Cứu thành công bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn ăn thịt người Whitmore

Trưởng khoa Nội AB (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái) cho biết từ khi chuyển về cơ sở mới (9/2016) với máy móc, thiết bị hiện đại, đến nay, bệnh viện đã phát hiện 8 ca nhiễm vi khuẩn Whitmore.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái vừa cứu thành công một bệnh nhân qua khỏi cơn nguy kịch do nhiễm vi khuẩn Whitmore (còn gọi là vi khuẩn ăn thịt người). Đây là một trong các loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm hiếm gặp, tỷ lệ tử vong rất cao.

Trước đó, ngày 9/9, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái tiếp nhận bệnh nhân Vi Văn L (49 tuổi, ở huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái) trong tình trạng sốt cao, rét run và đau bụng, các chỉ số sinh tồn giảm mạnh.

Qua chẩn đoán lâm sàng, các bác sỹ không phát hiện được cơ quan nào của bệnh nhân bị viêm nhiễm. Bệnh viện đã tiến hành nuôi cấy định danh vi khuẩn nhưng không có kết quả.

Ngày 12/9, bệnh viện tiến hành nuôi cấy định danh vi khuẩn lần 2 bằng máy BACTEC FX.

Đến ngày 14/9, các bác sỹ đã phát hiện ra vi khuẩn Whitmore trong người bệnh nhân.

Ngay sau đó, bệnh nhân Vi Văn L được tiến hành điều trị theo phác đồ và kháng sinh đặc hiệu liều cao.

Hiện sức khỏe của bệnh nhân đang tiến triển tốt, không còn nguy hiểm đến tính mạng.

Thạc sỹ, bác sỹ Chuyên khoa II Nông Văn Hách, Trưởng khoa Nội AB (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái) cho biết từ khi chuyển về cơ sở mới (9/2016) với máy móc, thiết bị hiện đại, đến nay, bệnh viện đã phát hiện 8 ca nhiễm vi khuẩn Whitmore.

Riêng từ đầu năm 2019 đến nay, bệnh viện đã phát hiện sáu ca nhiễm bệnh, trong đó bốn trường hợp đã tử vong do phát hiện bệnh quá muộn; một ca chữa trị thành công là bệnh nhân Nguyễn Văn Q (36 tuổi, ở xã Mậu Đông, huyện Văn Yên) và một bệnh nhân (Vi Văn L) đang được điều trị tích cực tại bệnh viện.

[Ngày càng xuất hiện nhiều ca nhiễm "vi khuẩn ăn thịt người" Whitmore]

Theo bác sỹ Nông Văn Hách, vi khuẩn Whitmore có trong đất, bùn và đường lây nhiễm chủ yếu do vùng da tổn thương tiếp xúc trực tiếp với vi khuẩn hoặc hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn này.

Hiện tại không có vắcxin đặc trị và phương pháp phòng bệnh đặc hiệu nhưng với sự hỗ trợ của máy móc hiện đại, nếu phát hiện bệnh sớm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái có thể điều trị thành công với tỷ lệ cao.

Bác sỹ Nông Văn Hách cũng khuyến cáo người dân khi lao động tại các môi trường bùn, đất bẩn cần có bảo hộ lao động thật tốt, tránh để da bàn chân, bàn tay, các bộ phận của cơ thể tiếp xúc trực tiếp với bùn đất.

Khi có các triệu chứng như sốt cao, rét run, mệt mỏi, đau nhức các cơ khớp..., người bệnh nên nhanh chóng đến bệnh viện có uy tín để được khám và điều trị kịp thời./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục