Điện ảnh Việt: Cần tiếp cận công nghệ 4.0 để phát triển

10/09/2019 15:30 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hội thảo khoa học “Tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào lĩnh vực điện ảnh” ngày 10/9 tại Hà Nội với sự tham gia của các nhà đạo diễn, nghệ sỹ, nhà quản lý và doanh nghiệp. 

Luật Điện ảnh sửa đổi: 'Gỡ' loạt vấn đề bất cập để thúc đẩy điện ảnh Việt phát triển

Luật Điện ảnh sửa đổi: 'Gỡ' loạt vấn đề bất cập để thúc đẩy điện ảnh Việt phát triển

Hội thảo lấy ý kiến góp ý để xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã diễn ra sáng 23/8 tại Hà Nội. Các đại biểu đại diện cơ quan quản lý, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh đã đóng góp nhiều ý kiến hữu ích, phù hợp với thực tế.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung làm rõ 3 nhóm vấn đề: Tác động, thuận lợi, khó khăn, thách thức khi ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực điện ảnh; các xu hướng trong sản xuất, phổ biến, lưu trữ, tác quyền, quản lý, thống kê; đào tạo nhân lực trong xu hướng mới, đáp ứng nhu cầu xã hội.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới, tác động đến nhiều ngành, lĩnh vực, trong đó có điện ảnh. Điện ảnh là một trong những ngành có tính xã hội hóa, khả năng thực tế cao, với sự phát triển mạnh của công nghệ không dây, có dây công nghệ cao cùng với truyền hình, cáp quang vệ tinh, điện thoại 3,4,5 G, thiết bị thu hình có khả năng trình chiếu kĩ thuật cao... ngày nay có thể mang cả rạp chiếu phim về nhà.

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Tạ Quang Đông chủ trì Hội thảo khoa học Tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào lĩnh vực Điện ảnh. Ảnh: Báo Tổ quốc

Công nghệ đã làm thay đổi cơ bản phương thức truyền thông cũng như hình thức tiếp cận tác phẩm điện ảnh của nhân dân. Trong xu thế phát triển không ngừng của khoa học công nghệ, ngành văn hóa nói chung, điện ảnh nói riêng cần có giải pháp nhằm phát huy tối đa lợi thế, hạn chế mức tối thiểu khó khăn, thách thức khi tiếp cận để phát huy hiệu quả thuận lợi mà cách mạng 4.0 mang đến.

Theo Tiến sỹ Từ Mạnh Lương, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), hiện nay điện ảnh được xem là ngành công nghiệp văn hóa. Mục tiêu của ngành điện ảnh là đến năm 2020 đạt khoảng 150 triệu USD, trong đó phim Việt Nam đạt 50 triệu USD; đến năm 2030 phim Việt Nam đạt khoảng 125 triệu USD. Để đáp ứng nhu cầu phát triển điện ảnh trong tình hình mới, việc cập nhật, hoàn thiện thể chế, chế định pháp luật để phát triển điện ảnh trong thời đại cách mạng nghệ nghiệp lần thứ 4 là điều cần được nghiên cứu cẩn trọng.

Tiến sỹ Từ Mạnh Lương cho rằng: Nhà nước cần tạo điều kiện về chính sách để doanh nghiệp ngoài nhà nước được tham gia vào hoạt động điện ảnh, nhất là trong sản xuất phim ứng dụng, chuyển giao công nghệ điện ảnh; hợp tác công – tư trong xây dựng các trung tâm chiếu phim hiện đại; xây dựng tác phẩm điện ảnh lớn sử dụng kỹ xảo; lưu trữ và phổ biến phim bằng công nghệ cao. Quan trọng là Nhà nước cần đẩy mạnh đào tạo ở nước ngoài các tài năng, nhân lực của ngành điện ảnh trong việc ứng dụng công nghệ cao; thúc đẩy sáng tạo trong quá trình xây dựng tác phẩm điện ảnh…

Ông Nguyễn Mạnh Cường (Trung tâm Chiếu phim quốc gia) chia sẻ, các cụm rạp do tập đoàn nước ngoài, công ty tư nhân đầu tư do có kinh phí lớn, thủ tục không rườm rà, nên việc chuyển đổi, đầu tư công nghệ nhanh chóng, dễ dàng hơn. Một loạt các cụm rạp hiện đại, thi công lắp đặt nhanh lại gần Trung tâm Chiếu phim quốc gia đã tạo ra áp lực cạnh tranh rất lớn cho trung tâm. 

Việc chuyển đổi quá nhanh từ phim nhựa sang công nghệ số trong vài năm đã khiến loạt máy chiếu phim truyện nhựa còn tốt nay phải xếp kho vì không còn phim nhựa để chiếu. Nếu Trung tâm Chiếu phim quốc gia cũng như các rạp chiếu khác của nhà nước không nhanh chóng chuyển đổi sang công nghệ số thì sẽ không có phim chiếu, đồng nghĩa với việc không thể tồn tại. Chuyển đổi công nghệ cũng phải gắn với việc đào tạo lại kỹ thuật viên máy chiếu; đầu tư hệ thống bán vé hiện đại, thanh toán online… đáp ứng nhu cầu nhanh chóng, thuận tiện của công chúng. 

Hiện nay, điện ảnh thế giới đã khai thác tiềm năng, lợi thế của cách mạng công nghiệp 4.0. Việt Nam cũng cần nắm vững xu thế này để thay đổi tư duy, hành động để tìm ra cách thức riêng, chinh phục thị hiếu người xem, làm cho điện ảnh đến gần hơn với công chúng, tác động tích cực vào công chúng và chiếm được thị phần lớn hơn, tạo nguồn lực từng bước xây dựng nền điện ảnh Việt Nam hiện đại, nhân văn, mang bản sắc dân tộc…

Thanh Giang - TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm