muốn lãi suất cho vay rất thấp 5%/năm phải đẩy lãi suất huy động xuống 2% và đẩy lạm phát xuống 0%. Một điều kiện nữa để giảm lãi suất cho vay là các ngân hàng trở nên lành mạnh để tiết kiệm chi phí vốn. Đây là bài toán rất khó gỡ của Việt Nam. Các ngân hàng tại Việt Nam còn rất nhiều nợ xấu, bao gồm cả nợ xấu nội bảng và nợ xấu bán cho Công ty VAMC. Nợ xấu đó là tài sản không sinh lời”, ông Nguyễn Trí Hiếu nói.

Vì vậy một số ý kiến cho rằng: Nếu bây giờ ngân hàng được lành mạnh hóa thông qua 2 điều kiện là xử lý được nợ xấu để bảng cân đối tài sản trở nên trong sạch, và bổ sung đủ vốn để tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu đạt mức 8% để làm sạch bảng cân đối kế toán, sẽ không cần phải tăng lãi suất nữa. Lúc đó, ngân hàng có thể trả lãi suất thấp hơn vì người dân sẽ tin tưởng ngân hàng, không cần phải chạy theo lãi suất nữa mà chấp nhận mức lãi suất hạ nhưng tài sản của họ được bảo đảm. 

 “Chủ trương điều hành trong thời gian tới của NHNN tiếp tục theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ để điều hành linh hoạt và đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối. Về tín dụng, tiếp tục kiểm soát tăng trưởng tín dụng theo định hướng cả năm khoảng 14%. Thực hiện đồng bộ các biện pháp để ổn định mặt bằng lãi suất. Về tỷ giá, theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường trong nước và quốc tế, diễn biến căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ”, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN Phạm Thanh Hà nói.
Minh Phương/Báo Tin tức
Ngân hàng Nhà nước quyết định giảm lãi suất
Ngân hàng Nhà nước quyết định giảm lãi suất

Ngày 13/9, Ngân hàng nhà nước cho biết từ ngày 16/9/2019, Ngân hàng Nhà nước sẽ quyết định điều chỉnh giảm lãi suất. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN