Thái Nguyên ban hành công điện khẩn về ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Nguyên yêu cầu các đơn vị tổ chức lực lượng khắc phục ngay tình trạng ngập úng; triển khai các phương án phòng chống lũ.
Thái Nguyên ban hành công điện khẩn về ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất ảnh 1Nhiều khu dân cư tại Thái Nguyên ngập sâu trong nước. (Ảnh: Quân Trang/TTXVN)

Ngày 10/9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Nguyên đã ban hành công điện khẩn về chủ động ứng phó với diễn biến của mưa, lũ, lũ quét và sạt lở đất gửi tới các sở, ban, ngành, đoàn thể và các doanh nghiệp trên địa bàn 9 huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh.

Công điện nêu rõ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu tổ chức lực lượng khắc phục ngay tình trạng ngập úng; triển khai các phương án phòng chống lũ, ngập úng đảm bảo an toàn các công trình phòng chống lũ theo cấp báo động; tổ chức tuần tra canh gác, kiểm tra, rà soát việc chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện theo quy định.

Bên cạnh đó, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, lũ quét, ngập úng, sạt lở đất; kiểm tra, rà soát các khu dân cư ở ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp, vùng ven sông suối, ngoài bãi sông, khu vực xung yếu, có nguy cơ sạt lở, lũ quét, nhà ở không an toàn để chủ động sơ tán dân đến nơi an toàn, đặc biệt là các công trình xây dựng đang thi công liên quan đến đê, kè, cống qua đê, hồ, đập, cầu tràn qua suối, cầu qua sông, các bãi thải khoáng sản; các khu vực, vị trí đã xuất hiện nứt, sụt lún, sạt lở đất như khu vực sạt lở xóm Yên Thái, xã Tân Thái huyện Đại Từ; xóm Nà Lay, xã Sảng Mộc huyện Võ Nhai...

[Đợt mưa ở các tỉnh Bắc Bộ có khả năng kéo dài đến hết ngày 12/9]

Các đơn vị bố trí lực lượng kiểm soát giao thông tại các khu vực đường bị ngập, bến đò, cầu tràn, ngầm tràn... để hướng dẫn người, phương tiện qua lại.

Các địa phương nghiêm cấm việc vớt củi, các vật trôi trên sông khi đang có lũ; yêu cầu các chủ đầu tư có công trình đang xây dựng ở ven sông, suối, chủ đầu tư, đơn vị thi công trên các khu vực khai thác khoáng sản chủ động có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện, thiết bị và công trình; triển khai phương án bảo đảm an toàn các hồ chứa nước; kiểm soát chặt chẽ việc xả lũ của các hồ chứa nhằm đảm bảo an toàn hồ, đồng thời chuẩn bị phương án đảm bảo an toàn cho người và tài sản ở hạ du các công trình.

Trước đó, như tin đã đưa, từ tối 9/9 đến sáng 10/9, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã có mưa to đến rất to, lượng mưa bình quân 150mm, kèm lốc, sét.

Lượng mưa lớn nhất đo được tại thành phố Thái Nguyên là 243mm, hồ Núi Cốc-huyện Đại Từ là 270mm, huyện Võ Nhai 169mm, xã Điềm Mạc-huyện Định Hóa là 134 mm, huyện Phú Bình 145mm... Đặc biệt tại xã Phúc Trìu (thành phố Thái Nguyên), lượng mưa đo được lên đến 361mm...

Thiên tai đã làm 3 người chết, 1 người bị thương nhẹ tại tổ 5 phường Tân Lập, thành phố Thái Nguyên (do bị tường rào của Nhà máy Cơ khí 19/5 đổ đè vào).

Ngoài ra, mưa lớn cũng làm gần 1.100 ngôi nhà bị ngập, 2 nhà bị hư hỏng, khoảng 670ha lúa ngập, 4 con bò bị chết, nhiều tuyến đường giao thông bị ngập, chia cắt.

Đặc biệt, Trạm biến áp 110kV Đán tại thành phố Thái Nguyên bị ngập dẫn đến mất điện toàn khu vực. Ngoài ra, khoảng 40 ôtô bị hư hỏng do ngập trong nước.

Chiều tối 10/9, tình hình ngập úng tại khu vực thành phố Thái Nguyên đã được khắc phục, tuy nhiên, mực nước trên các sông, suối tại cầu Gia Bảy, hồ Núi Cốc đang dâng lên nhanh, xấp xỉ mức báo động 1.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh Thái Nguyên, đợt mưa này có khả năng kéo dài đến hết ngày 12/9, nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất, cảnh báo rủi ro thiên tai cấp 1./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục